Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

0
75
Kể từ ngày 4/11 (giờ địa phương), Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris – một thỏa thuận không mang tính ràng buộc giữa 190 quốc gia nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế biến đổi khí hậu.
Theo Đài Phát thanh công cộng Mỹ (NPR), chính quyền của Tổng thống Trump đã bắt đầu quá trình chính thức rút khỏi Hiệp định từ năm ngoái bằng cách nộp các thủ tục giấy tờ cần thiết cho Liên Hợp Quốc. Sau thời gian chờ đợi bắt buộc kéo dài một năm, các thủ tục đã được hoàn tất.
Đang ‘bấn loạn’ với kết quả bầu cử Mỹ 2020, nước Mỹ thêm nóng câu chuyện rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Biểu tình tại Washington phản đối việc nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Nguồn: Reuters)
Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ để lại khoảng trống trong cơ chế hợp tác cũng như những nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu và tham vọng của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, thời gian Mỹ nằm ngoài Hiệp định Paris phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi đối thủ của đương kim Tổng thống Trump là ông Joe Biden cam kết sẽ đưa nước Mỹ quay lại Hiệp định này nếu trúng cử.
Dù đã rút khỏi Hiệp định Paris, Mỹ vẫn là một thành viên của UNFCCC. Bà Patricia Espinosa cho biết cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ nếu Mỹ nỗ lực quay trở lại.
Mỹ hiện là quốc gia duy nhất rút khỏi thỏa thuận này sau khi đã thông qua nó. Ngoài ra, còn có một số nước như Angola, Eritrea, Iran, Iraq, Nam Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen đã ký Hiệp định nhưng chưa bao giờ chính thức thông qua. Sau sự rút lui của Mỹ, hiện còn 189 nước đã ký và thông qua Hiệp định.
Tiến sĩ George Benjamin, Giám đốc điều hành Hiệp hội Y tế công cộng Mỹ cho biết: “Mỹ là nước phát thải nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Chúng ta đều biết tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe và môi trường và việc phủ nhận thực tế đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Hiệp định này, các nước tham gia không bắt buộc phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu cụ thể nào. Thay vào đó, họ tự nguyện cam kết giảm lượng khí thải, đặt ra mục tiêu của nước mình và thực hiện các chính sách riêng. Sau khi ký thỏa thuận lần đầu vào năm 2016, chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã cam kết giảm lượng khí thải từ 26-28% vào năm 2025.
Theo The Times, khi Mỹ rút khỏi Hiệp định, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều đặt mục tiêu đạt được mức phát thải bằng 0 trong vòng 3 đến 4 thập kỷ tới.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi khiến nước biển dâng cao.
Nguồn: Vũ Phong (theo Live Science) – Báo Chính phủ