EU quyết nói “Không” với khí thải CO2 vào năm 2050

0
6
Quyết định đưa ra một ngày sau thông báo của Ủy ban châu Âu về kế hoạch tăng trưởng mang tên “Thỏa thuận Xanh” nhằm chống biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua mục tiêu tham vọng đưa lượng phát thải khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050. Đây là nỗ lực rất lớn của Liên minh châu Âu nhằm vượt qua một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất, đồng thời cho thấy quyết tâm của khối thực hiện vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc lần thứ 25 về biến đổi khí hậu đang kêu gọi “một thế giới hành động” nhằm ngăn chặn xu hướng tiêu cực của khí hậu.

EU quyết nói “Không” với khí thải CO2 vào năm 2050. Ảnh minh họa: EEAS

Quyết định đưa ra một ngày sau thông báo của Ủy ban châu Âu về kế hoạch tăng trưởng mang tên “Thỏa thuận Xanh” nhằm chống biến đổi khí hậu, với 100 tỷ euro đầu tư để hỗ trợ các nước thành viên đồng ý từ bỏ năng lượng hóa thạch. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Liên minh châu Âu quyết tâm trở thành châu lục đầu tiên trên thế giới “nói không với khí nhà kính” từ nay đến năm 2050.

“Sau Thỏa thuận Xanh được Ủy ban châu Âu công bố hôm qua, chúng ta tiếp tục thông qua cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến khí hậu. Châu Âu sẽ trở thành châu lục đầu tiên trên thế giới nói không với khí nhà kính. Cam kết đưa ra sau khi đã đánh giá mối quan tâm cũng như lợi ích của các quốc gia thành viên. Điều quan trọng là mọi quyết định đều phải đánh giá tới những hậu quả xã hội có thể”, ông Charles Michel nói.

Thỏa thuận đạt được sau phiên tranh luận căng thẳng kéo dài nhiều giờ nhằm xoa dịu quan ngại của các nước ở khu vực Trung Âu và Đông Âu vốn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và than đá, trong đó có Cộng hòa Séc và Ba Lan. Văn kiện đặc biệt có nội dung cho phép một số quốc gia thành viên quyết định đưa năng lượng hạt nhân vào danh mục các nguồn năng lượng cần thiết.

Điều này đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của Cộng hòa Séc, vốn luôn muốn nhận được đảm bảo rằng năng lượng hạt nhân phải là một nguồn năng lượng được chấp nhận. Hiện nay, một nửa lượng điện tiêu thụ tại Cộng hòa Séc là từ than đá và nước này muốn loại bỏ phần lớn trong 20 năm tới để thay thế bằng các nhà máy điện hạt nhân.

Vấn đề đối với Ba Lan lại khác. Nước này ngày 12/12 đã từ chối tham gia thỏa thuận và muốn thực hiện các mục tiêu tham vọng về khí hậu theo tốc độ riêng của mình. Tuy nhiên, việc Ba Lan không phủ quyết những kết luận được đưa ra tại Hội nghị đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Liên minh châu Âu nhằm vượt qua một trong những chủ đề gây chia rẽ nhất. Theo Liên minh châu Âu, khối này sẽ thảo luận lại vấn đề trong tháng 6/2020 nhằm tạo ra một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.