Tổng Thư ký LHQ: Không thể sao nhãng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì Covid-19

0
26

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 10-3 cảnh báo, trong khi sự bùng phát Covid-19 trên toàn cầu có thể tạm thời làm giảm lượng khí thải gây ra tình trạng trái đất nóng lên, nhưng Covid-19 sẽ không làm chấm dứt sự ấm lên của trái đất mà thậm chí còn có thể khiến các quốc gia sao nhãng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký LHQ: Không thể sao nhãng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì Covid-19

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: REUTERS)

Phát biểu tại LHQ sau công bố báo cáo đánh giá của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về tình trạng ấm lên trên toàn cầu, TTK LHQ Antonio Guterres cảnh báo: “Chúng ta không nên đánh giá quá cao tình trạng khí thải nhà kính đang giảm dần trong một vài tháng vừa qua. Chúng ta không thể chống lại biến đổi khí hậu bằng Covid-19. Điều quan trọng là tất cả mọi sự tập trung chống lại bệnh dịch hiện nay không được khiến chúng ta bị chệch hướng, lơ là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

TTK Gutteress nhấn mạnh, dịch Covid-19 và tình trạng biến đổi khí hậu đều cần sự nỗ lực tập trung phối hợp của cộng đồng quốc tế, nhưng hai thách thức này hoàn toàn khác nhau.

TTK LHQ lên tiếng, tất cả chúng ta đều mong đợi Covid-19 chỉ là căn bệnh tạm thời và tác động của nó cũng chỉ là tạm thời. Nhưng biến đổi khí hậu vốn là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua và sẽ song hành với con người trong nhiều thập kỷ, đòi hỏi cộng đồng cần phải có những hành động không ngừng nghỉ.

“Tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn đang gia tăng”, TTK Guterres cảnh báo, kêu gọi các nước cần phải tiếp tục có những hành động khẩn cấp.

Theo báo cáo vừa công bố của WMO, năm 2019 là năm nóng thứ hai được ghi nhận trong lịch sử và thập kỷ vừa qua cũng là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử loài người.

Báo cáo của WMO đã đánh giá các khía cạnh khác nhau của biến đổi khí hậu, từ tình trạng mực nước biển dâng cao do băng tan chảy tới sự biến đổi trong đất liền và hệ sinh thái biển.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho hay, hành tinh của chúng ta sẽ tiếp tục ấm lên nếu như lượng khí thải nhà kính tiếp tục gia tăng. Ông Taalas cũng nói rằng con người vừa trải qua tháng 1 ấm nhất trong lịch sử khi thời tiết trong mùa đông ấm bất thường tại nhiều nơi ở cực bắc.

“Khói bụi và các chất gây ô nhiễm từ các đám cháy rừng tại Australia đã khiến lượng khí thải CO2 tăng đột biến. Điều này dẫn tới nguy cơ các khu vực ven biển và nhiều quần đảo đối mặt với nguy cơ lũ lụt cao hơn và các khu vực trũng thấp có khả năng bị nhấn chìm”, ông Taalas chỉ rõ.

Đồng tình với lời kêu gọi cần có những hành động khẩn cấp của TTK LHQ, Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (WWF), ông Manuel Pulgar-Vidal hối thúc: “Chúng ta đang trải qua một năm quan trọng để hành động, và nếu không hành động tức thời, thách thức giải quyết khủng hoảng khí hậu sẽ ngày càng khó khăn hơn”.

Nguồn: N.T – Báo Nhân Dân