Nông nghiệp không chất thải

0
10
Trước áp lực biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường, trong đó có sự góp phần không nhỏ của sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân của Đồng Nai ngày càng quan tâm ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái với hình thức canh tác thân thiện với môi trường. Ở đây rác thải trong sản xuất nông nghiệp trở thành tài nguyên, là chất hữu cơ tự nhiên có thể giúp cây trồng phát triển.
Nông nghiệp không chất thải
Trong vườn của ông Trần Thanh Tùng tại xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) được trồng xen canh nhiều loại hoa, rau, đậu. Ảnh: B.Nguyên
Trong đó, vi sinh là giải pháp góp phần phục hồi đất bị thoái hóa, cằn cỗi do lối canh tác lạm dụng phân, thuốc hóa học. Và khi đất được phục hồi, có sự sống thì nhu cầu về phân bón càng ít và hầu như không cần dùng đến các loại hóa chất để phòng trừ sâu bệnh.
* Thuận tự nhiên
Theo ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam, thành viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện nay có cách canh tác trồng rau chỉ cần phủ rơm và ném rác lên bề mặt đất, tưới vi sinh, gieo hạt, tưới nước, thu hoạch và không cần thêm công đoạn chăm tỉa nào khác. Lối sản xuất này được gọi là nông nghiệp “lười” vì nó giảm tối đa chi phí nhân công và các chi phí khác.
Theo ông Hoàng Sơn Công, hiện nông dân đang chịu quá nhiều áp lực, tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu, tiền thuê đất, tiền nhân công nhưng cây trồng vẫn đối mặt với quá nhiều rủi ro về sâu bệnh, thiên tai… Giải pháp vi sinh dễ làm với chi phí rẻ, nông dân lại có thể tự làm được chất vi sinh nên họ hoàn toàn không phụ thuộc vào đơn vị chuyển giao và có thể tiếp tục chuyển giao tiếp cho những người nông dân khác.
Ông Hoàng Sơn Công nhận xét thêm, theo cách làm truyền thống sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu bệnh thì sẽ tiêu diệt cả hại khuẩn và lợi khuẩn theo kiểu xóa trắng bàn cờ. Nhưng con hại khuẩn khỏe hơn nên nó xuất hiện sớm hơn khiến cây trồng vẫn tái bệnh mà không trị được tận gốc. Giải pháp vi sinh sẽ đưa một lượng cực lớn các con lợi khuẩn vào môi trường đất và con lợi khuẩn này không ngừng sinh sôi sẽ tiêu diệt tận gốc những con hại khuẩn.
Với phương pháp canh tác nông nghiệp thuận theo tự nhiên, nông dân hoàn toàn không cần sử dụng đến phân hóa học, thuốc diệt cỏ cũng như các loại thuốc hóa học khác. Đất màu mỡ là nhờ phân hữu cơ gắn với lối canh tác xen canh, luân canh để cho đất được nghỉ ngơi. Trong đó, chất thải chăn nuôi, cành cây, lá cỏ, rác hữu cơ… được tận dụng trở thành phân bón nuôi dưỡng cây trồng.
Ông Trần Thanh Tùng là nông dân đi tiên phong tại xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) làm nông nghiệp thuận tự nhiên, trong đó giải pháp vi sinh được chú trọng hàng đầu. Từ 3 năm trước, ông Tùng đã xây dựng mô hình sản xuất khép kín vườn – ao – chuồng. 5ha đất của gia đình được ông nuôi gà, vịt, có ao thả cá với chất thải chăn nuôi được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho vườn cây. Ông Tùng cũng trồng xen canh nhiều loại cây trồng từ hoa lan, hoa hướng dương, hoa đậu biếc đến các loại rau, đậu xen canh với mô hình cây lâu năm như: cây ổi, bưởi…
Giai đoạn mới bắt tay thực hiện, ông Tùng làm theo hướng hơi cực đoan là chỉ bón phân hữu cơ cho đất, trồng cây và để cây trồng tự nhiên phát triển, hoàn toàn không ứng dụng một giải pháp phòng trừ sâu bệnh nào cho cây. Theo đó, cây trồng phát triển kém, sâu bệnh xuất hiện nhiều.
