Như một việc rà soát việc in ấn cùng một chút hiếu kỳ, tôi lại mở thử một cuốn sách để xem. Và tôi chọn cuốn sách giáo khoa Địa lý lớp 8. Là giáo viên dạy Toán, nhưng khi đọc những trang sách của môn Địa chằng chịt những con số, bảng biểu, tôi có phần cảm thấy hơi rối.
Nhưng giở đến bài “Đặc điểm khí hậu Việt Nam”, tôi bất ngờ khi nhìn thấy hai thuật ngữ “El Nino và La Nina” nằm ở một dòng thông tin ở trang 112 của cuốn sách. El Nino và La Nina, theo như tôi được biết, vốn là hiện tượng mà nước biển vùng xích đạo Đông Thái Bình Dương ấm lên/lạnh đi đột ngột, và nó có tác động rất lớn tới khí hậu toàn cầu.
Đọc đến đây, tôi có phần cảm thấy mừng, vì những nhà biên soạn đã giới thiệu đến học sinh, nhưng cũng có phần hơi hụt hẫng vì họ chỉ nhắc đến rất sơ lược. Thế là trong vài hôm sau đó, tôi tìm hiểu thêm các cuốn sách giáo khoa khác, thì bất ngờ nhận ra rằng, hai thuật ngữ El Nino và La Nina lại chỉ được nhắc đến một lần duy nhất trong chương trình phổ thông ở môn Địa lớp 8 này.
Ngoài ra, những kiến thức liên quan đến ấm lên toàn cầu, biến đổi khí hậu,… cũng xuất hiện rất ít (trong chủ đề Bảo vệ môi trường môn Sinh học 9 và bài Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường môn Giáo Dục Công Dân 11). Không chỉ có thế, các kiến thức về các hiện tượng như bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, động đất… hầu như ít hoặc không được dạy một cách cụ thể trong chương trình mà chỉ giới thiệu sơ lược.
Trong khi đó, thời đại hiện nay, biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, xuất hiện dồn dập hơn. Tôi mới chợt nhớ ngày xưa tôi đi học, các thuật ngữ El Nino, La Nina, cùng các hiện tượng thiên tai, cũng chỉ được nhắc đến sơ qua và mang tính chất giới thiệu, học thuộc rồi lên trả bài cho thầy cô.
Bây giờ, vừa là giáo viên, lại là người trưởng thành, sống trong thời đại này, tôi mới thấy chúng thực sự cần thiết như thế nào. Đơn giản, khi khí hậu ngày càng biến đổi, thiên tai ngày càng xuất hiện nhiều, nắng nóng lịch sử và kéo dài, rồi mùa đông nhiều năm ấm bất thường, thì việc tìm hiểu về các thuật ngữ khí tượng lại vô cùng cần cho mỗi chúng ta.
Trong khi con trẻ chúng ta, với sự xuất hiện và bùng nổ của các thiết bị điện tử, chúng hầu như chỉ lao vào chơi game, ít chịu tìm hiểu, tìm tòi, mở rộng hiểu biết. Trong nhà trường, giống như kỹ năng sống, kỹ năng mềm, thì những buổi học, tuyên truyền về thiên tai và biến đổi khí hậu cũng chưa được chú trọng đúng mức. Hầu như các nhà trường chỉ chăm chăm vào thành tích, luyện bài khó, ôn thi như luyện gà nòi mà quên đi những gì thật sự cần thiết với học sinh.
Tất nhiên, vẫn có những em cấp 2, cấp 3 ở nông thôn hoặc ven biển, vẫn được học cách chạy bão, chạy lũ, chằng chống nhà cửa phụ giúp gia đình, cũng như nhận biết những dấu hiệu thiên tai, nhưng hầu như là do cha mẹ các em truyền lại kinh nghiệm, chứ ít được học trên trường trên lớp.
Còn phần đông học sinh khác cùng lứa tuổi thì lại chưa hề có những kỹ năng này. Trước đây, khi thông tin chưa phổ cập, thì các khái niệm như El Nino và La Nina hầu như chỉ có những người làm trong ngành khí tượng – thủy văn và một bộ phận cán bộ công chức nhà nước được biết.
