Có nên thu thuế carbon để giảm thiểu ô nhiễm không khí?

0
10
VOV.VN – Ô nhiễm không khí tại Việt Nam không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn gây ra thiệt hại về kinh tế từ 10,8 – 13,6 tỷ USD/năm.

Thiệt hại trên 10 tỷ USD/năm vì ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân khi các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí.
Theo PGS. TS. Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân, thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.
Bản đồ quan trắc mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua liên tục trong mức cảnh báo.
“Uớc tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018”, PGS. TS. Đinh Đức Trường cho hay.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là do bụi mịn PM2.5 và Ozon. Nồng độ PM2.5 trong không khí xung quanh cao trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu cải thiện.
“Bụi mịn PM2.5 rất nguy hiểm. Nó được gọi là “giết người không dao. PM2.5 rất nhỏ, chỉ bằng 1/30 sợi tóc, len sâu vào phổi, vào máu gây nhiều bệnh như bệnh tim mạch, ung thư…”, TS. Hoàng Dương Tùng cảnh báo.
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam từ nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể. Nguyên nhân gây ô nhiễm trước hết là từ phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, do bụi xây dựng, sản xuất điện, thép, hóa chất, xi măng, khai khoáng. Ô nhiễm cũng từ các làng nghề, từ đun nấu bằng than hay củi… Và đáng ngại là không chỉ ở các thành phố lớn, mà nhiều tỉnh xa cũng không khí cũng đã bị ô nhiễm cao.
“PM2.0, Ozon bay rất cao lan tỏa rất xa, nên không khí ô nhiễm còn có nguyên nhân “xuyên quốc gia””, TS. Hoàng Dương Tùng nói.
Xây dựng mục tiêu kinh tế xanh
Nhìn ô nhiễm từ góc độ kinh tế, PGS. TS. Đinh Đức Trường cho rằng, ô nhiễm không khí là do mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo chiều rộng, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, ô nhiễm từ tốc độ phát triển đô thị, do thiếu thốn cơ sở hạ tầng… Và còn do cơ cấu ngành, do công nghệ chưa được chú trọng…
“Chúng ta được gọi là thiên đường ô nhiễm do FDI. Đây chính là hiện tượng chuyển dịch ô nhiễm từ các quốc gia phát triển sang quốc gia chậm phát triển hơn”, PGS. TS. Đinh Đức Trường nhận định.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế trong dài hạn. (Ảnh minh họa: KT)
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Và tình trạng ô nhiễm không khí này có thể gây thiệt hại ước tính khoảng 5% GDP cho Việt Nam.
Các nhà khoa học và các nhà kinh tế đều cho rằng, ô nhiễm không khí chủ yếu là do các hoạt động kinh tế, do sản xuất và tiêu dùng gây ra và các vấn đề kinh tế phải giải quyết bằng kinh tế. Theo đó, về dài hạn, phải tính toán và sử dụng GDP xanh như một thước đo chất lượng tăng trưởng, phải tái cấu trúc nền kinh tế trong đó chú ý các nhân tố tăng trưởng như khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, và tái cấu trúc ngành, định hướng thu hút FDI và đầu tư cho hạ tầng…
“Chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát vấn đề không khí dựa trên quan điểm của kinh tế – môi trường”, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường khuyến nghị.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh cũng cho rằng, cần loại bỏ tư duy độc lập, đơn ngành trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, các ngành; đổi mới công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch; tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá và dự báo các tác động của ô nhiễm không khí.
Đặc biệt, để chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí. Theo đó, để hạn chế các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm không khí cũng nên sử dụng công cụ thuế – phí khí thải và coi đây là nguồn thu chính để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.
“Vấn đề trước tiên là cần thực hiện các giải pháp tài chính như: áp dụng thuế carbon, thu phí ô nhiễm không khí. Sớm ban hành Luật Hợp tác công tư PPP để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Chính phủ phát hành trái phiếu môi trường để có nguồn đầu tư bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm”, PGS.TS Đinh Đức Trường nêu ý kiến.
Trước đó, trong báo cáo tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, thực thi thuế carbon là một công cụ hiệu quả và mạnh mẽ nhất để giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu. Việc tăng thuế khí thải carbon dioxide lên mức 70 USD/tấn vào năm 2030 sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo IMF, việc tăng thuế carbon giúp giảm tiêu thụ năng lượng, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch và huy động nguồn tài chính tư nhân. Tiền thuế carbon cũng có thể dùng cho nghiên cứu và phát triển thiết yếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang tái tạo. Báo cáo của IMF nhấn mạnh, chi phí để đạt được giảm phát thải thông qua phương pháp thuế carbon sẽ thấp hơn chi phí để khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra./.