Thời tiết đầu năm dị thường, miền Bắc rụng vạn tấn cam, miền Nam hoa màu khô cháy

0
7
Thời tiết dị thường, mưa quá nhiều làm hàng vạn tấn cam đến ngày thu hoạch bỗng rụng thối đầy vườn khiến nông dân Hà Giang khóc ròng, trong khi tại ĐBSCL, người nông dân lại lo hoa màu khô cháy vì hạn mặn.

Vạn tấn cam rụng thối đầy vườn

Đầu năm nay, tại một hội nghị về thúc đẩy thương mại, phát triển nông sản trước tác động của dịch bệnh, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, do biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng dị thường. Chưa bao giờ lại có mưa đá vào đêm giao thừa như năm nay, rồi mưa lớn tại khắp các tỉnh miền Bắc ngay ngày đầu năm. Một ngày thời tiết có đủ 4 mùa như dịp Tết vừa qua nên nông nghiệp chịu tác động cực lớn, khó lường trước.
Thực tế, khoảng một tuần nay, tại tỉnh Hà Giang người dân đang khóc ròng vì cam rụng ồ ạt, thối đầy vườn do mưa quá nhiều. Có những vườn cam đã rụng 70-80% và vẫn đang có chiều hướng rụng tiếp.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Lã Văn Bắc ở xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang, Hà Giang) than thở, cam trong vườn nhà anh đã rụng mất 50-60% (tương đương khoảng trên 100 tấn quả). Nhiều vườn cam khác ở vùng này còn rụng tới 80%.
Cam Hà Giang rụng thối đầy vườn vì mưa quá nhiều
Anh Bắc cho biết, nhà anh trồng 16ha cam, năm ngoái cho thu hoạch 300 tấn. Năm nay, thời điểm này bắt đầu vào vụ thu hoạch, cam chín rộ nhưng mưa nhiều nên cam bị rụng.
“Hôm Tết thì mưa đá. Tuy nhiên mưa đá hạt nhỏ nên không ảnh hưởng nhiều. Nhưng sau đó các trận mưa lớn kéo dài liên tục, làm nước đọng ở núm cuống quả cam, không thoát được dẫn đến hiện tượng thối rụng như hiện nay”, anh nói.
Cam đặc sản Hà Giang cho thu hoạch sau Tết, rộ nhất vào thời điểm cuối tháng 1 đầu tháng 2 âm lịch. Nay người dân ngồi nhìn cam rụng thối đầy vườn mà xót xa. Có hộ cam rụng la liệt, thiệt hại tiền tỷ. “Gia đình tôi cũng đang phải thuê người dọn sạch cam rụng ở gốc đi, mua vôi bột về rắc để khử chua, khử nấm mốc, tránh ảnh hưởng đến đất và vườn cam sau này”, anh nói.
Trong khi đó, tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), lãnh đạo xã cho hay, do ảnh hưởng mưa đá ngày mùng 1 Tết và mưa kéo dài, đặc biệt là ảnh hưởng hai trận mưa rào đêm 10/2 trên địa bàn xã đã làm rụng hơn 1.919 tấn cam.
Theo ước tính ban đầu của Sở NN-PTNT Hà Giang, huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình là hai địa phương bị thiệt hại nặng nhất; trong đó, huyện Bắc Quang là 7.000 tấn và huyện Quang Bình khoảng 1.200 đến 1.300 tấn.

Hoa màu khô cháy vì hạn mặn

Trái ngược với cảnh mưa quá nhiều dẫn đến cam rụng ồ ạt, thối đầy vườn ở Hà Giang, tại nhiều vùng ở ĐBSCL, người dân lại đứng ngồi không yên vì hoa màu đang có nguy cơ chết khô bởi hạn mặn.
Ở Long An, do hạn mặn đến sớm, người dân trồng chanh đang đối mặt với nguy cơ phải mua nước ngọt với giá 10.000 đồng/m3 để tưới cho hơn 5.000ha chanh tại huyện Bến Lức của tỉnh này.
Ông Trần Duy Thuận – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, tính toán, 1ha chanh nếu tưới đúng, tưới đủ nước thì mỗi tuần cần phải có 2 ghe chở nước để tưới. Trung bình, một ghe chở 30m3 nước. Hiện giá một ghe nước hơn 2 triệu đồng. Nếu mua nước tưới, vụ chanh này nông dân sẽ mất một số tiền khá lớn. Mà không có nước tưới vườn chanh sẽ chết khô, ông Thuận chia sẻ.
Hạn mặn đang diễn ra tại ĐBSCL, nhiều diện tích hoa màu có nguy cơ chết khô vì thiếu nước 
Những ngày qua, hơn 5.400ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Bạc Liêu bị ảnh hưởng nặng vì thiếu nước. Đi đôi với khô hạn, xâm nhập mặn sớm khiến 5.000ha nuôi tôm ở vùng này có nguy cơ bị thiệt hại.
Còn theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng gần 16.000ha đất canh tác, đa số là lúa – tôm. Ngoài ra còn có hơn 3.500 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình trạng hạn mặn kỷ lục, Bộ NN-PTNT mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vùng ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020.
Báo cáo của Bộ nêu rõ, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô,  ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Đến nay, có khoảng 79.700 hộ dân gặp khó khăn do hạn, mặn về nước sinh hoạt (Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ).
Tổng cộng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 khoảng gần 29.700 ha, bằng 7,3% so với tổng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000 ha). Tuy nhiên, vẫn có khoảng 332.000ha lúa đông xuân và 136.000ha cây ăn quả có nguy cơ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo.
Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ NN-PTNT hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và không để người dân thiếu nước sinh hoạt.