Biến đổi khí hậu khó lường: Đâu là giải pháp?

0
35
Theo các chuyên gia, để thích ứng với biến đổi khí hậu, cần dự báo được các xu thế để giảm thiểu rủi ro, đồng thời có phương án sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả.

Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự kiến

Theo Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam những năm qua diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm tại Việt Nam đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển cũng thay đổi theo hướng bất lợi qua từng năm.
Riêng năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hơn 527.000 hec ta lúa bị thiệt hại, trong đó 44% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Đối với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu khó lường: Đâu là giải pháp?

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp và cực đoan trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm qua đã gây thiệt hại kinh tế lên tới gần 3.000 tỉ USD. Bão và lũ lụt chiếm tới 72% các thảm họa thiên nhiên lớn và số lượng các trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua.
Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp và cực đoan trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở kể cả những nơi đã được thiết lập doanh trại quân đội tồn tại ổn định hàng chục năm qua.
Tại khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu,… nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm.
Tác động rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy trên hầu hết các sông, suối, làm cho nhiều sông, suối bị suy giảm dòng chảy nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục và gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Việt Nam, mùa bão năm 2020 được dự báo sẽ dồn dập vào cuối năm và có tính chất phức tạp do tác động của hình thái La Nina.
Biến đổi khí hậu khó lường: Đâu là giải pháp?

Miền Trung nước ta thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm, điển hình là những cơn bão, lũ tới dồn dập trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa

Chủ động nắm bắt xu thế biến đổi khí hậu

Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới cho rằng, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng trong xây dựng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nghị cho rằng, về lâu về dài, chúng ta phải thích ứng với biến đổi khí hậu, dự báo được các xu thế như nhiệt độ tăng, mùa khô dài hơn, mùa mưa ngắn lại và cường độ mưa tăng lên mình phải biết được xu thế của nó; cần kết hợp kiến thức bản địa với kỹ thuật tiên tiến để giúp đời sống người dân ngày càng thuận lợi hơn và giảm thiểu được những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt, cần kết hợp với các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên hiện có.
Một giải pháp quan trọng là cần chủ động điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, các địa phương cho phù hợp với yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn cụ thể, như xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thời tiết, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành các công trình thủy lợi và phòng, chống lụt bão.
Cơ quan từ trung ương đến các địa phương cần rà soát gắn chặt nhiệm vụ phòng tránh thiên tai vào quy hoạch chung của các ngành và quy hoạch tổng thể. Đẩy mạnh, kiện toàn nâng cao chất lượng công tác dự báo và cảnh báo về thời tiết, chủ động di dời dân đến vùng an toàn trước thiên tai.
Để chủ động phòng tránh thiên tai một cách hiệu quả, Nhà nước và các ngành, các chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thống nhất dựa trên cơ sở tầm nhìn chung để quản lý thiên tai hiệu quả, sử dụng tài nguyên khôn ngoan, ứng phó với biến đổi khí hậu – nước biển dâng một cách mềm dẻo, vì một nền kinh tế ổn định và thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững.
Nguồn: Dương Lâm – Báo Công Luận