Giải cứu Trái Đất khỏi biến đổi khí hậu: Bom, áo giáp và mây

0
7
Trái Đất đang sốt, cùng với hiện tượng nóng lên toàn cầu và ô nhiễm, khiến giới khoa học phải lao vào một cuộc chiến đầy cam go để tìm cách hạ nhiệt cho địa cầu thông qua những kế hoạch lâu dài.
Khi mà những phương cách truyền thống tỏ ra chưa mấy hiệu quả, các ý tưởng độc, lạ xuất hiện, gieo thêm chút niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, cho dù chúng được đánh giá là không tưởng và gây ít nhiều tranh cãi về tính khả thi.

Những quả “bom” xanh

Phủ xanh môi trường bằng thực vật vốn được coi là biện pháp cơ bản và quan trọng nhất để đối phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, châu Phi nổi tiếng với dự án “Bức tường xanh sa mạc”, do nhiều quốc gia hợp tác triển khai nhằm chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng sa mạc hóa và mang lại rất nhiều lợi ích qua việc phát triển vụ mùa từ các vùng đất khô hạn. Bức tường từ hàng triệu cây xanh sẽ trải dài khắp châu Phi từ bờ tây Senegal đến bờ đông Eritrea và Somalia.
Châu Phi đang xây dựng “Bức tường xanh khổng lồ” để ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Sahara (13/7/2018)
Với chiều dài 8.000km và rộng 15km, dự án đã và đang tạo nên bức tường “sống” lớn nhất trên thế giới, vừa giúp hấp thụ một lượng lớn khí CO2, vừa gia tăng độ che phủ của rừng và thảm thực vật, từ đó ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Sahara. Hiện nay trên 11 triệu cây xanh đã được trồng, và một số quốc gia dự kiến mỗi năm sẽ tăng thêm 2 triệu cây.
Giải cứu Trái Đất khỏi biến đổi khí hậu: Bom, áo giáp và mây
Châu Phi đang trong quá trình xây dựng một bức tường xanh từ hàng triệu cây xanh.
Một số chuyên gia cho rằng, xây dựng các bức tường xanh có thể là một chiến lược tốt để hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nếu sự phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng thì một bức tường xanh không thể hấp thụ được lượng lớn CO2. Để phủ xanh thật nhanh và nhiều trên diện rộng, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp có một không hai là… ném bom thực vật.
Ý tưởng kỳ quặc và khó tin này được phác thảo thông qua những quả bom chứa đầy hạt giống của nhiều loại cây khác nhau, nhưng không hề phát nổ trên mặt đất.
Trên thực tế, bom thực vật có dạng khối cầu, được bọc bởi đất màu mỡ, có khả năng mang theo hạt giống đến những vùng cằn cỗi nhất thế giới. Sau khi được thả xuống bề mặt, hạt giống trong trái bom sẽ nảy mầm, đâm xuyên qua lớp vỏ, bén rễ vào lớp đất bề mặt xung quanh.
Sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay không những có thể tạo ra các loại phương tiện bay cho phép ném bom thực vật ở mọi ngóc ngách của thế giới, mà còn giúp xây dựng nền tảng cho công nghệ phát triển cây nhân tạo. Bối cảnh ô nhiễm không khí đã khiến các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đề xuất giải pháp độc đáo này nhằm hấp thụ khí thải, góp phần điều hòa không khí và làm mát Trái Đất.
Thực chất, các “cây” chính là những nhà máy thu nhỏ có tác dụng hút CO2, sau đó chuyển hóa khí này thành dạng cứng đưa vào lòng đất. Hàng dài những cây nhân tạo được “trồng” dọc theo các tuyến đường cao tốc, gần các khu công nghiệp hay bất kỳ nơi nào có nồng độ CO2 cao.
Lượng CO2 thu được có thể tận dụng cho quá trình sản xuất soda, đem lại ít nhiều lợi ích kinh tế bên cạnh những hiệu quả về thanh tẩy bầu không khí và làm giảm tình trạng hiệu ứng nhà kính.

