Phương pháp sử dụng trò chơi trong giáo dục biến đổi khí hậu

0
1395
Phương pháp sử dụng trò chơi trong giáo dục biến đổi khí hậu
Trò chơi giáo dục biến đổi khí hậu trong trong dạy và học Địa lí ở trường THPT là những trò chơi học tập, có tác dụng mở rộng và củng cố hiểu biết kiến thức về vấn đề biến đổi khí hậu, rèn luyện các kỹ năng địa lý của học sinh một cách chủ động, tích cực, sáng tạo.
Thông qua các trò chơi có thể tác động đến thái độ và tình cảm của HS, đem lại niềm vui và hứng thú học tập, giúp HS có thể ghi nhớ kiến thức một cách tự nhiên, tạo ra một bầu không khí học tập vui vẻ, nhằm chuyển tải mục tiêu và nội dung giáo dục biến đổi khí hậu của bài học. Các trò chơi giáo dục biến đổi khí hậu còn khuyến khích HS chú ý hơn đến nội dung bài học, tiếp thu bài học một cách tự nhiên không gượng ép, giảm bớt áp lực học tập, rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, khả năng hợp tác và ra quyết định… Các trò chơi có thể được tổ chức trong các giai đoạn khác nhau trong buổi học: mở đầu giới thiệu bài học, hình thành kiến thức mới, củng cố kiểm tra kiến thức, rèn luyện kĩ năng. Hình thức tổ chức trò chơi cũng rất đa dạng, phong phú. Tùy thuộc vào quy mô, đối tượng học sinh, nội dung giáo dục biến đổi khí hậu và sách giáo khoa Địa lí, điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật…mà có thể lựa chọn hình thức trò chơi phù hợp. Có thể tổ chức trò chơi dùng lời (ngôn ngữ để diễn đạt) hoặc sử dụng các phương tiện trực quan, công nghệ.
Kết quả hình ảnh cho trò chơi dạy học
(Hình minh họa)
Đối với môn Địa lí ở trường THPT Việt Nam hiện nay, khi mà nhiều học sinh còn có tư tưởng xem nhẹ môn học này, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như các trò chơi học tập sẽ thu hút sự chú ý của học sinh, lôi kéo học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập. Sử dụng trò chơi để giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh sẽ góp phần đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú học tập, thực hiện được mục tiêu giáo dục BĐKH và nâng cao chất lượng dạy Địa lí ở trường THPT.

* Nguyên tắc tổ chức trò chơi

Để tổ chức những trò chơi giáo dục biến đổi khí học cho học sinh qua trong dạy học Địa lí đạt được hiệu quả , giáo viên cần lưu ý một số nguyên tắc sau:
  • Xây dựng và lựa chọn trò chơi phải phù hợp với mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ trong định hướng giáo dục biến đổi khí hậu, phù hợp với nội dung trong chương trình và sách giáo khoa Địa lí THPT.
  • Xác định rõ nội dung, phạm vi, thời gian tổ chức trò chơi hợp lý
  • Lựa chọn trò chơi phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đặc điểm tâm sinh lí của lứa tuổi HS phổ thông
  • Hình thức chơi đa dạng, phối hợp các hoạt động trí tuệ với hoạt động vận động, tăng cường tính tương tác của HS trong quá trình tham gia.
  • Luật chơi phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thể hiện tính công bằng, khách quan
  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức trò chơi sẽ góp phần tăng hiệu quả và thu hút học sinh tham gia
  • Giáo viên có thể chuẩn bị những phần thưởng nhỏ để tăng tính sôi nổi và hấp dẫn của trò chơi.

* Quy trình tổ chức trò chơi trong giáo dục biến đổi khí hậu qua bài học Địa lí

– Bước 1: Giáo viên chuẩn bị trò chơi
Mục đích của mỗi trò chơi góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục biến đổi khí hậu trong dạy học Địa lí. Do đó, giáo viên cần chuẩn bị chu đáo từ khâu lựa chọn trò chơi, nội dung giáo dục, cách thức tiến hành, phương tiện hoặc công cụ. phần thưởng (nếu có) và dự kiến hiệu quả.
– Bước 2: Giới thiệu tên, mục đích trò chơi, thể lệ  và cách thức tham gia trò chơi, thời gian giới hạn và phần thưởng (nếu có).
– Bước 3: Học sinh thực hiện trò chơi
– Bước 4: Giáo viên nhận xét, đánh giá và trao thưởng (nếu có).