Ngày nay, với sự bùng nổ của Internet và viễn thông, khái niệm El Nino, La Nina, biến đổi khí hậu dần trở nên phổ thông hơn. Đặc biệt sau kỳ El Nino mạnh và kéo dài nhất lịch sử 2015-2016, với việc hai năm 2015, 2016 liên tiếp được ghi nhận nóng nhất trong lịch sử, cùng đợt hạn mặn chưa từng có ở Đồng bằng Sông Cửu Long, thuật ngữ El Nino, La Nina và biến đổi khí hậu mới được nhiều người dân biết đến.
Và có lẽ vì vậy mà cuối năm 2016, trong một gameshow, khi một cô gái trả lời “không biết El Nino là gì” ngay trong câu hỏi đầu tiên, cộng đồng mạng xã hội đã “ném đá” gay gắt. Qua đây có thể thấy rõ, việc dạy học những kiến thức về biến đổi khí hậu, El Nino, La Nina, cùng những kỹ năng sinh tồn như bơi lội, phòng chống thiên tai,… cũng quan trọng không kém các kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học, kiến thức lịch sử, địa lý, văn hoá và văn học dân tộc.
Nhưng tất cả những điều trên lại chưa được chú trọng đúng mức, dạy hoặc tuyên truyền qua loa hoặc không dạy. Chúng ta lại đi dạy cho học sinh quá nhiều bài khó, những kiến thức vật lý, hoá học quá cao siêu như giải mạch RLC, rồi tích phân hàm ẩn nọ kia, vật lý hạt nhân, hỗn hợp este nọ este kia hoặc bắt các em ghi nhớ quá nhiều con số, sự kiện, phân tích thơ văn như một cái máy, phải đúng ý người chấm…
Chúng ta quên đi việc dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản để cho các em sau này ra cuộc sống áp dụng. Công nghệ ngày càng phát triển, xã hội cần phải giao lưu, khí hậu thì ngày càng thất thường, biến đổi theo hướng tiêu cực,… và cái cần chính là việc con em chúng ta sau này thích nghi với nó.
Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ đề cập tới việc dạy học về biến đổi khí hậu, ấm lên toàn cầu, El Nino, La Nina, cùng các hiện tượng thiên tai khác và kỹ năng sinh tồn, phòng chống thiên tai trong nhà trường; vì những vấn đề về kỹ năng sống, ngoại ngữ đã được đề cập và bàn luận nhiều rồi.
Thiết nghĩ cần thiết phải đưa biến đổi khí hậu, El Nino, La Nina và các hiện tượng thiên tai cùng kỹ năng sinh tồn và phòng chống thiên tai vào dạy học trong nhà trường vì những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, thiên tai, khí hậu ngày càng diễn biến thất thường. Chúng ta đều biết thập niên 2010-2019 được xem là một trong những thập niên nóng nhất lịch sử, trong đó năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử do tác động kép của El Nino mạnh và biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, các năm 2014, 2015, 2019, 2020 là những năm ghi nhận những đợt nắng nóng kéo dài và kỷ lục trên cả nước; năm 2016 thì rét kỷ lục ở miền Bắc. Vài năm qua, những mùa đông ở miền Bắc đều được xem là “mùa đông ấm”, rét đậm rất ít hoặc chỉ như thoảng qua (như năm 2016-2017). Không chỉ có thế, bão ngày càng mạnh và diễn biến thất thường, không theo quy luật, có xu hướng đi vào phía Nam vốn là nơi ít bị tác động của bão.
Ví dụ như cơn bão Damrey năm 2017 mạnh cấp 12 gây thiệt hại 23.000 tỷ đồng cho các tỉnh Nam Trung Bộ. Hay năm 1997 là cơn bão Linda vào Cà Mau làm chết hơn 3.000 người ở Nam Bộ. Mà theo kịch bản biến đổi khí hậu, bão có xu hướng di chuyển về hai khu vực này nhiều hơn.