Nông nghiệp không chất thải
Vườn ổi sạch trồng theo hướng thuận tự nhiên của ông Trần Thanh Tùng, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu)
Sau khi tham gia một số lớp tập huấn về làm nông nghiệp hữu cơ do địa phương tổ chức và bỏ công tìm hiểu thêm, ông Tùng đã ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ. Nhờ đó, đất sản xuất vốn khô cằn dần tơi xốp, màu mỡ hơn, cây trồng sinh trưởng tốt. “Phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên tôi đang làm tận dụng hết mọi chất thải trong nông nghiệp như phân chuồng, rác hữu cơ làm thành phân bón cho cây trồng nên chi phí rất thấp. Đây cũng là điều kiện để nông sản sạch của tôi bán với giá hàng thường vẫn có lợi nhuận tốt. Bản thân tôi và một số nông dân sản xuất thuận theo tự nhiên không cho rằng nông sản sạch là phải bán với giá cao. Vì giá cao sẽ khó tiếp cận được với đa số khách hàng” – ông Tùng nói.
* Câu chuyện phát triển bền vững
Theo các chuyên gia nông nghiệp, câu chuyện nông nghiệp bền vững cần được nhìn ở nhiều góc độ. Dưới góc độ người nông dân thì chỉ quan tâm đến năng suất; người tiêu dùng thì yêu cầu giá phải rẻ, phải phù hợp và phải sạch, phải minh bạch… Để giải bài toán này cần tìm ra điểm cân bằng về lợi ích của các bên tham gia.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (TP.HCM) chỉ ra căn nguyên của vấn đề này. Đa số nông dân vẫn chạy theo năng suất nên ngay cả với quy trình sản xuất GAP, nông dân vẫn sẵn sàng phun thuốc trừ sâu khi xuất hiện dịch bệnh vì muốn đảm bảo giữ được đồng lời. Thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học đã hình thành quá lâu nên muốn bỏ cần cả quá trình dài hơi để tạo nên sự thay đổi về nhận thức trong sản xuất ở nông dân.
Nông dân cần hiểu rằng việc sử dụng tràn lan thuốc hóa học còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, sự cân bằng sinh học bị phá vỡ, dịch bệnh bùng phát vì kháng thuốc, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan… Hệ lụy trước mắt là nông dân trắng tay vì đầu tư nhiều mà không hiệu quả. Về lâu dài là những thiệt hại không thể đo lường, như: đất đai bị thoái hóa, khô cằn, nguồn nước bị đầu độc và đây cũng là nguyên nhân gây nên các loại bệnh ung thư. “Tôi luôn hô hào phải làm cho đất khỏe – cây khỏe – môi trường khỏe thì con người mới khỏe. Nhưng để chuyển đổi sang hẳn nền nông nghiệp hữu cơ là rất khó. Tạm thời, tôi chỉ mong muốn đạt ở mức sản xuất theo hướng hữu cơ tức là giảm sử dụng phân, thuốc hóa học và thay thế bằng phân hưu cơ cũng như các giải pháp sinh học trong phòng trừ dịch bệnh” – ông Nghĩa nói.
Thực tế, nhiều nông dân đang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với chi phí sản xuất thấp hơn so với cách làm truyền thống nên lợi nhuận của họ vẫn được đảm bảo. Ngoài ra, nhà sản xuất phải tìm ra giải pháp giảm bớt những khâu trung gian khi tiếp cận với người tiêu dùng và nếu bán được trực tiếp cho người mua thì càng tốt.
Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (H.Đức Huệ, tỉnh Long An) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trái chuối có thương hiệu riêng vào thị trường Nhật Bản. Doanh nghiệp này đang đầu tư dự án cánh đồng chuối xuất khẩu tại H.Trảng Bom. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình chia sẻ về câu chuyện sản xuất bền vững theo chuỗi khép kín từ khâu trồng trọt, thu hoạch, sơ chế đến bán ra thị trường. theo ông Huy, trang trại nuôi bò, trồng chuối của doanh nghiệp ông đầu tư là một “vòng lọc hoàn hảo”, trong đó, trang trại tận dụng mọi phế, phụ phẩm nông nghiệp nên không tạo ra rác thải ô nhiễm môi trường. Cụ thể, chất thải chăn nuôi được ủ thành phân bón hữu cơ; sau thu hoạch thân và trái chuối dạt được chế biến thành thức ăn cho bò… Nhiều năm qua, trang trại của ông Huy hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ cũng như các giải pháp sinh học trong chăm sóc cây trồng. Doanh nghiệp này đang hoàn chỉnh quy trình để được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Nguồn: Bình Nguyên – Báo Đồng Nai