Ví dụ 1: Sử dụng trò chơi mở đầu giới thiệu bài học

Địa lí lớp 11, bài 3, Một số vấn đề mang tính toàn cầu.
  • Bước 1: Giáo viên sẽ chuẩn bị trò chơi ô chữ gồm 13 hàng ngang, tương ứng với 13 câu hỏi liên quan đến nội dung của bài học, tương đương với 1 từ hàng dọc có 13 chữ cái là chủ đề chính của bài học. Thời gian dự kiến cho trò chơi là 5-7 phút
  • Bước 2: Giới thiệu và hướng dẫn trò chơi
Đây là một trò chơi ô chữ bao gồm 13 câu hỏi hàng ngang tương đương với 13 câu trả lời có liên quan đến bài học hôm nay. Từ hàng dọc chủ đề của bài học hôm nay sẽ bao gồm 1 cụm từ 13 chữ, là chủ đề chính của bài học. Mỗi học sinh sẽ xung phong lựa chọn số câu hỏi, giáo viên sẽ đọc câu hỏi, học sinh trả lời. Nếu chưa trả lời đúng HS khác có quyền được trả lời. Sau khi học sinh trả lời xong mỗi câu hỏi giáo viên sẽ lật mở câu trả lời của câu hỏi đó để học sinh có sự kết nối với câu hỏi chủ đề và định hướng nội dung. Thời gian suy nghĩ và trả lời câu hỏi là 10 giây
  • Bước 3: Tiến hành trò chơi
  • Bước 4: giáo viên nhận xét, tổng kết nội dung của các chủ đề để dẫn dắt vào bài học
.
1               C A C B O N I C    
2       T H I E N T A I            
3               T U Y E T C H U N G
4             B U N G N O D A N S O
5           N H I E T D O          
6             T A N G O Z O N      
7                   G I A          
8 H I E U U N G N H A K I N H      
9                   P H A R U N G  
10               O N H I E M        
11   Đ A D A N G S I N H H O C      
12                   B A N G T A N  
13                 K H U N G B O    
Ô CHỮ HÀNG DỌC
Câu hỏi:  Một cụm từ có 13 chữ cái, là một vấn đề mang tính toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay và được toàn thế giới quan tâm.
Câu trả lời: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ô CHỮ HÀNG NGANG
Câu 1: Đây là 1 chất khí liên quan đến quá trình hô hấp của con người. Hiện nay các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người làm cho hàm lượng chất khí này trong khí quyển tăng nhanh, gây hại cho con người và môi trường.
Câu trả lời: CACBONIC (CO2)
Câu 2: Các tai biến tự nhiên (ví dụ lũ lụt, bão, phun trào núi lửa, động đất, hay lở đất ) có thể ảnh hưởng tới môi trường, và dẫn tới những thiệt hại về tài chính, môi trường và con người được gọi chung là gì?
Câu trả lời: THIÊN TAI
Câu 3: Hiện nay có nhiều loài động vật quý hiếm đang bị con người săn bắt quá mức và đứng trước nguy cơ gì?
Câu trả lời: TUYỆT CHỦNG
Câu 4: Đây là một hiện tượng, khi gia tăng dân số quá nhanh trong một thời gian ngắn,gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội
Câu trả lời: BỦNG NỔ DÂN SỐ
Câu 5: Thang đo độ “nóng” và “lạnh” là gì?
Câu trả lời: NHIỆT ĐỘ
Câu 6: Đây là một lớp khí quyển ở tầng bình lưu, có khả năng bảo vệ Trái Đất chống các tia cực tím của Mặt Trời
Câu trả lời: TẦNG OZON
Câu 7: Đây là 1 từ dùng để chỉ những người lớn tuổi, đang trong một quá trình biến đổi các đặc điểm tâm sinh lý.
Câu trả lời: GIÀ
Câu 8: Đây là hiệu ứng làm cho không khí của Trái đất nóng lên do bức xạ sóng ngắn của Mặt trời có thể xuyên qua tầng khí quyển chiếu xuống mặt đất; mặt đất hấp thu nóng lên lại bức xạ sóng dài vào khí quyển để CO2 hấp thu làm cho không khí nóng lên.
Câu trả lời: HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH
Câu 9: Hiện nay diện tích rừng của Việt Nam cũng như trên Thế giới đang suy giảm nhanh chóng do hoạt động nào của con người?
Câu trả lời: PHÁ RỪNG
Câu 10: Hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, đồng thời các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây tác hại tới sức khỏe con người và các sinh vật khác gọi là gì?
Câu trả lời: Ô NHIỄM
Câu 11: Sự phong phú về nguồn gen, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên gọi là gì?
Câu trả lời: ĐA DẠNG SINH HỌC
Câu 12: Mực nước biển ngày càng dâng cao là do tình trạng này xảy hai ở 2 cực trái đất?
Câu trả lời: BĂNG TAN
Câu 13: Hoạt động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, hình ảnh hoặc video giết người do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện làm thiệt mạng người gây hoang mang khiếp sợ cho tâm lý hoặc tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích chính trị hoặc tôn giáo. Hoạt động này gọi là gì?
Câu trả lời: KHỦNG BỐ
Biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường, suy kiệt tài nguyên và khủng bố là những vấn đề nổi bật được cả Thế giới quan tâm hiện nay. Để biết cụ thể hơn về những vấn đề đó chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bài 3. Những vấn đề mang tính toàn cầu