Ngoài bão thì những trận lũ lụt kinh hoàng ở miền Trung năm 1999, 2010, 2011, 2016, 2017 vẫn còn đó, để lại bao đau thương, mất mát cho người dân; còn đồng bằng sông Cửu Long thì mất trắng “mùa nước nổi”. Mà theo kịch bản biến đổi khí hậu thì những thiên tai trên có xu hướng xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có nhiều nghiên cứu cảnh báo là Đồng bằng Sông Cửu Long và nhiều vùng trũng ven biển còn có thể bị xoá sổ bởi nước biển dâng.
Đó là chưa kể những đợt hạn, mặn kéo dài, cả tháng không có lấy một giọt mưa ở Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Không chỉ có Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đương đầu với bài toán biến đổi khí hậu, ấm lên toàn cầu, chẳng hạn như Australia hay châu Âu, chính vì vậy nên các nước trên thế giới mới phải ký thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Các dẫn chứng ở trên cho thấy, thiên tai, khí hậu ngày càng diễn biến thất thường, khó lường và tiêu cực ngay trước mắt chúng ta.
Thứ hai, biết về thiên tai, khí hậu cùng các kỹ năng sinh tồn liên quan gắn chặt với thực tế, với kỹ năng sống. Thực tế mà nói, như ý ở trên, thì thiên tai, khí hậu ngày càng diễn biến thất thường. Và điều này chắc chắn sẽ tác động lớn đến kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn.
Nhiều học sinh cấp 2, cấp 3, tuổi của các em đã phải biết giúp đỡ bố mẹ, khi mưa bão phải chạy lúa, chạy hoa màu, con trai khỏe khoắn thì lên cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, tích trữ lương thực….
Rồi nước lũ lên ngập nóc nhà, chúng ta còn phải học chèo thuyền, cũng như là cả kỹ năng bơi lội để có thể còn đường sống sót. Có nhiều tấm gương cứu người trong lũ lụt chắc chúng ta cũng đã biết. Khi hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn, chúng ta phải đi tích trữ nước ngọt, vừa tiết kiệm, vừa sinh hoạt, vừa tưới tiêu.
Chưa kể, những điều đó còn gián tiếp liên quan đến cả công việc nấu nướng, đảm bảo vệ sinh, cũng như chính việc mưu sinh của gia đình… Nhưng thử hỏi xem đã bao nhiêu học sinh cấp 2, cấp 3, nhất là ở thành phố, có thể làm được những việc trên, hay lại vẫn cứ ỷ lại vào bố mẹ; và có bao nhiêu em đã biết bơi?
Khi người dân phải chịu những thiệt hại từ thiên tai, với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chúng ta lại hướng tấm lòng để ủng hộ đồng bào gặp khó khăn, tuy có thể của ít lòng nhiều, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Khi trời giá rét, chúng ta lại sum họp gia đình, ngồi bên nhau quây quần, trong bữa cơm nóng hổi và tạo ra bầu không khí ấm áp xua tan đi cái lạnh lẽo. Và những chiều hè nóng bức, chúng ta có nhu cầu làm mát, lại ra sông, ra hồ bơi để giải toả cái nóng, và kỹ năng bơi lội lại trở nên cần thiết. Ở nhiều vùng quê, chiều hè là những buổi vui chơi, cùng nhau thả diều, nô đùa, đó chính là bài học về đoàn kết. Đó chẳng phải là những bài học về đạo đức, về kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn hay sao?
Thiết nghĩ, biết một chút về thiên tai, về khí hậu, thời tiết và các kỹ năng sinh tồn liên quan là rất cần thiết, vì nó gắn chặt với thực tế, với chính kỹ năng sống.
Thứ ba, ý thức chủ quan, tư tưởng lệch lạc của một bộ phận dân cư trong việc tìm hiểu về thiên tai cũng như phòng chống thiên tai. Điều này bắt gặp rất nhiều ở học sinh, sinh viên thành thị, tư tưởng các em muốn nghỉ học để chơi, để xả một, hai hôm.
Lý do “bão to nguy hiểm” hay “trời rét quá” cốt yếu chỉ là cái bình phong cho ham muốn của các em, học thì ít mà chơi thì nhiều, chưa hiểu đúng những tác hại của thiên tai gây ra đối với bản thân họ. Đó là chưa kể trước đây có trường hợp nhóm học sinh vì hiếu kỳ nên đã ra bờ kè biển xem sóng đánh, bão vào và thiệt mạng. Thậm chí đến nhiều người dân còn rất chủ quan khi bão, lũ ập đến, không chịu di dời tài sản, cố gắng đánh bắt, nuôi trồng trên các chòi canh bất chấp lệnh cấm biển của chính quyền.
