Việt Nam nhận 51,5 triệu USD để giảm phát thải khí nhà kính

0
6
Việt Nam đang triển khai dự án giảm phát thải khí nhà kính bằng cách trồng rừng và tạo ra được tín chỉ cho 25 triệu tấn carbon. Hiện đã có đối tác mua tín chỉ này với số tiền 50,5 triệu USD để chi trả cho người có công trồng rừng. 

Chiều nay 26-6 tại Hà Nội, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp và Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD + ở Việt Nam – giai đoạn 2.

Các chuyên gia trong và ngoài nước  tham dự lễ tổng kết giai đoạn 2 của dự án REDD+ và bán tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: VĂN PHÚC

REDD+ là 1 sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực chống mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng carbon rừng.

Hình thức phổ biến là các nước có kết quả giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận sẽ bán chứng chỉ carbon rừng cho quỹ đối tác trong lâm nghiệp hoặc có thể chuyển nhượng chứng chỉ giữa các nước.

Việt Nam đã tham gia REDD+ từ rất sớm vào năm 2008, tới nay đã có hơn 45 dự án lớn nhỏ được triển khai, tạo nền tảng về mặt thể chế, chính sách và kỹ thuật cho REDD+ để tiến tới thực hiện các hoạt động REDD + và chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải và (hoặc) hấp thụ carbon.

Dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD + ở Việt Nam – giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 11-2016 đến 30-6-2020 tại Hà Nội và 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng kinh phí là 5,696 triệu USD.

Tại hội thảo này, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) thông báo, Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền (chuyển nhượng) quyền giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018-2025 là chương trình REDD+ đầu tiên của Việt Nam được thực hiện theo cách tiếp cận chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải ở quy mô cấp vùng.

Trồng rừng không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác gỗ xuất khẩu mà còn có thể bán tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính cho các nước phát triển 

Theo đó, Việt Nam tự huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm khoảng 25 triệu tấn CO2. Trong đó, theo ông Phạm Văn Điển, Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp đã cam kết “mua” của Việt Nam 10,3 triệu tấn CO2 trên chứng chỉ. Giá thoả thuận dự kiến là 5USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ nhận được khoản chi trả này sau khi kết quả giảm phát thải được thẩm định rõ ràng và minh bạch bởi một bên thẩm định độc lập. Phần còn lại (khoảng 14,7 triệu tấn), Việt Nam có quyền bán cho các đối tác khác.

Trên cơ sở thoả thuận chi trả giảm phát thải ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới, sẽ có 3 kỳ báo cáo giảm phát thải và kiểm chứng kết quả để chi trả như sau:

Kỳ 1 từ tháng 2-2018 đến tháng 12-2019 với 3 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương với 15 triệu đô la Mỹ, kiểm chứng và chi trả lần 1 năm 2020.

Kỳ 2 từ 1-1-2020 đến 31-12-2022 với 4 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương 20 triệu đô la Mỹ, kiểm chứng và chi trả lần 2 năm 2023.

Kỳ 3 từ tháng 1-2023 đến 12-2024 với 3,3 triệu tín chỉ giảm phát thải, tương đương với 16,5 triệu đô la Mỹ, kiểm chứng và chi trả lần 3 năm 2025.

Nguồn: Văn Phúc – Báo sggp.org.vn