Sử dụng phương pháp dạy học dự án trong giáo dục biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

0
273
Theo tác giả Thorm Markham và John Larmer (2003)[1]: Dạy học theo dự  án là một hình thức dạy học, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ  học tập phức hợp, có sự  kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, tạo ra các sản phẩm có thể  giới thiệu. Người học không những học kiến thức, thành phần cốt lõi của chương trình học mà còn áp dụng vốn kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tế và tạo ra sản phẩm cụ  thể. Nhiệm vụ  này được người  học thực hiện với tính tự  lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế  hoạch đến việc thực hiện dự  án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Làm việc nhóm là hình thức cơ bản của dạy học dự án. Người học tận dụng những lợi thế  của kỹ  thuật số  để  nâng cao chất lượng quá trình học tập, tạo ra sản phẩm của sự hợp tác. Từ  nền  tảng  tâm  lí  học  và  giáo  dục  học,  PPDA  hướng  tới  mục  tiêu  phát triển tư  duy, phát triển kỹ  năng sống và những năng lực cần thiết cho người học sẵn sàng hòa nhập với thực tiễn cuộc sống và công việc.
Kết quả hình ảnh cho phương pháp dạy học dự án
(Hình minh họa)
Căn cứ vào mục tiêu, nội dung GDBĐKH và mối quan hệ giữa kiến thức, kĩ năng môn Địa lí và GDBĐKH có thể thấy phương pháp dạy học dự án là một phương pháp dạy học tương đối phù hợp có thể nâng cao kiến thức và kĩ năng cho học sinh. Những bài học Địa Lí có cả nội dung lí thuyết và thực hành liên quan đến biến đổi khí hậu, khảo sát thực tiễn, chúng tôi ưu tiên sử dụng dạy học dự án để tổ chức HS học tập. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ của dự án, HS sẽ tự lĩnh hội được kiến thức, kĩ năng Địa lí  đồng thời hình thành kiến thức, rèn luyện được kỹ năng và hình thành hành vi, thái độ đúng đắn với môi trường, ứng phó với BĐKH.
Quy trình sử dụng phương pháp dạy học dự án trong giáo dục biến đổi khí hậu qua môn Địa lí bao gồm các bước như sau:
Xác định tên dự án, mục tiêu của dự án: GV và HS cùng nhau đề xuất ý tưởng, xác định dự án và mục tiêu của dự án.
Xây dựng kế hoạch thực hiện dự án: Với sự hướng dẫn của GV, các nhóm HS xây dựng kế hoạch thực hiện dự án. Kế hoạch cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành, phân công công việc trong nhóm.
– Thực hiện dự án: các thành viên trong nhóm thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra. HS thực hiện các hoạt động trí tuệ và hoạt động thực tiễn, thực hành, những hoạt động này xen kẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Các kiến thức lý thuyết, các phương án giải quyết vấn đề được HS thử nghiệm trong thực tiễn. Trong quá trình đó sản phẩm của dự án và thông tin mới được tạo ra.
Trình bày sản phẩm của dự án: Kết quả thực hiện dự án gồm nhiều dạng: bản thu hoạch, báo cáo, sản phẩm. Sản phẩm của dự án có thể được trình bày trong lớp, trong trường hay ngoài xã hội.
Đánh giá dự án: GV và HS đánh giá quá trình thực hiện, sản phẩm kết quả dự án (về mặt nội dung, hình thức, độ tin cậy, tính thẩm mỹ, sự hợp lý của các biện pháp). Từ đó rút ra kinh nghiệm thực hiện các dự án tiếp theo.
Phương pháp dạy học dự án đòi hỏi tương đối nhiều thời gian để thực hiện hơn so với các phương pháp khác nên chúng tôi đề xuất vận dụng phương pháp này vào các bài thực hành hoặc các bài Địa lí địa phương trong sách giáo khoa Địa lí có nội dung liên quan hoặc những bài học Địa lí có toàn bộ nội dung trong bài liên quan trực tiếp và gián tiếp đến biến đổi khí hậu và có thể liên hệ với thực tiễn địa phương. Mỗi học kì hoặc năm học chỉ nên thực hiện từ 1-2 lần để tránh việc mất quá nhiều thời gian của học sinh. Giáo viên Địa lí cần chuẩn bị trước chủ đề cho dự án và định hướng, hướng dẫn học sinh cách thức thực hiện.
Ví dụ: Dự án “Tìm hiểu thực trạng phát xả thải ra môi trường tại địa phương”
Áp dụng trong chương trình Địa lí lớp 10, bài 58. Thực hành tìm hiểu một số vấn đề môi trường của địa phương. Thời gian chuẩn bị 2 tuần, trong thời gian học bài 56,57 về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển bền vững.
Bước 1: Xác định tên dự án và mục tiêu của dự án
* Tên dự án “Tìm hiểu thực trạng phát xả thải ra môi trường tại địa phương”
* Mục tiêu dự án
– Về kiến thức:
+ Học sinh hiểu được việc phát xả thải ra môi trường là nguyên nhân lớn dẫn đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Phân biệt được giữa chất thải sinh hoạt và chất thải sản xuất.
+ Học sinh phải nêu được thực trạng xả thải ra môi trường ở địa phương hiện nay và  ảnh hưởng của nó đến sự ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân địa phương.
+ Học sinh xác định được nguyên nhân của thực trạng trên tại ở địa phương
+ Đề xuất các giải pháp hạn chế phát xả thải ra môi trường, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên ở địa phương
– Kỹ năng:
+ Học sinh được thực hành các kĩ năng quan sát, điều tra, thu thập số liệu, hợp tác làm việc nhóm
+ Phân tích số liệu, bản đồ, sử dụng các công cụ phân tích vấn đề
+ Kĩ năng thực hiện và trình bày sản phẩm, kĩ năng báo cáo.
