Các khu vực có dòng nước biển tăng tốc và giảm tốc
Dựa theo một bản báo cáo khoa học xuất bản vào thứ tư, trong những thập kỷ gần đây, ba phần tư lượng nước biển trên thế giới đã gia tăng tốc độ chảy. Hiện tượng này vốn được dự kiến sẽ không xảy ra cho tới khi biến đổi khi hậu trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.
Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ sự tăng tốc các cơn gió, do đó tăng thêm năng lượng áp lên mặt biển và tạo ra những dòng hải lưu mang tốc độ nhanh hơn và gia tăng sự tuần hoàn của biển.
Đây là phát hiện khét tiếng mới về những biến đổi cực đoan của biển trên toàn cầu. Ngoài nó ra, còn có một số phát hiện khác chúng ta có thể kể tên như: cái chết hàng loạt của các bãi san hô khổng lồ, sự biến động của nghề đánh bắt cá, sự tan chảy các tầng băng ở Greenland và Bắc Cực do nước biển, sự gia tăng các làn sóng nhiệt trên biển và sự gia tăng tốc độ dâng của mực nước biển.
“Trái Đất là bệnh nhân của chúng ta, và bạn phải tìm kiếm các triệu chứng của nó khi chịu ảnh hưởng của khí nhà kính”, Micheal McPhaden nói. Ông là một nhà nghiên cứu tại Cục Khí Tượng và Thủy Văn Trung Ương Hoa Kỳ và là tác giả của bản báo cáo mới xuất bản trên tờ Science Advances. “Đây lại là một triệu chứng khác”, ông nói thêm.
Bản báo cáo mới phát hiện rằng 76% lượng nước biển trên toàn thế giới đang chảy nhanh hơn, trong đó chỉ có 2.000 mét nước biển cận bề mặt là được suy xét. Sự gia tăng tốc độ dữ dội nhất nằm ở các biển nhiệt đới và đặc biệt là Thái Bình Dương rộng lớn.
Các nhà khoa học chưa chắc chắn hậu quả của sự gia tăng tốc độ dòng biển này là gì. Nhưng trong đó rất có thể sẽ bao gồm tác động lên các vùng trải dài trên bờ Tây của các lục địa, nơi nhiều dòng hải lưu tăng tốc lên đáng kể. Ở một số trường hợp, kết quả nghiên cứu cho thấy hậu quả chính là sự tổn hại đến các điểm nóng vốn là nhà của nhiều sinh vật biển.
Cuộc nghiên cứu được dẫn đầu bởi Shijian Hu, một nhà khoa học tại Học Viện Khoa Học Trung Quốc; giáo sư Shijian đã làm việc với McPhaden và các chuyên gia khác đến từ Trung Quốc, Úc và Hoa Kỳ. Các nhà khoa học dùng một mạng lưới thiết bị toàn cầu gọi là Argo Floats, cùng với các bộ dữ liệu khác, để cho ra kết luận của họ.
Họ phát hiện ra sự gia tăng sức gió trên mặt biển là khoảng 2% mỗi mười năm kể từ thập niên 1990, và điều đó đã khiến tốc độ hải lưu gia tăng 5% mỗi thập kỷ .
Vì tốc độ của các dòng hải lưu này vốn rất chậm, một người đi thuyền sẽ khó nhận ra được sự khác biệt của trước và sau. Theo lời của McPhaden, dòng hải lưu Nam Xích Đạo ở biển Thái Bình Dương chảy với tốc độ khoảng 1,6 km/h, trải qua một thập kỷ nó sẽ chỉ tăng đến khoảng 1,7 km/h.
Tuy mức độ gia tăng không lớn, nhưng hiện tượng này lại xảy ra trên toàn thế giới, nó đồng nghĩa với một thay đổi lớn và biển đã nhận thêm một nguồn năng lượng khổng lồ tới từ sức gió. Không những thế, hiện tượng này được dự kiến còn lâu mới xảy ra.
