Thiên tai càn quét châu Á năm 2019

0
7
Lũ lụt, cháy rừng, hạn hán gây hậu quả tàn khốc là minh chứng cho cuộc khủng hoảng khí hậu mà châu Á – Thái Bình Dương đang trải qua.

Châu Á – Thái Bình Dương, nơi cư trú của 60% dân số thế giới, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong khi các nước phát triển coi đây là vấn đề cấp bách nhưng chưa xảy ra ngay, hậu quả của biến đổi khí hậu đã chạm đến mọi ngóc ngách cuộc sống của hàng triệu cư dân tại khu vực này.

Giới khoa học cho biết các hiện tượng thời tiết hiện nay không dừng lại ở mức bất thường mà cực đoan hơn nhiều. Theo báo cáo hồi tháng 8 của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương thuộc Liên Hợp Quốc, chuỗi thiên tai liên tiếp hai năm qua “vượt xa những gì khu vực từng trải qua hoặc có thể dự đoán” và là dấu hiệu cho “thực tế mới về thời tiết sắp tới”.

Thiên tai càn quét châu Á năm 2019

Các tình nguyện viên và lính cứu hỏa ngăn chặn cháy rừng ở gần làng Termeil, bang New South Wales, Australia hôm 3/12. Ảnh: Reuters.

Việc đối phó biến đổi khí hậu tại nhiều nước châu Á phức tạp hơn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển. Sự bùng nổ dân số và di cư ồ ạt tới các thành phố lớn để làm việc gây áp lực lên nguồn cung cấp nước và thực phẩm.

Các nước châu Á phụ thuộc vào than đá để thúc đẩy công nghiệp hóa, khiến lượng khí CO2 thải ra môi trường tăng mạnh, dù một số quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc đang hướng tới nguồn năng lượng sạch hơn. Thêm vào đó, khi đời sống được cải thiện, nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng phát thải lớn như điều hòa, ôtô và sản phẩm dùng một lần cũng tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Trong khi một số thành phố giàu có được cho là đủ khả năng chống chọi thảm họa ở mức độ nhất định, nhiều cộng đồng nghèo khổ đang phải sống tại những khu vực bấp bênh nhất về môi trường trên Trái Đất, nơi thời tiết khắc nghiệt có thể hủy hoại cuộc sống, nguồn nước và thực phẩm, cũng như nền kinh tế và cơ sở hạ tầng.

Sống trên đảo quốc Samoa nằm giữa Thái Bình Dương, Tagaloa Cooper-Halo, thành viên Ban thư ký Chương trình Môi trường Khu vực Thái Bình Dương, đã tận mắt chứng kiến những thay đổi về khí hậu.

Mực nước biển đang dâng cao nhanh chóng. Chúng tôi dự đoán sự thay đổi sẽ thể hiện rõ ràng trong khoảng 20 năm nữa, nhưng ngay bây giờ chúng tôi đã thấy được điều này”, Cooper-Halo nói.

Trong báo cáo được cho là mang tính bước ngoặt năm nay, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc xác nhận mực nước biển toàn cầu đang dâng nhanh hơn dự kiến. Lượng khí nhà kính ngày càng tăng, nhiệt độ ấm lên và băng tan có thể khiến mực nước biển tăng hơn 2 m vào cuối thế kỷ này nếu mức phát thải tiếp tục không được kiểm soát, theo một nghiên cứu hồi tháng 5. Viễn cảnh này đồng nghĩa với việc 187 triệu người, chủ yếu ở châu Á, sẽ mất nơi cư trú.

Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng việc thích nghi với tình trạng nước biển dâng là thách thức chủ chốt với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các biện pháp bao gồm bảo vệ bờ biển và cơ sở hạ tầng, khôi phục rừng ngập mặn, xác định những khu vực có nguy cơ bị ngập. Cooper-Halo cho biết nhiều nước Thái Bình Dương đã hành động bằng cách lắp đặt trạm quan trắc đo mực nước biển và trồng các cây có khả năng chịu nước mặn.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm qua cũng phải đối mặt với thiên tai ngày càng dữ dội. Những cơn mưa gió mùa xối xả gây ra lũ lụt và lở đất trên khắp Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, khiến hàng trăm người chết và tàn phá cơ sở vật chất.

Nhiều nước khác như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines bị những cơn bão nhiệt đới tấn công, gây thương vong và buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán, thiệt hại hàng triệu USD. Cuộc khủng hoảng khí hậu có thể gây ra những cơn bão mạnh hơn, mưa và gió nghiêm trọng hơn ở khu vực trong tương lai.

Thiên tai càn quét châu Á năm 2019

Đống đổ nát tại thành phố Sorsogon, Philippines hôm 3/12 sau khi bão Kammuri đổ bộ. Ảnh: AFP.

