Biến đổi khí hậu tác động đến an ninh và hòa bình thế giới

0
19
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 23/2 tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh thế giới. Hội nghị diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ chính thức quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Phiên họp do Thủ tướng Anh Boris Johnson – nước chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ trì, với sự tham dự của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ireland, Na Uy và lãnh đạo các nước khác. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry cũng tham dự hội nghị.

 

Không phải là một vấn đề truyền thống được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Anh – quốc gia chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng này cho rằng, nhiệt độ toàn cầu tăng lên có thể dẫn đến chiến tranh hay tình trạng di cư hàng loạt, tác động lớn đến hòa bình và an ninh thế giới. Biến đổi khí hậu cũng có thể gây ra bất ổn chính trị ở một quốc gia, khi thiên tai xảy ra ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tàn phá mùa màng…dẫn đến tranh giành tài nguyên thiên nhiên.

Về ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Anh Barbara Woodward nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh vào các mối đe dọa mà biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các cuộc xung đột, hòa bình và an ninh, xem xét cách mà hạn hán có thể dẫn đến nạn đói hay lụt lội có thể dẫn đến di cư hàng loạt. Tất cả những điều này có thể dễ dàng dẫn đến xung đột. Chúng ta cần tìm hiểu sự liên kết và xem xét các biện pháp phòng ngừa đối với hòa bình và an ninh thế giới”.

Ngoài ra, Hội nghị cũng nhằm đánh giá về cam kết của các quốc gia phát triển hỗ trợ tài chính cho những nước kém phát triển, đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Hiện có nhiều lo ngại về nguy cơ không đạt được cam kết cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho các quốc gia kém phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Dữ liệu mới nhất cho thấy số quỹ đạt được trong năm 2018 là 78,9 tỷ USD, giảm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Phần lớn nguồn tài chính hiện có cũng dành cho hoạt động giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay vì giúp các quốc gia dễ bị tổn thương thích ứng với những tác động  của biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gueteres cũng khẳng định sự cần thiết phải thực hiện các cam kết này: “Các nước phát triển phải thực hiện cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển. Chúng ta chưa thực hiện được điều này. Mục tiêu chung của chúng ta là phải vượt qua mức con số này và mở rộng quy mô tài chính cho giai đoạn sau đó. Chúng ta cần bước đột phá về hỗ trợ khả năng thích ứng và phục hồi cho các quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt cấp bách đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển, vốn đang đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu”.

Biến đổi khí hậu là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều giữa 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Năm ngoái, Đức soạn thảo một nghị quyết kêu gọi chỉ định một đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu.Tuy nhiên văn bản không được đưa ra bỏ phiếu vì nhiều khả năng vấp phải lá phiếu phủ quyết của Mỹ, Nga hay Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga trước đây thường bác bỏ vấn đề biến đổi khí hậu, vì cho rằng không liên quan đến chương trình nghị sự của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Hội nghị năm nay diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ chính thức quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, với chính quyền của Tổng thống Joe Biden cam kết ưu tiên chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trung Quốc cũng được đánh giá có cách tiếp cận thay đổi và cởi mở hơn trong việc thảo luận những vấn đề này, mang lại những hy vọng mới về sự đoàn kết của thế giới trong vấn đề còn nhiều chia rẽ này. Nhiều nhà ngoại giao còn cho rằng hội nghị lần này sẽ là phép thử quan hệ Mỹ- Trung, vì đây có thể là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà hai bên có thể cùng nhau hợp tác./.