Mô hình bảo tồn Động vật kết hợp với giáo dục môi trường

0
170
Thời gian qua, các cán bộ của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) miệt mài nghiên cứu, xây dựng bộ sưu tập sống về động vật nhiệt đới Việt Nam, nghiên cứu giải pháp bảo tồn, nhân nuôi các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Kết quả hình ảnh cho Trạm đa dạng sinh học Mê Linh
Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng xây dựng mô hình tham quan miễn phí, qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường sinh thái cho học sinh, sinh viên.
Mô hình bảo tồn Động vật kết hợp với giáo dục môi trườngCán bộ Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu về loài rùa. Ảnh: NGUYỄN PHƯỢNG
Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình bảo tồn, nhân nuôi động vật, Thạc sĩ Đặng Huy Phương, Trưởng Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh cho biết, đến nay, một số loài đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng đã được trạm nhân nuôi thành công. Trong tương lai, có thể phục hồi quần thể trong tự nhiên từ những cá thể sinh sản thành công tại trạm. Trong đó, mô hình thành công nhất là nhân nuôi loài thằn lằn cá sấu.
Các nhà khoa học xác định, thằn lằn cá sấu là loài đặc hữu của Việt Nam, đang trên đà tuyệt chủng. Hiện, Việt Nam chỉ còn từ 100 đến 150 cá thể ngoài tự nhiên, phân bố ở dãy núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, nhưng môi trường sống tự nhiên của chúng đang mất dần do khu vực này đang khai thác than, làm nương rẫy và cháy rừng.
Năm 2014, trạm kết hợp các chuyên gia của Vườn thú Cologne (Đức) đưa sáu cá thể về nuôi bảo tồn, trở thành trạm duy nhất trên cả nước nuôi bảo tồn thằn lằn cá sấu.
Do đây là loài mới, chưa có nhiều nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, cho nên việc chăm sóc, nhân nuôi, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Các cán bộ ở đây cho biết, khó khăn nhất là đến mùa sinh sản, phải quan sát, theo dõi thời gian sinh con để tách con non khỏi bố mẹ, đưa vào phòng nuôi đến khi trưởng thành mới cho ra môi trường để hòa nhập. Hiện, trạm đã nhân nuôi thành công 19 cá thể. Thành công này khiến các nhà khoa học thế giới quan tâm và hỗ trợ công tác nghiên cứu.
Các nhà khoa học ở đây đang nghiên cứu môi trường phù hợp để khi có đủ cá thể, có thể thả lại về môi trường tự nhiên. Chương trình nhân nuôi bảo tồn quần thể loài rùa Trung Bộ cũng phấn đấu đạt mục tiêu các cá thể sinh sản từ chương trình được thả lại tự nhiên khi điều kiện về sinh cảnh sống được cải thiện, an toàn.
Rùa Trung Bộ là loài đặc hữu quý hiếm, nhưng là một trong những loài bị đe dọa cao nhất trên thế giới do sinh cảnh bị thu hẹp và nạn săn bắt trái phép. Loài này cũng có rất ít thông tin về tập tính và đặc điểm sinh học. Vì thế, nghiên cứu của trạm là cơ sở khoa học cho công tác nhân nuôi rùa Trung Bộ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.
Đến nay, trạm đã xây dựng thành công mô hình cứu hộ, nhân nuôi các nhóm động vật khác nhau: nhân nuôi các loài ếch, nhái; nhân nuôi các loài bò sát; cứu hộ, nhân nuôi, bảo tồn các loài linh trưởng.
Đây đều là các loài bị săn bắt, buôn bán nên suy giảm nghiêm trọng. Các mô hình trên bước đầu phát huy hiệu quả, cứu hộ được 50 cá thể của 15 loài động vật, nhân nuôi, bảo tồn được 194 cá thể của 35 loài động vật.
Khác với những trung tâm cứu hộ khác, trạm vừa làm công tác cứu hộ các loài động vật bị mua bán, săn bắt, vừa bảo tồn, nhân nuôi, nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài được cứu hộ hoặc đưa từ nơi khác về nghiên cứu. Hằng ngày, tại phòng nuôi bò sát, ếch nhái trong nhà, luôn có một cán bộ chăm sóc, theo dõi.
Nhiều loài bị bệnh, cán bộ phải gửi mẫu bệnh hoặc gửi thư mô tả tới các nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài nhờ giúp đỡ. Hằng năm, các nhà khoa học của Vườn thú Cologne sang kiểm tra và tài trợ thức ăn bổ sung và thuốc phòng bệnh cho Thằn lằn cá sấu.
Mô hình cứu hộ, nhân nuôi các loài linh trưởng không chỉ giúp thu thập tư liệu về đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài linh trưởng được cứu hộ, mà còn là những câu chuyện cảm động về bảo vệ động vật hoang dã.
Một gia đình khỉ bị cụt tay do bị bẫy; những con vật bị nuôi nhốt trong chuồng, không có khả năng trở về tự nhiên… trở thành các thí dụ sinh động trong bài giảng cho học sinh, sinh viên về tình yêu động vật, trách nhiệm bảo tồn động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, Trạm đã phối hợp với các đối tác của CHLB Đức như Viện Friedrich-Ebert-Stiftung và Vườn thú Cologne xây dựng Phòng Đa dạng sinh học và giáo dục môi trường, nhằm cung cấp thông tin về giá trị của đa dạng sinh học đối với đời sống con người, hiện trạng đa dạng sinh học Việt Nam, mối đe dọa đến các loài động thực vật hoang dã, nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc gìn giữ và bảo tồn tài nguyên sinh vật.
Trạm xây dựng các tuyến tham quan, học tập về sinh thái và đa dạng sinh học, tập trung giới thiệu các sinh cảnh rừng, các loài động vật hoang dã, ý nghĩa của rừng, mối liên kết trong hệ sinh thái.
Theo lãnh đạo Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, việc xây dựng mô hình tham quan trải nghiệm thiên nhiên kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giới trẻ đã hấp dẫn học sinh, sinh viên, đem lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ nghe giảng lý thuyết ở giảng đường. Toàn bộ hoạt động tại trạm miễn phí, đáp ứng nhu cầu học tập, trải nghiệm thực tế của giới trẻ. Số lượng khách tham quan hằng năm tăng đáng kể.
Năm 2018 có trên tám nghìn lượt học sinh, sinh viên tham quan, học tập. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất của trạm chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và tham quan. Các chế độ của Nhà nước đối với cán bộ tại trạm chưa hấp dẫn, nhất là trong điều kiện làm việc vất vả, đi lại khó khăn. Những bất cập này cần sớm được giải quyết, tạo động lực cho các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn động thực vật hoang dã nơi đây.
Nguồn: Báo Nhân dân