Ví dụ 2: Trò chơi kĩ năng, sử dụng để củng cố và kiểm tra kiến thức sau bài học Địa lí lớp 10, bài 57, Môi trường và phát triển bền vững

– Bước 1: Giáo viên chuẩn bị trò chơi
Nếu có thể sử dụng máy chiếu và máy tính trên lớp, giáo viên có thể thiết kế trò chơi trên máy tính. Giáo viên chuẩn bị những bức ảnh về các loại rác thải như chai nhựa, bã trà, bã café, chai thủy tinh, vỏ snack, vỏ lon nước ngọt, vỏ chuối, hộp xốp, các loại cây cỏ, lá cây, trái cây, rau củ, quần áo cũ, hộp giấy, thùng carton, ống hút nhựa, đồng hồ, băng đĩa, đồ cao su, gồ gốm, sách vở cũ… Chuẩn bị số lượng nhiều các loại rác thải và sắp xếp lộn xộn không theo thứ tự phân loại. Nếu không tiện sử dụng máy tính và máy chiếu giáo viên chuẩn bị tên các loại rác thải và in ra giấy thành 10 bản. Thời gian dự kiến của trò chơi: 5-7 phút
– Bước 2: Giới thiệu và phổ biến trò chơi và luật chơi cho học sinh
Đây là trò chơi phân loại rác thải. Hiện nay ở Việt Nam phổ biến cách phân loại rác thải thành 3 loại chính: rác thải hữu cơ dễ phân hủy, rác thải có thể tái chế và rác thải khó phân hủy.
Giáo viên chia bảng thành 3 phần hoặc 3 hình về 3 thùng đựng rác tương đương với mỗi loại rác.
Sau đó giáo viên chia lớp thành 3 nhóm lớn và bốc thăm hoặc phân công mỗi nhóm sẽ phụ trách phần tìm kiếm loại chất thải nào để đưa đến đúng loại thùng rác
Giáo viên chiếu cho học sinh xem về hình ảnh các loại rác thải ( Hoặc phát cho học sinh danh sách các loại rác thải đã được in trong phần chuẩn bị). Yêu cầu các nhóm thảo luận trong 2 phút và cử đại diện lên viết tên rác thải vào thùng rác tương ứng trên bảng, có thể nhiều học sinh trong nhóm lần lượt lên viết và bổ sung các loại rác thải vào thùng rác của nhóm mình.
– Bước 3: Học sinh thảo luận và thực hiện trò chơi
– Bước 4: Giáo viên và các học sinh cùng kiểm tra và đánh giá kết quả của các nhóm. Các nhóm khác có thể bổ sung thông tin nếu thiếu. Sau đó, giáo viên tổng kết và nêu qua về tác hại của các loại rác thải và ý nghĩa của việc phân loại rác thải, có thể sử dụng các hình ảnh minh họa quá trình
Phương pháp sử dụng trò chơi trong giáo dục biến đổi khí hậu
 Hướng dẫn phân loại rác thải[1]
[1] http://kiemtoan-ketoan.com/tin-tuc/tin-tuc-xa-hoi/huong-dan-phan-loai-rac-de-khong-bi-xu-phat-16