Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang không ngừng tác động tiêu cực đến toàn thế giới thì phải coi đó là vấn đề đạo đức.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Chile, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà – Trưởng đoàn Việt Nam cho biết, năm 2015 tại Paris, các nước đã đạt được thỏa thuận và mang lại những hy vọng mới để giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu (BĐKH).
“Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã không ngừng tác động tiêu cực đến tất cả các dân tộc chúng ta. Chúng tôi cho rằng, phải coi ứng phó BĐKH là vấn đề đạo đức. Chúng ta có thể làm cho cuộc sống của các thế hệ hôm nay và mai sau thoát khỏi khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu bằng những cam kết cụ thể và các hành động khẩn trương theo Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thoả thuận Paris”, Bộ trường Hà nhấn mạnh.
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà – Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại COP25.
|
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam kêu gọi các quốc gia chưa hoàn thành trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính trong giai đoạn trước năm 2020 tiếp tục thực hiện trách nhiệm này bên cạnh các nghĩa vụ mới trong giai đoạn kể từ sau năm 2020. Điều này sẽ góp phần củng cố lòng tin giữa các quốc gia và dân tộc về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời kỳ mới.
Ông Hà cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để các dân tộc một lần nữa thể hiện tình đoàn kết của mình ngay tại Madrid để hiện thực hoá cuộc cách mạng đã được tạo nên từ 2015 tại Paris.
|
Biến đổi khí hậu ngày càng nhanh và gây hậu quả sâu rộng cho toàn thế giới. Ảnh: Sumit Sanyal.
|
“Chúng ta cùng chung tay chuyển đổi về mô hình phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hướng đến nền kinh tế bền vững có khả năng chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên tinh thần và áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Việt Nam kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính cho chuyển giao và ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao năng lực nhằm hiện thực hoá quá trình chuyển đổi này tại các quốc gia đang phát triển”, ông Hà cho hay.
Ông Hà nhấn mạnh việc, trong quá trình đàm phán về hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris bao gồm Điều 6 cần phải được hoàn thành bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Công ước nhằm cho phép các quốc gia xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong quá trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
|
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị COP25 tại Chile.
|
Quá trình rà soát và cập nhật NDC cần được hoàn thành trước cuối năm 2020 với “nỗ lực cao nhất có thể” trong giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần xem xét các giải pháp thiên nhiên, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Vấn đề minh bạch trong thực hiện và hỗ trợ thực hiện Thoả thuận Paris cũng cần được quan tâm.
Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành việc rà soát, cập nhật NDC, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và huy động nguồn lực trong Luật Môi trường sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2020.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP25 bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn cấp cao ngoài ra còn có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH (VPCC); đại diện Văn phòng Chính phủ.
Thỏa thuận chung Paris được thông qua tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chi phối các biện pháp giảm carbon dioxit từ năm 2020. Thỏa thuận này đã được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 của các Bên của Công ước Khí hậu ở Paris và được thông qua ngày 12/12/2015.
Thỏa thuận này có 4 nội dung chính là đạt mức phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức phát thải vào nửa sau của thế kỷ XXI. Nỗ lực giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C, giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C và đánh giá quá trình thực hiện 5 năm một lần. Đến năm 2020, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai. Đây được xem như là một “bước ngoặt lịch sử” trong mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu. |
Nguồn: Theo VOV