Ngay cả việc đi sơ tán để đảm bảo an toàn cho tính mạng của họ cũng có một bộ phận người dân không chịu chấp hành, phải cưỡng chế. Nhận thức của họ có lẽ còn chưa thật tường tận về những tác hại khôn lường mà thiên tai mang đến. Còn một bộ phận dân cư khác ở phía Nam, do ít bị tác động của bão, nên khi bão đến và chính quyền đã cố gắng tuyên truyền, nhưng họ vẫn bình chân như vại, không làm gì để phòng bị thiên tai, với tư tưởng “vùng này ít bão” nên bão nó không tới đâu.
Hậu quả thì ai cũng biết, bài học Linda 1997, Durian 2006 vẫn còn đó, nóng hổi. Mà kịch bản biến đổi khí hậu thì như đã nói ở trên, bão thì ngày càng có xu hướng đi vào phía Nam. Nhìn chung, nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân, từ học sinh đến người lớn tuổi, về thiên tai, về khí hậu và thời tiết chính là nguyên nhân dẫn tới ý thức chủ quan của họ.
Ba luận điểm trên đã chứng minh cho kiến nghị: cần thiết phải đưa biến đổi khí hậu, El Nino, La Nina và các hiện tượng thiên tai cùng kỹ năng sinh tồn và phòng chống thiên tai vào dạy học trong nhà trường.
Vậy cần phải làm gì để thực hiện điều này? Sách giáo khoa của chúng ta vốn đã nặng về kiến thức hàn lâm, ít thực tế, như tích phân, dao động điều hoà,… nhiều bảng biểu con số bắt buộc phải nhớ; chúng quá nặng so với khả năng nhận thức của học sinh, trong khi nhiều kiến thức thực tế cơ bản chúng ta lại không đưa vào, dẫn đến chương trình học quá nặng mà các em lại thành những con gà công nghiệp.
Giảm tải chương trình, đưa kiến thức không cần thiết ra và đưa các kiến thức về biến đổi khí hậu, El Nino, La Nina, các hiện tượng thiên tai cùng kỹ năng sinh tồn và phòng chống thiên tai vào chương trình giảng dạy cho học sinh ở mức cơ bản, không đào sâu, không dạy quá khó.
Tích hợp liên môn, liên chủ đề trong các môn học Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Thể dục vì vấn đề biến đổi khí hậu, El Nino, La Nina và thiên tai nhiều nội dung liên quan.
Các nhà trường nên tổ chức các buổi tuyên truyền về thiên tai, dã ngoại, diễn tập thực tế về phòng chống thiên tai, tuỳ theo điều kiện của nhà trường. Bên cạnh đó không thể thiếu là việc dạy học cho các em về kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng bơi lội, kỹ năng
Khuyến khích tổ chức, phát động các cuộc thi tìm hiểu, vẽ tranh, viết thư… với chủ đề thiên tai. Các nhà biên soạn sách giáo khoa mới cần dành thời lượng, dung lượng đúng mức để giới thiệu những kiến thức trên. Tất nhiên, sẽ có những ý kiến phản đối, với những luận điểm như: chương trình học đã quá nặng, kiến thức về khí hậu trừu tượng, khó nhớ, không cần thiết với học sinh, có nhiều kiến thức khác quan trọng hơn…
Trong các cuộc tranh biện, hẳn sẽ có những lập luận, dẫn chứng cho các luận điểm trên. Nhưng dưới góc nhìn ủng hộ, tôi cho rằng, cần thiết phải dạy học về biến đổi khí hậu, El Nino, La Nina, thiên tai và khí hậu trong nhà trường vì chúng gắn chặt với thực tế, quan trọng không kém các kỹ năng sống, kỹ năng mềm, giao tiếp và ngoại ngữ. Vì biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu là một xu thế tất yếu của nhân loại cùng với cuộc cách mạng 4.0 và việc hội nhập toàn cầu.
Nguồn: Vĩnh Lê – Báo vnexpress