Bản báo cáo lưu ý rằng trong những trường hợp nóng lên cực đoan của khí hậu, sự gia tăng tốc độ gió cũng sẽ xảy ra – song sự thay đổi được dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm tại cuối thế kỷ này, sau khi Trái Đất nóng hơn nhiều so với bây giờ. Theo McPhaden, điều này nói lên rằng hành tình của chúng ta nhạy cảm hơn nhiều đối với biến đổi khí hậu hơn là các mô hình giả lập hiện tại có thể phỏng đoán được.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận họ không thể chứng minh những biến đổi mà họ phát hiện hoàn toàn là do khí nhà kính mà ra. Các đại dương, đặc biệt là Thái Bình Dương, có những chu kỳ tự nhiên cũng có thể thay đổi tốc độ hải lưu. Tuy nhiên, họ tranh luận rằng những biến đổi trên “nghiêm trọng hơn nhiều những biến đổi do tự nhiên gây ra”.
Điều này không chỉ xảy ra ở một nơi, gần đây nhiều đại dương trên thế giới đã được phát hiện có những biến đổi lớn.
Với việc phát hiện một biến đổi lớn trên đại dương toàn cầu, các nhà khoa học nói rằng họ vẫn chưa tìm ra được hậu quả mà các địa phương lân cận phải chịu. Tuy nhiên, chúng nhất định sẽ rất đáng chú ý.
“Có khi hậu quả quan trọng nhất mà các dòng hải lưu lớn mang lại là sự gia tăng tái phân bố nhiệt xung quanh Trái Đất”, Alex Sen Gupta, một chuyên gia khí hậu và hải dương tại trường Đại Học New South Wales ở thành phố Sydney, nói. “Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố nhiệt và có thể ảnh hưởng đến hệ thống thời tiết – tuy nhiên nhiều nghiên cứu hơn cần phải được thực hiện để đảm bảo những liên kết này tồn tại”.
Edward Vizy, một chuyên gia về khí hậu và hải dương khác tại trường Đại Học Texas ở thành phố Austin, Hoa Kỳ, nói rằng anh nghi ngờ các nhà khoa học đang sắp khám phá ra điều gì đó với những phát hiện của họ, nhưng cũng có thể các biến đổi không nghiêm trọng như những gì đã báo cáo.
“Tôi khá chắc khả năng dò xét và phân tích đại dương của chúng ta đã cải thiện vào đầu thập kỷ 2000, nên tôi tự hỏi bao nhiêu sự biến đổi trên phản ánh điều đó”, Edward nói.
Cho đến nay, khi nói đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên các dòng hải lưu, phần lớn sự chú ý được đặt ở khu vực phía Bắc Đại Tây Dương. Tại đó, một hệ thống hải lưu lớn, với cái tên Dòng Kinh Tuyến Xoay Đại Tây Dương, đang chảy chậm đi, chứ không phải nhanh hơn.
Tuy nhiên, dòng hải lưu này không chỉ bị đẩy bởi sức gió mà còn bởi mật độ nước biển lạnh. Mật độ này quyết định lượng nước có thể chìm và nổi lên theo hướng Nam tại biển sâu, nên rất có thể các kết quả không mâu thuẫn nhau.
Trong nghiên cứu trên, McPhaden và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng quanh thế giới, một số dòng hải lưu nằm ở phía Tây lưu vực của các đại dương đang thay đổi con đường di chuyển và trong một số trường hợp, gia tăng tốc độ chảy. Vì thế, các dòng hải lưu này thường xuyên tạo ra các khu vực cực ấm khi chúng vận chuyển nước ấm đến các địa điểm mới.
Những thay đổi này cũng là vì sự biến đổi của các làn gió biển nên chúng có thể liên kết với nhau.
Sóng đánh vào bờ biển đảo Tasmania, Úc
Ví dụ như, trên bờ biển phía Đông của Úc và đảo Tasmania, có một dòng hải lưu với tên gọi là Dòng Đông Úc đả chảy nhanh hơn và xa hơn về phía Nam, mang nước ấm đến bờ biển của người Tasmania và phá hủy hệ sinh thái rừng tảo bẹ tự nhiên đã từng phát triển trù phú ở đây. Bản báo cáo mới cho thấy sự biến đổi của một dòng hải lưu nằm trong vùng này.
“Có một sự hợp lý chỉ ra rằng những hiện tượng này liên quan với nhau”, McPhaden nói.
Tuy nhiên nghiên cứu về các dòng hải lưu không tập trung lên các ảnh hưởng đến đời sống địa phương mà đến toàn diện thế giới.
“Nghiên cứu chỉ chú ý đến cả hành tinh”, McPhaden nói. “Thật ngạc nhiên khi một kết quả như thế này lại xuất hiện hoàn toàn nằm ngoài dự tính”.
Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