Trang chủ Tin tức & Sự kiện Mỹ: Biến đổi khí hậu thành tâm điểm tranh cử

Mỹ: Biến đổi khí hậu thành tâm điểm tranh cử

0
7
Trong bối cảnh cháy rừng đang hoành hành ở Bờ Tây nước Mỹ, một cuộc tranh cãi mới về vai trò của biến đổi khí hậu đã nổ ra trước khi Tổng thống Donald Trump đến thăm bang California trong ngày 14-9.
Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp về cháy rừng với các quan chức California ngày 14.9

 ///  Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp về cháy rừng với các quan chức California ngày 14.9 (ẢNH: REUTERS)
Các bang California, Oregon, Washington đang chứng kiến những trận cháy rừng lịch sử lan nhanh và rộng hơn bao giờ hết, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, nhiều nhà cửa bị thiêu rụi và hàng chục ngàn người sơ tán. Thống đốc 3 bang này, đều là người của Đảng Dân chủ, cho rằng cháy rừng là hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cho rằng một phần nguyên nhân của thảm họa nói trên đến từ tình trạng quản lý rừng kém.

Chịu thiệt hại nặng nhất là bang California với 24 người thiệt mạng. Thống đốc Gavin Newsom cho biết địa phương này vừa trải qua tháng 8 nóng nhất từng được ghi nhận. Trong khi đó, bang Oregon có ít nhất 10 người thiệt mạng trong lúc nhiều người còn mất tích. Giới chức địa phương cảnh báo số người thiệt mạng có thể còn tăng lên khi hoạt động tìm kiếm đang diễn ra.

Mỹ: Biến đổi khí hậu thành tâm điểm tranh cử

Trực thăng tham gia nỗ lực dập tắt đám cháy ở TP Arcadia, bang California – Mỹ hôm 13-9 Ảnh: REUTERS

Thống đốc bang Oregon Kate Brown hôm 13-9 cho biết hỏa hoạn đã nuốt chửng hơn 404.000 ha trong tuần rồi (so với con số thông thường là 202.000 ha mỗi năm). Bà cũng chỉ ra tác hại của nạn hạn hán kéo dài và tình trạng thời tiết biến đổi thất thường tại bang này gần đây. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh rằng tất cả chúng ta phải nỗ lực hết sức để đối phó biến đổi khí hậu” – bà Brown trả lời phỏng vấn đài CBS.

Trước tình trạng này, Tổng thống Trump ngày 14.9 đã có chuyến thăm California và được các quan chức thông tin về tình hình cháy rừng. Khi đó, Trưởng cơ quan về tài nguyên thiên nhiên California Wade Crowfoot đề nghị Tổng thống Trump “công nhận tác động của biến đổi khí hậu đối với các khu rừng của chúng ta”. Ông Trump đáp lại: “Thời tiết sẽ hạ nhiệt. Mọi người cứ quan sát”. Ông Crowfoot nói lại một cách lịch sự: “Tôi ước gì khoa học đồng ý với Tổng thống Trump”, nhưng chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục nói: “Tôi không nghĩ khoa học thật sự biết”.

Ngoài ra, khi một phóng viên hỏi liệu có phải biến đổi khí hậu là yếu tố đứng sau các đám cháy rừng hay không, ông Trump trả lời: “Tôi nghĩ tình trạng này liên quan đến quản lý nhiều hơn”. Thống đốc bang California Gavin Newsom (thuộc đảng Dân chủ) thừa nhận cần phải quản lý tốt hơn các khu rừng để giảm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, nhưng cho rằng các đám cháy rừng xuất hiện chủ yếu là do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Cũng trong ngày 14.9, khi phát biểu tại quê nhà, TP.Wilmington (bang Delaware), ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nhấn mạnh cháy rừng có liên quan tình trạng biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Ông Biden cũng đã tung ra kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh để tạo ra việc làm và kích thích phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19.
“Nếu chúng ta chịu đựng thêm 4 năm phủ nhận biến đổi khí hậu của ông Trump thì sẽ có bao nhiêu khu ngoại ô sẽ bị thiêu rụi trong các đám cháy, bao nhiêu khu vực lân cận ngoại ô bị ngập, bao nhiêu vùng ngoại ô bị thổi bay trong các trận siêu bão?”, ông Biden đặt câu hỏi và cảnh báo: “Nếu quý vị cho một người phá hoại khí hậu ở trong Nhà Trắng thêm 4 năm nữa, thì đừng ngạc nhiên nếu lại có thêm nhiều vùng ở Mỹ bùng cháy, trong khi thêm nhiều vùng khác lại ngập nước”.
Phản ứng như trên của hai ứng viên Biden và Trump cho thấy tầm quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3.11 tới trong việc xác định khuynh hướng hành động về biến đổi khí hậu trên toàn cầu trong vài năm tới. Nếu ông Biden thắng cử, Mỹ sẽ cam kết lại các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, rất có khả năng sẽ khuyến khích phần còn lại của thế giới gia tăng hành động. Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, ông sẽ tiếp tục bỏ các tiêu chuẩn về môi trường, thúc đẩy phát triển năng lượng hóa thạch và hỗ trợ ngành năng lượng này cạnh tranh với năng lượng sạch, theo tờ The Guardian.

Nguồn: Tin tổng hợp từ Báo Thanh niên và  Báo Người lao động