4 yếu tố quyết định một nền kinh tế ít phát thải cacbon

0
10
TGVN. Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi có bài phân tích về những yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề: Cần thay đổi như thế nào để hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở giảm phát thải cacbon.
Việc giảm phát thải cacbon không ảnh hưởng nhiều đến giá các sản phẩm tiêu dùng. (Nguồn: Getty Images)
Con người vốn sống với những thói quen, tập quán cố hữu, và nhiều doanh nghiệp cũng vậy. Do đó, việc thay đổi hành vi của họ quả là rất khó khăn.
Tuy vậy, dù không muốn thì thay đổi vẫn là điều bắt buộc để hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở giảm phát thải cacbon.
Phát triển công nghệ, đặt ra các chính sách hỗ trợ và kêu gọi quần chúng sử dụng sản phẩm ít cacbon là những giải pháp thiết yếu đưa chúng ta tới gần hơn mục tiêu nói trên. Khó khăn tất nhiên là vẫn luôn hiện hữu.
Theo Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, 4 yếu tố sau đây đóng vai trò then chốt để giải quyết vấn đề.

Đẩy mạnh quảng bá về các sản phẩm ít cacbon

Trong nhiều lĩnh vực, việc giảm phát thải cacbon không ảnh hưởng nhiều đến giá thành các sản phẩm trên thị trường. Nếu sử dụng vật liệu thân thiện môi trường thì giá một chiếc ô tô chỉ cao hơn không quá 180 USD. Và một lít nước ngọt sẽ có chi phí thấp hơn, vào khoảng 0,01 USD, nếu sử dụng nhựa không phát thải cacbon.
Dù là không đáng kể nhưng thị trường sẽ có những đổi thay to lớn khi đối tượng khách hàng sẽ là những người quan tâm tới môi trường, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn một chút để nhận được những lựa chọn có giá trị về mặt đạo đức.
Những sản phẩm ghi nhãn “ít cacbon” hoặc “giảm cacbon” với dây chuyền sản xuất khép kín sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại, kéo theo đó là thị trường được mở rộng – cũng tương tự như các sản phẩm hữu cơ đã tạo đà cho ý niệm “ăn uống lành mạnh” trong cộng đồng.
Còn đối với doanh nghiệp, việc đưa ra thị trường các sản phẩm có dán nhãn như trên sẽ giúp họ có thu hút nhiều khách hàng hơn, đồng thời đơn giản hóa quy trình tìm nguồn tài nguyên.
Nếu đã quan tâm tới môi trường trong mọi quyết định mua hàng, chắc chắn hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ có những đóng góp to lớn. Khác biệt khi đó sẽ vượt mong đợi khi mà ngành thương mại tiêu dùng đóng góp trung bình 13% GDP, theo số liệu của OECD.

Nâng cao tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng

Các tiêu chuẩn và xếp hạng về tiết kiệm năng lượng đã và đang đóng vai trò quyết định trong việc phát triển và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Có thể kể đến như Chỉ thị của Liên minh châu Âu (EU) về tiết kiệm năng lượng, trong đó nêu rõ các tiêu chuẩn và xếp hạng về tiết kiệm năng lượng áp dụng cho các sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến hạ tầng xây dựng, hoặc Tiêu chuẩn chỉ số mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình (Corporate Average Fuel Economy – CAFE) đang được áp dụng tại Mỹ, quy định quãng đường mà một chiếc xe phải di chuyển được trên một galon nhiên liệu.
EU mong muốn rằng, dù là tiêu chuẩn gì đi chăng nữa thì kết quả cuối cùng phải là tiết kiệm được 150 triệu tấn dầu mỗi năm vào năm 2020, giúp các hộ gia đình có thể giảm thiểu chi phí và tiết kiệm hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp tại châu Âu.

Cắt giảm hàng rào thương mại

Kích cầu các sản phẩm giảm cacbon phụ thuộc vào việc chúng ta có tiếp cận được với các thị trường kinh doanh các sản phẩm đó hay không.
Các giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại tự do áp dụng cho các sản phẩm áp dụng công nghệ năng lượng giảm cacbon cần phải được nêu rõ ràng trong các hiệp định thương mại song phương của khu vực và toàn cầu, đặc biệt là cần có thêm các quy chuẩn ví dụ như Quy chuẩn Thương mại Năng lượng bền vững.

Vai trò của việc định giá cacbon

Các tổ chức liên quan như Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên hợp quốc đã và đang khuyến khích việc áp dụng các giải pháp định giá cacbon và đánh thuế năng lượng nhằm ép buộc các nhà sản xuất phải giảm thải cacbon.
Đánh thuế cacbon được cho là một trong những biện pháp hữu hiệu để đưa các doanh nghiệp phải hướng đến việc lựa chọn các sản phẩm phát thải cacbon thấp. Trên thực tế, sau khi áp dụng đánh thuế cacbon, lượng phát thải hiệu ứng nhà kính của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1890, do chuyển đổi từ than sang loại nhiên liệu ít phát thải khác.
Mặc dù có trên 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng các giải pháp trên, tuy nhiên, mức độ áp dụng vẫn có sự khác biệt rất lớn. Trừ phi thế giới đạt được sự cân bằng, nếu không rủi ro “rò rỉ cacbon” sẽ luôn thường trực do các doanh nghiệp sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác, nơi họ được miễn thuế hoặc chỉ chịu mức thuế thấp hơn.