Chữa lành đại dương để chống biến đổi khí hậu

0
14
Những nỗ lực nhằm khôi phục hệ sinh thái biển sẽ giúp nhân loại đối phó với tình trạng Trái đất nóng lên và ô nhiễm carbon – Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace International) khẳng định.
Chữa lành đại dương để chống biến đổi khí hậu
Đại dương có khả năng hấp thụ lượng nhiệt dư thừa và khí thải nhà kính (CO2). Tuy nhiên, do con người đang khai thác tận diệt nhiều loài sinh vật biển, phá vỡ các hệ sinh thái quan trọng và cả chu trình carbon tự nhiên, mà khả năng này đã bị sụt giảm đáng kể. Ngừng đánh bắt quá mức và dọn dẹp rác thải nhựa đại dương sẽ giúp tình trạng xuống cấp của bể hấp thụ carbon lớn nhất thế giới được cải thiện.
Theo kỳ vọng, chính sách quy hoạch các khu bảo tồn biển và vận động nhiều nước tham gia ký kết những hiệp định với mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% diện tích đại dương vào năm 2030, có thể sẽ giúp nhiều khu vực khôi phục môi trường sống tự nhiên lành mạnh và đối phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đó cũng chính là điểm nhấn trong báo cáo Hot Water: the climate crisis and the urgent need for ocean protection (Nguy cơ khủng hoảng khí hậu và nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ đại dương) do Greenpeace công bố trong tuần trước.
Các loài thực vật phù du như tảo biển có tác dụng chuyển hóa carbon hòa tan thành carbon hữu cơ – là một phần của chuỗi thức ăn tự nhiên. Những gì còn lại do không được hấp thụ hết sẽ chìm xuống đáy biển và bị chôn vùi trong các lớp trầm tích. Nếu không nhờ cỗ máy bơm sinh học khổng lồ này, nồng độ carbon trong khí quyển, thậm chí sẽ còn cao hơn khoảng 50% so với hiện nay.

Chữa lành đại dương để chống biến đổi khí hậu

Các sinh vật phù du đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên và chu trình carbon trên biển. Ảnh: FLPA/Alamy.
Một số loài nhuyễn thể thuộc bộ hình tôm như krill cũng đóng góp vai trò quan trọng đối với chu trình carbon trên biển khi di chuyển qua các tầng đại dương, và làm thức ăn cho nhiều loài lớn hơn. Tuy nhiên, quần thể của loài này đã chứng kiến một sự sụt giảm mạnh kể từ thập niên 1970, nguyên nhân là do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và đánh bắt bừa bãi.
Các sinh vật biển ở đầu kia trong chuỗi thức ăn cũng nắm giữ vai trò quan trọng không kém. Theo ước tính của Greenpeace, loài cá voi không răng (baleen whale) khổng lồ đang giữ lại lượng carbon thấp hơn 910 triệu tấn so với thời kỳ trước khi nạn săn bắt cá voi vì mục đích thương mại bùng nổ. Những nỗ lực hồi sinh quần thể của các loài cá voi chính sẽ giúp loại bỏ khoảng 160.000 tấn carbon trong khí quyển mỗi năm.

Chữa lành đại dương để chống biến đổi khí hậu

Cá voi ăn các loài nhuyễn thể và giáp xác, có thể đóng vai trò như một bể hấp thụ CO2 khổng lồ. Ảnh: Screen grab/BBC/NHU.
“Sinh vật biển chính là một đồng minh tốt nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhưng do khai thác tận diệt và quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chúng ta đã và đang đẩy đại dương đến bờ vực sụp đổ. Bảo vệ đại dương chính là để đối phó với biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta có thể chữa lành đại dương thì nó cũng sẽ cứu chúng ta,” nhà vận động chính sách môi trường Louisa Casson tại Greenpeace nhận định.
Mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change) cũng có báo cáo nhấn mạnh những hiểm họa mà môi trường biển phải đối mặt do biến đổi khí hậu. Tình hình cũng đang ở mức báo động đối với hiện tượng axit hóa đại dương. Nhiều vùng biển đang có tính axit (độ pH trong nước nhỏ hơn 7) cao hơn khoảng 26% so với thời kỳ tiền công nghiệp, đe dọa sự tồn tại và phát triển của các loài nhuyễn thể.
Đại dương được xác định là chủ đề chính tại Hội nghị COP25 của Liên Hợp Quốc (UN) về biến đổi khí hậu ở Madrid, nơi đại diện của các chính phủ sẽ cùng thảo luận nhằm thúc đẩy chương trình hành động theo thỏa thuận Paris (kết kết năm 2016). Trước đó, COP25 từng được lên kế hoạch tổ chức ở Santiego, Chile – quốc gia có đường biển dài hơn 4.000 km và phụ thuộc nhiều vào đại dương để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do bất ổn chính trị (nhiều người dân Santiego đang biểu tình phản đối chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm), COP25 được dời sang Tây Ban Nha.
Bảo vệ đại dương cũng sẽ giúp các cộng đồng ven biển trở nên vững vàng hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn và các rạn san hô có thể đóng vai trò như là rào cản đối với những cơn bão lớn; nhưng diện tích rừng và đầm lầy ngập mặn đang bị thu hẹp – một phần do quy hoạch nuôi trồng thủy sản thiếu bền vững, còn các rạn san hô thì bị tẩy trắng do nước biển nóng lên. Vấn đề này cần sớm được khắc phục để làm giảm thiểu tác động của hiện tượng nước biển dâng, và những cơn bão dữ dội sinh ra do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Chữa lành đại dương để chống biến đổi khí hậu

Các trận bão đang có xu hướng ngày càng dữ dội, do hiện tượng nóng lên của Trái đất. Ảnh: Vox.
Sau cùng, Greenpeace cũng kêu gọi nhân loại ngừng khai thác tài nguyên khoáng sản dưới biển sâu – điều được xem là khả thi về mặt kinh tế nhờ những đột phá công nghệ, song vẫn chưa được lưu tâm đúng mực.
Nguồn: Hải Đăng (theo The Guardian)