Áo giáp phản nhiệt

Nhiều người cho rằng giúp Trái Đất chống lại ô nhiễm không đơn giản chỉ liên quan đến cắt giảm CO2, mà cần phải làm mát cho cả địa cầu.
Các nhà khoa học Scotland đề xuất việc tận dụng đám mây bụi xung quanh các tiểu hành tinh để cắt giảm lượng ánh nắng Mặt Trời xuống Trái Đất. Trên lý thuyết, họ muốn thu hút các tiểu hành tinh đến vị trí cân bằng giữa trọng lực (của Trái Đất) và lực hấp dẫn (của Mặt Trời), đảm bảo cho những thiên thể này không thể rơi vào khí quyển Trái Đất hay bị kéo về phía Mặt Trời.
Giải cứu Trái Đất khỏi biến đổi khí hậu: Bom, áo giáp và mây
Cây nhân tạo là nhà máy thu nhỏ có tác dụng hút CO2, sau đó chuyển hóa khí này thành dạng cứng đưa vào lòng đất.
Sau đó, một phi thuyền khổng lồ hoạt động trong không gian sẽ hút và phun lại bụi vào các vị trí định trước, dần dần tạo nên các lớp chắn bụi giữa Trái Đất và Mặt Trời, góp phần ngăn một lượng ánh sáng đáng kể được chiếu tới “hành tinh xanh”.
Ở vũ trụ tận dụng mây bụi, còn ở trên mặt đất hoàn toàn có thể nhờ cậy bụi nhân tạo. Giới nghiên cứu Anh tin rằng cần phải phun hóa chất lên tầng bình lưu để giảm nhiệt. Theo tính toán, các quả cầu với kích thước tương đương sân vận động có ống dẫn dài hàng chục km sẽ đưa hỗn hợp sulfur lên bầu khí quyển ở các vị trí thích hợp. Các phân tử sulfur phản xạ ánh sáng và nhiệt từ Mặt Trời trở lại không gian, tạo nên một bóng mát khổng lồ cho Trái Đất.
Thiết bị làm việc dựa trên nguyên lý hoạt động của núi lửa, nên mỗi lần “phun trào” đều làm nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm xuống. Hoạt động của các “núi lửa” này còn nhận được sự hỗ trợ của máy bay phản lực bay cao 21,4km (độ cao thấp hơn tầng bình lưu), để giải phóng hỗn hợp sulfur, tăng khả năng bao phủ Trái Đất khỏi các tia nắng Mặt Trời.
Giải cứu Trái Đất khỏi biến đổi khí hậu: Bom, áo giáp và mây
Liệu xây dựng một tấm gương khổng lồ giữa Trái Đất và Mặt Trời để hấp thụ và phản chiếu bớt ánh sáng có khả thi.
Trong khi đó, giới khoa học Italia muốn dựng một tấm gương khổng lồ, có thể rộng bằng diện tích Ấn Độ, giữa Trái Đất và Mặt Trời để hấp thụ và phản chiếu bớt ánh sáng. Tuy nhiên, đa phần coi đây là điều không tưởng, nên một số nhà nghiên cứu nghiêng về lựa chọn thay thế khối kính khổng lồ bằng miếng gương siêu mỏng, có thể nhỏ tới khoảng 60cm.
Họ muốn phóng lên vũ trụ hàng triệu tấm gương nhỏ hơn, cố định ở các vị trí khác nhau trong không gian để ngăn chặn ít nhất 2% lượng ánh sáng Mặt Trời, cùng tia tử ngoại, xuống Trái Đất.
Ngoài ra, việc đưa các tấm gương nhỏ lên không gian hoàn toàn khả thi nhờ tàu vũ trụ, rồi dựa vào sức đẩy ion thả chúng xuống đúng vị trí. Bên cạnh làm giảm ảnh hưởng của Mặt Trời, những tấm gương này còn mang tiềm năng kết hợp với pin năng lượng để tạo ra điện năng phục vụ cho Trái Đất.

