Israel: Nơi sa mạc nở hoa

0
6
Nằm giữa khu vực Trung Đông khô cằn, Israel có hơn 60% diện tích là sa mạc. Với điều kiện địa lý và thời tiết khắc nghiệt, nền nông nghiệp nước này thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ hạn hán.
Tuy nhiên, bất chấp những thực tế đó, Israel đã từng bước vượt qua cuộc khủng hoảng nước một cách ngoạn mục và dần trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.
Yossi Yaacoby, Giám đốc điều hành của Mekorot, một công ty vận chuyển nước quốc gia của Israel, cho biết do tình trạng biến đổi khí hậu, mùa mưa trong giai đoạn từ tháng Mười đến tháng Ba ở Israel đã giảm mạnh, khiến tình trạng thiếu hụt nước trở nên trầm trọng hơn.
Trong khi mực nước ở khu vực phía Bắc trở nên khan hiếm thì mực nước ở vùng Biển hồ Galilee cũng ghi nhận mức thấp nhất trong lịch sử. Và đó là lý do khiến người dân Israel hiểu rằng họ không thể phụ thuộc vào những cơn mưa để phục vụ ngành nông nghiệp đất nước.
* Biến đại dương thành nguồn nước ngọt
Chắc hẳn những ai đã từng tìm hiểu về nền nông nghiệp Israel đều biết đến nhà máy khử mặn nước biển lớn nhất thế giới Sorek. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, Sorek được vận hành bởi tập đoàn IDE Technologies tiên phong trong lĩnh vực xử lý nước của Israel.
Nhà máy tự động Sorek có diện tích 100.000 m2 và có thể sản xuất 624.000 m3 nước mỗi ngày – tương đương 20% lượng nước tiêu thụ nội địa.
Nhà máy sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược RO (Reverse Osmosis), là công nghệ sử dụng áp lực nén của máy bơm cao áp nhằm tạo ra một dòng chảy mạnh để đẩy nước mặn đi qua một màng lọc có các lỗ siêu nhỏ (khoảng 0,0001 micromet) và tạo ra nước ngọt.
Đây là công nghệ được cho là tiên tiến và hiệu quả trong lĩnh vực khử mặn hiện nay, cứ khoảng 2 m3 nước biển sẽ thu được 1 m3 nước ngọt.
Sau quá trình khử muối, nước ngọt sẽ được phân phối, kiểm tra chất lượng (sau khi các khoáng chất thiết yếu đã được bổ sung lại) cho 57 công trình cấp nước của thành phố trên khắp Israel. Tại đây, 1 m3 nước có giá khoảng 55 xu Mỹ, một mức giá được coi là khá hợp lý so với con số 3 USD/m3 ở một số quốc gia khác.
Bên cạnh khả năng sản xuất nước ngọt với công suất cao và chi phí thấp, IDE còn phát triển các công nghệ độc quyền để giảm thiểu những tác động của quá trình khử mặn đối với môi trường. Việc sử dụng hóa chất có thể gây ra vấn đề môi trường khi nước muối được thải trở lại biển.
Tuy nhiên, IDE đã sử dụng các bộ lọc sinh học để loại bỏ các vi khuẩn, phù sa, tảo và những chất thải rắn khác. Bên cạnh đó, để tránh làm hại những sinh vật biển nhỏ bé vô tình bị hút vào từ đại dương, IDE đã xây dựng các bể nuôi vườn ươm để những sinh vật này có thể trú ngụ cho đến khi chúng quay trở lại môi trường sống của mình.
* Biến chất thải thành “vàng”
Nằm ở thành phố Rishon Letsion, cách Tel Aviv khoảng 10 km về phía Nam, Shafdan là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Israel.
Hiện nay, quốc gia Trung Đông này đang tái chế khoảng 80-90% lượng nước, nhiều hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Một phần nước sau khi được tái chế có chất lượng gần như có thể uống sẽ được bơm đến các trang trại ở sa mạc Negev, phía Nam Israel.
Shafdan sử dụng các bộ lọc sinh học và cơ học để xử lý tất cả nước thải từ vùng Dan (Greater Tel Aviv), nơi có khoảng 250.000 đến 300.000 người sinh sống. Mỗi ngày, nhà máy với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới tiếp nhận khoảng 470.000 m3 nước thải và có thể cung cấp đến 140 triệu m3 nước sạch cho các trang trại của Israel mỗi năm.
Giống như việc khử muối, tái chế nước thải là hoạt động rất tốn năng lượng. Tuy nhiên, trong hai năm qua, nhà máy Shafdan đã phát triển công nghệ tạo khí sinh học từ bùn để cung cấp đến 90% nhu cầu năng lượng. Giám đốc điều hành của Mekorot Yaacoby cho biết: “Chúng tôi không còn coi bùn là chất thải nữa, bởi đây là nguồn tài nguyên dồi dào để tạo ra năng lượng, nhựa sinh học và phân bón”.
* “Gieo hạt” trên các đám mây
Đối mặt với tình trạng hạn hán ngày càng phổ biến do lượng mưa hạn chế, Israel đã tìm ra biện pháp giảm nhẹ tác động bằng cách tạo ra mưa nhân tạo dựa trên phương pháp gieo mây (cloud seeding).
“Hạt giống đám mây là một công nghệ độc đáo mà chúng tôi đã phát triển nhằm tối đa hóa các hồ chứa nước của Israel”, Amit Lang – Giám đốc điều hành mảng phụ trách dự án nước của Mekorot là EMS Mekorot cho biết.
Theo chuyên gia này, ngày nay, Israel đã đi tiên phong với khả năng giữ lại đến 96% lượng nước mưa chảy xuống trong khu vực. Với công nghệ gieo hạt trên đám mây, Tel Aviv hy vọng có thể tiếp tục làm tăng lượng nước được giữ lại để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, Israel cũng là quốc gia có tỷ lệ nước sạch bị rò rỉ trước khi được cung cấp đến khách hàng thấp nhất, khoảng 7-8% so với mức trung bình 30% ở các quốc gia khác. Điều này một phần là nhờ hạ tầng phân phối nước của Israel còn khá mới và không chịu sự biến động nhiệt độ khắc nghiệt có thể làm vỡ các đường ống.
* Lối thoát lâu dài
Oded Distel, Giám đốc mảng công nghệ nước của Israel NewTech thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp, cho biết, mặc dù các bí quyết và công nghệ của Israel đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới, việc tiết kiệm nguồn nước và nhận thức của người dân là rất quan trọng để đảm bảo rằng quốc gia Trung Đông sẽ tiếp tục được tiếp cận nguồn nước đầy đủ với giá phải chăng trong tương lai.
Chuyên gia này cho rằng quá trình đô thị hóa, tình trạng gia tăng dân số và biến đổi khí hậu ở nhiều nơi đang làm quá tải hạ tầng nước toàn cầu.
Theo đó, thế hệ sắp tới sẽ chỉ có đủ lượng nước phục vụ nhu cầu sử dụng nếu các quốc gia ngừng những hoạt động lãng phí như tưới lũ, tăng cường kiểm soát rò rỉ và khuyến khích việc tiết kiệm nước bằng cách tính phí cho lượng tiêu dùng thực tế.
Có một thực tế là người dân luôn mong đợi được lấy nước miễn phí và đó là trở ngại lớn đối với việc xây dựng các hệ thống bền vững./.