– Thái độ: có thái độ và hành vi tích cực bảo vệ môi trường, khí hậu và sử dụng hợp lý tài nguyên ở địa phương
* Định hướng và gợi ý của giáo viên
Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm. Mỗi nhóm sẽ thực hiện độc lập 1 nội dung.
–  Nhóm 1: Tìm hiểu thực trạng phát xả thải của ngành công nghiệp – xây dựng tại địa phương. Cần tìm hiểu vấn đề: hiện nay địa phương có những ngành công nghiệp gì? Xả những loại chất thải nào ra môi trường? Mức độ xử lý thải của họ ra sao? Tác động của các loại chất thải này đối với biến đổi khí hậu và môi trường địa phương? Đề xuất phương pháp giải quyết.
– Nhóm 2: Tìm hiểu thực trạng phát xả thải của ngành nông nghiệp địa phương. Cần tìm hiểu các vấn đề: hiện nay địa phương có những hoạt động sản xuất nông nghiệp nào? Xả những loại chất thải nào ra môi trường? Mức độ xử lý thải của họ ra sao? Tác động của các loại chất thải này đối với biến đổi khí hậu và môi trường địa phương? Đề xuất phương pháp giải quyết.
– Nhóm 3: Tìm hiểu thực trạng phát xả thải của ngành dịch vụ – giao thông vận tải tại địa phương. Cần tìm hiểu các vấn đề: hiện nay địa phương phát triển các ngành dịch vụ gì? Các phương tiện giao thông vận tải chính tại địa phương? Mức độ phát xả thải ra môi trường của các ngành này như thế nào? Tác động của các loại chất thải này đối với biến đổi khí hậu và môi trường địa phương? Đề xuất phương pháp giải quyết.
– Nhóm 4: Tìm hiểu thực trạng phát xả thải trong các hoạt động sinh hoạt của người dân tại địa phương. Cần tìm hiểu các vấn đề: Trong quá trình sinh hoạt trong cuộc sống, người dân thường xả những chất thải nào vào môi trường? Mức độ xả thải ra sao? Tác động của các loại chất thải này đối với biến đổi khí hậu và môi trường địa phương? Đề xuất phương pháp giải quyết.
– Phương thức thực hiện: Tùy thuộc vào nội dung của từng nhóm mà các học sinh có thể  sử dụng các hình thức như : tìm kiếm các nguồn thông tin dữ liệu từ các cơ quan tại địa phương, hoặc thông qua các phương tiện truyền thông Internet; thực tế đến các địa điểm; phỏng vấn, khảo sát bằng phiếu, quan sát, chụp và ghi hình…
– Sản phẩm: có thể là những đoạn phim, phóng sự, báo cáo  dưới dạng văn bản, video clip, hình ảnh, sơ đồ tư duy…
– Định hướng thời gian trình bày sản phẩm: 5-7 phút
Bước 2:  Xây dựng kế hoạch thực hiện dự án
– Các nhóm học sinh lập bảng kế hoạch thực hiện dự án, ghi rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện. phương tiện thiết bị và kinh phí (nếu có), phương pháp tiến hành, người thực hiện.
– Học sinh có thể hỏi ý kiến giáo viên về kế hoạch và phương án thực hiện để nhận được những gợi ý và định hướng
Bước 3: Triển khai dự án
– Các nhóm học sinh triển khai dự án theo kế hoạch nhóm đã đề ra
– Trong quá trình thực hiện, các nhóm có thể trao đổi với nhau và trao đổi với giáo viên để giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện dự án. Chú ý đến sự an toàn của các cá nhân trong quá trình thực hiện.
Bước 4: Báo cáo, trình bày sản phẩm
– Các nhóm tổng hợp những kết quả, thông tin đã thực hiện được
– Lựa chọn phương thức thể hiện nội dung sản phẩm phù hợp và sáng tạo theo cách của mỗi nhóm
– Báo cáo, trình bày sản phẩm của nhóm cho giáo viên và các nhóm học sinh khác trong thời gian từ 5-7 phút
– Giáo viên và các nhóm khác có thể đặt câu hỏi
– Nhóm nhận các câu hỏi và trả lời
– Giáo viên tổng hợp, phân tích và đưa ra cho học sinh những kết luận về các nội dung kiến thức quan trọng cần phải lĩnh hội được qua việc thực hiện dự án, bổ sung thêm những thông tin mà học sinh còn thiếu, chú trọng các giải pháp mà học sinh có thể thực hiện để giảm nhẹ và ngăn chặn tình trạng phát xả thải hiện nay tại địa phương.
Bước 5: Đánh giá kết quả dự án
– Giáo viên nhận xét về hiệu quả dự án của các nhóm về: thông tin, kiến thức, cách thức thực hiện, mức độ tin cậy và hiệu quả của thông tin và các giải pháp, các thức trình bày sản phẩm, báo cáo. Những hạn chế và nhược điểm nhóm chưa thực hiện được
– Hình thức đánh giá kết quả: có thể để các nhóm học sinh đánh giá chéo lẫn nhau kết hợp với đánh giá của giáo viên để đưa ra kết quả cuối cùng.
– Kết quả ở đây có thể được thể hiện bằng điểm số hoặc khen thưởng hoặc phần thưởng giáo viên chuẩn bị cho học sinh.
– Cuối cùng giáo viên đưa ra kết luận quan trọng về nội dung cần chuyển tải cho học sinh qua việc thực hiện dự án.
[1] Thorm  Markham,  John  Larmer  (2003),  Project  Based  Learning Handbook: A Guide to Standards-Focused Project Based Learning for Middle and High School Teachers, BIE, California.