Thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử

0
4

Mạng lưới theo dõi khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết, thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử. Ở nơi có nhiều băng giá của Trái đất như Siberia, nhiệt độ tăng vọt 10 °C so với mức trung bình tháng trước.

Thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử

Nhiệt độ không khí bề mặt (bên trái) và mực nước biển (bên phải). Ảnh: C3S/ ECMWF.

Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), nhiệt độ trung bình trên các vùng của Alaska, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, vùng châu Phi và Nam Cực vào tháng 5 vừa qua ấm hơn 0,63 °C so với trung bình tháng 5 từ năm 1981 đến 2010.

Nhà khoa học cao cấp của C3S Freja Vamborg nói với AFP rằng, vùng phía Tây Siberia đã ấm lên một cách bất thường trong vài tháng qua. “Sự bất thường thực sự lớn bắt đầu trong tháng 1, và kể từ đó tín hiệu này khá dai dẳng”, cô viết qua email.

Thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử

Các bất thường nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu và châu Âu hàng tháng so với trung bình từ năm 1981-2010. Các thanh màu đậm hơn biểu thị các mức nhiệt trong tháng 5. Ảnh: C3S/ ECMWF.

Trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình trong 12 tháng đến tháng 5-2020 là gần 1,3 °C so với mức trước công nghiệp, mức chuẩn mà theo đó sự nóng lên toàn cầu thường được đo.

Theo Thỏa thuận Paris 2015, gần 200 quốc gia đã cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ bề mặt trung bình Trái đất xuống dưới 1,5 °C đến 2 °C.

C3S cảnh báo rằng, đợt nóng trên khắp các vùng của Siberia và Alaska sẽ gây ra báo động đặc biệt ở các khu vực từng bị cháy rừng lớn vào năm ngoái do nhiệt độ kỷ lục.

Thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử

Trung bình nhiệt độ ở vùng băng Bắc cực vào tháng 5 trong giai đoạn 1981-2010 (trái). Sự bất thường về lượng băng ở Bắc Cực vào tháng 5-2020 so với mức trung bình tháng 5 trong giai đoạn 1981-2010 (phải). Ảnh: C3S/ ECMWF.

Nhìn chung, nhiệt độ toàn cầu đã tăng hơn 1 °C kể từ giữa thế kỷ 19, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch. Ở khu vực Bắc Cực, nhiệt độ trung bình đã tăng thêm 2 °C kể từ giữa thế kỷ 19, gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Điều này đã đẩy nhanh sự tan chảy của dải băng dày hàng km của Greenland, dẫn đến thiệt hại ròng 600 tỷ tấn khối lượng băng trong năm, chiếm khoảng 40% tổng mực nước biển dâng trong năm 2019. Lớp băng vĩnh cửu trong các khu rừng ở Nga và Canada chứa tới 1,5 nghìn tỷ tấn carbon dioxide, gấp khoảng 40 lần lượng khí thải hàng năm hiện nay. Năm ngoái, Liên hợp quốc cho biết, lượng khí thải nhà kính của con người cần phải giảm7,6% mỗi năm trong thập kỷ tới để giữ tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 °C. Các cam kết hiện tại là để cắt giảm khí thải giữ cho Trái đất chỉ nóng lên vài độ C vào cuối thế kỷ.

Nguồn: HOÀNG THẢO – Báo Nhân Dân
Theo Sciencealert