Để giảm thiểu thiệt hại, thương vong trong mùa mưa bão, chúng ta cần phải chủ động và chuẩn bị các biện pháp phòng, chống.
Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nguy cơ xảy ra những hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa rất lớn, nắng gay gắt, lạnh bất thường là khó tránh khỏi. Đặc biệt, khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina vào những tháng cuối năm 2016 là tương đối cao, do đó mưa lớn cục bộ, bão cường độ mạnh có thể xảy ra.
Trước khi bão vào
– Tiếp nhận thông tin:
Cần chủ động và cập nhật thông tin về bão, qua nhiều kênh khác nhau như đài phát thanh, truyền hình, các dịch vụ của hệ thống điện thoại để theo dõi sát thông tin về hướng bão và tọa độ bão đổ bộ. Đồng thời cần có danh sách số điện thoại cần thiết để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp (cứu hộ cứu nạn, công an, cấp cứu y tế…).
– Kiểm tra, gia cố nhà cửa:
Kiểm tra toàn bộ nhà cửa và sửa chữa nếu có dấu hiệu xuống cấp. Một số vị trí trong căn nhà có thể xuất hiện dột, thấm nước như cửa ra vào, cửa sổ, trần nhà, tầng áp mái. Nếu thấy bị hư hỏng hoặc xuất hiện các lỗ thủng, cần tìm cách khắc phục nhanh chóng.
Kiên cố nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới; kiểm tra hệ thống thoát nước để thông tắc nếu cần.
+ Chằng, néo ngoài nhà: Nhà không xây tường mà làm bằng gỗ, tre thì dùng dây sắt, hoặc dây nilong (có đường kính lớn) néo tại điểm liên kết kèo và cột, kéo xuống đất ngoài nhà, một góc 45 độ.
+ Chống, chằng trong nhà: Dùng các cây tre, gỗ, ván dài hơn các cột trong nhà để chống, vào đầu cột, điểm liên kết cột và kèo, gió chiều nào thì chống phía ấy, chú ý: phía chân phải được cố định tránh cột chống di chuyển. Nếu nhà nhiều cột cũng có thể liên kết các cột với nhau bằng các cây tre, gỗ buộc chéo chằng lại.
Các Lực lượng chức năng thu gom cây bị đổ trên đường Láng, quận Cầu Giấy. Ảnh: Quang Quyết/ TTXVN |
+ Chặn mái nhà: Khi nhà lợp tôn thì sử dụng bao cát chặn lên mái, tại các vị trí có đòn tay, nhất là rìa mái dọc và ngang của mái tôn, số bao có cát càng nhiều càng tốt, các bao cát được liên kết với nhau bằng một sợi dây hoặc thanh tre; tuyệt đối không dùng đá viên lớn, đá nhỏ bỏ vào bao tải, gạch, hay đồ vật cứng, ngắn để chặn trên mái nhà. Hiện nay, các loại bao tải đều có chất dễ phân hủy khi có ánh nắng mặt trời. Do đó, để khỏi bị cát bay về mùa khô, đá rơi khi bao bị hủy nên trộn lẫn cát với xi măng dạng vữa bê tông mác 50. Như vậy, việc chặn mái được lâu dài, khi bao đã hủy thì khối cát, đá vẫn còn lại cho các năm sau.Các nhà lợp bằng fibro ximăng khi néo bằng dây thép phải chú ý điểm dây thép tiếp xúc với tôn ở đây dễ bị ăn mòn, cho nên phải buộc lại trước khi bão đến. Để chắc chắn hơn thì dùng dây cáp choàng qua mái tôn, kéo xuống đất để chằng néo theo kiểu néo chữ T ở trên, không buộc vào gốc cây có cành lá lớn cây đổ, nhà đổ theo.
– Kiểm tra lại hệ thống thiết bị điện:
Khi mưa bão tới, nguy cơ tai nạn điện là rất cao. Để phòng tránh các tai nạn điện, cần đảm bảo kiểm tra lại các thiết bị trong nhà để đảm bảo hoạt động tốt. Các ổ điện phải ở trên cao, không đặt dưới thấp vì có thể bị nước mưa ngập tới. Các thiết bị điện như máy giặt, bình nóng lạnh cần phải được nối đất. Nên mua một hệ thống ổn áp điện thông minh để bảo vệ các thiết bị điện và an toàn cho người sử dụng.
– Lắp cột thu lôi (ở vùng thường xuyên có sét đánh)
Để phòng tránh các nguy cơ do sét gây ra, đặc biệt tại các khu vực thường xuyên có sét đánh nên lắp đặt hệ thống cột thu lôi chống sét, bảo vệ an toàn cho các thiết bị và con người.
Cột thu lôi cần được lắp đặt ở vị trí cao. Tuy nhiên, cũng không nên lắp quá cao vì có thể bị nghiêng đổ khi có gió bão, gây mất tác dụng và giảm sức chịu lực của cột. Tùy vào điều kiện và đặc trưng của mỗi công trình, nhà ở mà có sự tính toán, thiết kế và lắp đặt hợp lý, bảo đảm an toàn tối ưu cho công trình và người sử dụng.
– Chặt hoặc tỉa cành: Tất cả các cây, cành to gần nhà phải chặt hoặc tỉa cành để tránh cây, cành có thể gãy khi có gió mạnh.
– Dự trữ lương thực, vật dụng đề phòng bão lớn:
Nên dự trữ đủ thực phẩm cho vài ngày. Đặc biệt cần chuẩn bị những loại thực phẩm khô, đồ ăn sẵn và nước sạch, nước đóng chai có thể dùng trong thời gian ít nhất ba ngày.
Kiểm tra và chuẩn bị các nguồn sáng như đèn pin, đèn dầu, nến… Chuẩn bị thuốc cần thiết như thuốc cảm, thuốc tiêu chảy, dầu gió, bông băng…
Cuối cùng, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kỹ năng sống sót trong những điều kiện nguy hiểm, khẩn cấp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Bão vào
Chọn chỗ an toàn tránh trú: Nếu ở trong nhà không kiên cố nên chủ động sơ tán đến nơi an toàn (trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…) để trú ẩn. Tuyệt đối không ở lại các chòi canh, lồng bè nuôi trồng hải sản.
Ở một số địa phương vùng cát có kinh nghiệm đào hầm trú ẩn. Chọn địa điểm đào hầm là nơi cao ráo, cách xa một khoảng an toàn với cây cổ thụ, tường vách nhà để loại trừ nguy hiểm có thể xảy ra khi triều cường, các vật nặng ngã đổ đè lên hầm.
Tuyệt đối không ra khỏi chỗ tránh khi bão chưa tan. Nếu không có nhiệm vụ, thì sau vài giờ bão đi qua mới rời chỗ trú ẩn.
Sau bão
Cho dù đã qua thời khắc nguy hiểm, trời hết gió, nước đã rút nhưng không nên chủ quan, vì lúc này nước vẫn còn dâng cao, tường xây, cây lớn chưa đổ hẳn và đường đi nhiều đoạn, khu vực nước còn chảy xiết, mạnh…
Nếu nhà bị hư hỏng, kiểm tra độ an toàn trước khi vào nhà dọn dẹp, khắc phục.Thông báo cho cơ quan chức năng nếu có dây cáp bị hỏng hoặc cột điện bị đổ…