Sau khi quê nhà tại thành phố Tacloban, Philippines bị siêu bão Haiyan tàn phá hồi năm 2013, Joanna Sustento quyết định tham gia vận động vì môi trường. Cô mất cả cha mẹ, anh trai, chị dâu và cháu trai khi một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử đổ bộ đất nước.

“Chúng tôi hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm. Chúng ngày càng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn. Với người Philippines, điều đó đồng nghĩa với nhà cửa và sinh kế bị tàn phá, sự ra đi của những người thân yêu, thiếu nguồn nước, thực phẩm và sự an toàn của bản thân bị đe dọa”, Sustento cho hay.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, 7 trong số 10 thảm họa gây thiệt hại kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 1970 đến 2019 là bão nhiệt đới. Hậu quả nặng nề của chúng có thể làm tê liệt các nước nghèo. Hồi năm 2015, bão Pam quét qua Vanuatu gây thiệt hại tương đương 64% GDP của quốc đảo Thái Bình Dương này.

Giới chuyên gia cho biết tất cả thành phố dễ chịu ảnh hưởng của bão cần cải thiện cơ sở hạ tầng và đưa ra kế hoạch phát triển phù hợp trong tương lai. Việc đầu tư các hệ thống cảnh báo sớm sẽ cứu được vô số sinh mạng. Sustento cho rằng các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng cần nhanh chóng chuyển sang loại năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, nhiều nước khác trong khu vực lại hứng chịu hậu quả ở thái cực ngược lại của khủng khoảng khí hậu, với những đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài. Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Australia là các nước phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng cực đoan và sóng nhiệt trong năm qua.

Tình trạng này đã tiếp diễn suốt 5 năm và ngày càng dữ dội, tới mức một nhóm nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ cho rằng một số nơi đã trở nên quá nóng cho con người cư trú. Australia trong tháng này liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ, với nhiệt độ ngày 18/12 là 41,9 độ C. Đợt nắng nóng làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng chưa từng có, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, hơn 700 ngôi nhà bị phá hủy và ít nhất 3 triệu hecta rừng bị thiêu rụi.

Chennai, thành phố lớn thứ 6 của Ấn Độ, năm nay gần như cạn nước vì đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua. 4 hồ chứa cung cấp nước cho gần 5 triệu người cạn khô. Cư dân phải xếp hàng khắp thành phố để hứng nước từ xe bồn, trong khi bệnh viện không đủ nước để hoạt động hoặc khử trùng thiết bị.

Khoảng 600 triệu người trên khắp Ấn Độ cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng dự kiến còn tồi tệ hơn khi nguồn nước trong các giếng khoan có nguy cơ cạn kiệt.

“Dân số đất nước ngày càng tăng và nền kinh tế đang phát triển. Vì vậy, bạn cần thêm nguồn nước cho các ngành công nghiệp cũng như người dân và mọi thứ”, Jyoti Sharma, chủ tịch tổ chức phi chính phủ FORCE vận động bảo vệ nguồn nước ở Ấn Độ, cho hay.

Thiên tai càn quét châu Á năm 2019

Người dân múc nước sót lại từ một hồ cạn ở thành phố Chennai, Ấn Độ hôm 11/6. Ảnh: Reuters.

Một báo cáo tháng này cho biết 1/4 dân số thế giới đang sống tại những khu vực nguồn nước không đủ đáp ứng nhu cầu, với các cuộc khủng hoảng nước từng bị coi là “không thể tưởng tượng được” trở nên phổ biến.

“Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai đề cập đến. Hậu quả của nó vô cùng rõ rệt, như mất an ninh lương thực, xung đột, di cư và bất ổn tài chính”, Andrew Steer, chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, cho hay.

Theo Sharma, Ấn Độ cần giải quyết vấn đề bằng cách quy hoạch và phát triển đô thị một cách đúng đắn. “Lắp đặt hệ thống đường ống và tưới tiêu hiệu quả hơn sẽ cứu chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng phía trước”, bà nêu ý kiến.

Thế giới giờ đây ấm hơn 1,1 độ C so với thời điểm bắt đầu Cách mạng Công nghiệp. Dựa trên tình hình hiện tại, lượng khí thải CO2 cần giảm 7,6% mỗi năm trong thập kỷ tới để ngăn khủng hoảng khí hậu, nhưng chúng vẫn không ngừng tăng lên.

Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng nhấn mạnh sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, trong khi việc hành động vì môi trường đang là yêu cầu cấp bách. Những cư dân chịu ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu ở châu Á – Thái Bình Dương có lẽ không thể đợi thêm một thập kỷ nữa.

Tuy nhiên, Cooper-Halo cho biết đầu hàng không phải một lựa chọn. Bà chỉ ra rằng người dân tại Thái Bình Dương đã thức tỉnh trước thực tế khắc nghiệt trong nhiều năm nay, nói thêm rằng nhiệm vụ bây giờ của các nước là nắm bắt vấn đề và hành động.

Nguồn: Ánh Ngọc (Theo CNN)