Tăng cường sử dụng năng lượng “sạch” để ứng phó với BĐKH

0
21
TP.HCM đã và đang triển khai nhiều kế hoạch hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 23-11, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Tổng kết kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017–2020 và định hướng giai đoạn 2021–2030”.

Kéo giảm tỷ lệ thất thu nước sạch

Đại diện văn phòng biến đổi khí hậu (Sở TN&MT TP.HCM), đã báo cáo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030, cụ thể:

Trong lĩnh vực công nghiệp, TP thực hiện công tác kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng ở doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng trên 6 triệu kWh/năm. Ngoài ra, TP còn tổ chức các hội thảo, tập huấn và tuyên truyền cho các cơ sở công nghiệp về các quy định và thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả,…

Trong lĩnh vực quản lý chất thải, TP đã ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đầu tư phát triển hạ tầng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ. Ngoài ra, TP còn triển khai các dự án xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng và tài chế tài nguyên, tái chế để xử lý chuyển đổi rác thải thành năng lượng, phân bón compost và nhựa.

Trong lĩnh vực quản lý nước, TP phối hợp nghiên cứu, khai thác nước thô từ hồ Dầu Tiếng và Trị An cho những nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn để phục vụ người dân trong điều kiện BĐKH. Bên cạnh đó, TP còn tăng cường công tác quản lý sử dụng hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực quản lý nước. Ngoài ra, TP còn triển khai lắp đặt thử nghiệm năm loại đồng hồ nước thông minh. Nhờ đó đã kéo giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch của TP còn 23,44%.

TP.HCM tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch thay cho nhiên liệu truyền thống. Ảnh: CN

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, TP.HCM đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu và phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng mới (năng lượng tái tạo và các năng lượng sạch hơn so với nhiên liệu truyền thống), tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích việc sử dụng các phương tiện chạy bằng điện hoặc các nhiên liệu mới, đầu tư và phát triển các trạm nạp khí CNG. Ngoài ra, TP cũng đã đầu tư nhiều dự án kiểm soát triều cường gồm các cống, đê bao, nạo vét trục thoát nước.

Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng phó BĐKH của TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo văn phòng biến đổi khí hậu (Sở TN&MT TP.HCM), liên quan đến vấn đề kinh phí thực hiện vẫn còn gặp hạn chế. Cụ thể là thời gian triển khai kinh phí phải nằm trong năm tài chính trong khi công tác quản lý liên sở đòi hỏi phải có thời gian để trao đổi thống nhất giữ các bên liên quan nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách hạn chế và phải ưu tiên cho các lĩnh vực cấp bách khác. Đồng thời, khả năng huy động nguồn lực xã hội dành cho BĐKH còn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, mặc dù những thành quả đạt được trong hoạt động ứng phó BĐKH của TP.HCM vẫn còn hạn chế nhưng TP cũng đã có những thành quả nhất định, đặc biệt giữa TP. Hà Nội và TP.HCM vẫn luôn hợp tác rất chặt chẽ trong việc triển khai kế hoạch hành động quốc gia. Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần chung tay đóng góp ý tưởng, kinh phí để tìm ra hướng tiếp cận hiệu quả hơn trong ứng phó với BĐKH và thực hiện tăng trưởng xanh cho TP.

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TP. Trong kế hoạch, TP.HCM đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2020 với 17 chương trình, dự án do 12 Sở, ban, ngành chủ trì. Giai đoạn từ 2021-2030 với 39 chương trình, dự án do 15 Sở, ban, ngành chủ trì.

Theo kế hoạch này, TP.HCM sẽ thực hiện ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu và chuẩn bị nguồn lực.

 

Nguồn: CHÂU NGUYÊN – Báo Pháp luật