Tư duy thuận thiên

0
20
Thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu là xu thế chung của thế giới, trong đó, có sự dịch chuyển chính sách về mô hình tăng trưởng, điều chỉnh định hướng phát triển, đưa ra cách tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, biến đổi khí hậu không phải là nguy cơ mà chỉ là thách thức. “Người ta nói là ĐBSCL sắp mất trong khoảng 50 – 70 năm nữa, trong khi nhiều đồng bằng khác ở nhiều nước cũng bị tình trạng như ta, họ đã vượt lên, làm giàu hơn. Đó có phải là thực tiễn đối với Việt Nam không?” – Thủ tướng đặt vấn đề. Theo Thủ tướng, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất; trong đó, đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm giúp gần 20 triệu dân ĐBSCL cùng vượt qua thách thức.
Thông điệp đó tiếp tục được lan tỏa khi mới đây, làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau về hạn hán, xâm nhập mặn, dự báo sẽ diễn ra gay gắt hơn trong thời gian tới, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: “Vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên. Ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta làm được điều đó tại nơi có nhiều tiềm năng và đối diện thiên nhiên khắc nghiệt”.
Tư duy thuận thiên

Ảnh minh họa

Những thông điệp của Thủ tướng chính là nguồn động lực mạnh mẽ để nhân dân cả nước chung tay hành động ứng phó, biến những tác động bất lợi của BĐKH thành cơ hội để phát triển bền vững đất nước.
Hạn mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, song, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn – lợ. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, cần được hiện thực hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.
Đó cũng là cách đã tạo ra kiến thức bản địa của người dân đồng bằng bao đời nay. Các bậc tiền hiền khai phá vùng châu thổ Cửu Long đã chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất mới. Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng thuận thiên, hợp địa, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Người dân ven biển dùng lu, khạp để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ” tạo ra nhiều kỳ tích lúa gạo, thủy sản, trái cây vừa qua.
Thực tế, Việt Nam đã vượt qua khá thành công thách thức của biến đổi khí hậu, chúng  ta đã thắng thiên nhiên khi xóa được phèn ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Chúng ta không có “Vạn lý trường thành” nhưng ĐBSCL có “Vạn lý đường kênh” cho phép ém phèn để canh tác lúa, thau chua và rửa mặn.
Câu chuyện thành công của những địa phương vùng ĐBSCL tuy không mới nhưng cách họ vượt qua nghịch cảnh từ thiên nhiên nhắc nhở chúng ta về câu thành ngữ đáng giá: “Tự cứu mình trước khi trời cứu” hay “Trời giúp người biết tự giúp mình”.