Phun mây nhân tạo

Khoảng những năm 90, sau sự kiện núi lửa Pinatubo ở Philippines “thức giấc”, những lớp mây mù xuất hiện bao phủ gần như cả Trái Đất. Điều khiến giới khoa học kinh ngạc chính là việc mây đã tạo ra một bức màn chắn bảo vệ Trái Đất, khúc xạ hầu hết các loại tia từ Mặt Trời ngược trở lại không gian, khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu thời điểm đó giảm 0,6ºC.
Chính điều này đã châm ngòi cho ý tưởng mây nhân tạo để khúc xạ các tia chiếu từ Mặt Trời, từ đó hạ nhiệt Trái Đất. Một số nhà khoa học gợi ý thiết kế thuyền tạo mây, sử dụng các thiết bị dùng năng lượng gió, sau đó hút nước biển và phun vào không gian thành những màn sương cực mịn trên đại dương, phản xạ nhiệt của Mặt Trời. Theo tính toán, một đội 300 tàu tự động, với khả năng xịt khoảng 10m³ mỗi giây, có thể làm giảm nhiệt độ toàn cầu đến 1,5oC.
Mây nhân tạo giúp chống lại biến đổi khí hậu -3
Mô hình phun mây nhân tạo
Để hỗ trợ cho loại tàu đặc biệt này, phương án được tính tới là sử dụng thêm keo xịt từ muối. Loại keo được cho có khả năng ngăn chặn những tác động của tia cực tím và khắc phục việc tầng ozon đang bị hủy hoại. Keo tạo nên những đám mây trắng dày đặc khi xịt vào không khí, hoạt động như những tấm khiên chắn che toàn bộ phía trên bề mặt biển.
Theo tiết lộ, hai ý tưởng thuyền mây và keo xịt là một phần của dự án “Làm trắng mây bằng nước biển”, trong đó việc thêm các hạt muối biển lên bầu trời phía trên đại dương sẽ giúp hình thành những đám mây lớn nhiều nước hơn và có tuổi thọ cao.
Một số nghiên cứu của Đại học Leeds (Anh) cho thấy trong điều kiện mây chứa một lượng lớn hơn các giọt (nước) nhỏ hơn, diện tích bề mặt của mây sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc các đám mây hình thành sẽ phản xạ được nhiều ánh sáng hơn trở lại không gian. Điều này sẽ mang đến hiệu ứng làm mát trên Trái Đất.
Nhìn chung, các ý tưởng bom cây xanh, áo giáp phản nhiệt hay mây nhân tạo nêu trên đều hứa hẹn tiềm năng “chống nóng” cho Trái Đất. Tuy nhiên, chúng còn gây nhiều tranh cãi khi có thể gây đảo lộn điều kiện môi trường sống trên Trái Đất và hủy hoại quy luật vốn có của tự nhiên.
Không ai chắc chắn những cây nhân tạo sẽ hoạt động tốt hơn cây thực sự, trong khi việc phun hóa chất lên tầng bình lưu về lâu dài sẽ đầu độc khí quyển và đại dương. Tính khả thi cũng là một câu hỏi lớn khi NASA chưa thể chắc chắn về việc tạo ra một lượng mây đủ lớn để bao bọc toàn bộ các đại dương, hay viễn cảnh thiết lập gương chắn trong vũ trụ từ nguyên vật liệu siêu bền cũng như cách thức duy trì hoạt động lâu dài.
Rõ ràng, nếu những tác động không mong muốn xảy ra, có thể đây sẽ là điều nguy hiểm đối với Trái Đất hơn là tác dụng bảo vệ…
Nguồn: Nam Hồng, Quân Trần – Báo An ninh Thế giới Online