Khu vực ASEAN đứng đầu về nguy cơ thiệt hại vì biến đổi khí hậu

0
9
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hiện trên thế giới có ít nhất 20 triệu người bị buộc phải di cư bởi nguyên nhân đến từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Với con số dự kiến còn tăng lên, các nước ASEAN có khả năng sẽ đứng đầu trong danh sách này.
Khu vực ASEAN đứng đầu về nguy cơ thiệt hại vì biến đổi khí hậu
Thủ đô Jakarta đang chìm dần xuống biển. Ảnh: cntraveller.in

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã liệt kê hầu hết các nước ASEAN (ngoại trừ Singapore), thuộc danh sách 50 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong số đó có 4 quốc gia nằm trong top 10.

Báo cáo cũng nêu rằng “điểm bùng phát” (tipping point) sẽ xảy ra trong quá trình biến đổi khí hậu. Tại thời điểm mang tính bước ngoạt này các tác động tiêu cực sẽ trở nên khó ngăn chặn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn chưa xác định được chắc chắn chúng ta đã đạt tới thời điểm đó hay chưa.

Kể cả khi có thể giảm triệt để mức khí thải nhà kính ngay hôm nay đi nữa, chính phủ các nước ASEAN vẫn cần tính toán cụ thể các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và lên phương án đối phó trong tương lai. Điều này là đặc biệt quan trọng với các nền kinh tế đang phát triển.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI) nhấn mạnh đến thiệt hại do ngập lụt gây ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê đã có khoảng 23% diện tích thành phố đã phải hứng chịu các đợt ngập lụt. Con số này có thể sẽ lên tới 36% vào năm 2050. Cùng với độ sâu của các trận lụt ngày càng cao, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và nhà cửa có thể lên tới 9,4 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.

Mặc dù việc cải thiện cơ sở hạ tầng thành phố sẽ góp phần giúp chính quyền có thể đưa ra nhiều biện pháp thích ứng hơn, nhưng chi phí phải bỏ ra cũng không hề nhỏ. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) ước tính rằng khoản chi phí cho các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu của các nước đang phát triển có thể dao động từ 140 đến 300 tỷ USD mỗi năm. Con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Ông Dickon Pinner, đại diện của MGI, nhận xét: “Chúng tôi rất ngạc nhiên về mức độ và thời điểm tác động của vấn đề biến đổi khí hậu đến đời sống con người cũng như hệ sinh thái”.

Mực nước biển dâng cao đã gây ra thiệt hại nặng nề tại thủ đô Jakarta của Indonesia hàng năm. Mới đầu năm 2020, thành phố này đã phải hứng chịu thiệt hại lớn bởi lũ lụt khiến 100.000 phải di tản và 66 người thiệt mạng. Dự án “Bức tường biển” đã được triển khai bởi chính quyền và là một trong những dự án đê biển lớn nhất lịch sử. Tổng chi phí cho dự án này lên tới 40 tỷ USD, tương đương với tổng GDP hiện tại của TP.HCM.

Ở Thái Lan, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng thủ đô Bangkok đã thiệt hại tới 46,5 tỷ USD trong trận lụt tàn khốc năm 2011. Diện tích cây xanh tại đây cũng đã giảm từ 40% xuống 10% kể từ đó. Điều này càng làm dấy lên mối lo về nguy cơ ngập lụt bởi diện tích thảm thực vật đã bị suy giảm đáng kể.

Philippines là một trong những quốc gia bị đe dọa lớn nhất khi xảy ra lũ lụt ven biển. Theo Climate Central, một số diện tích của thủ đô nước này sẽ ở dưới mực nước biển vào năm 2050. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 6,8 triệu người tại đây. Mặc dù chính phủ đã thực hiện các chương trình hỗ trợ tái định cư cho cư dân các khu vực bị ảnh hưởng, một số người vẫn từ chối rời đi bởi sinh kế của họ phụ thuộc chủ yếu vào biển.

Ông Philip B. Duffy, đại diện của tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu WHRC, tuyên bố: “Chúng ta không nên để khu vực tư nhân đứng ngoài cuộc trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Những người đứng đầu khu vực này cần bắt tay vào việc tham gia quá trình kiếm các giải pháp.”

Nguồn : Hoàng Linh – Theo Trí thức trẻ/The ASEAN Post