Mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris là quá xa vời?

0
9
Để đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, thế giới cần giảm phát thải thêm khoảng 45% so với các mục tiêu giảm phát thải đang đặt ra hiện nay và để đạt mục tiêu 2 độ C, cần giảm thêm 25%.
Mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris là quá xa vời?
Ảnh minh họa

Mới đây, cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) đã công bố báo cáo đánh giá về 48 bản kế hoạch giảm phát thải quốc gia, được các nước đệ trình hồi cuối năm 2020. Các bản kế hoạch này đến từ 75 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Kết quả đánh giá không mấy sáng sủa khi tác động tổng thể của những nỗ lực này chỉ dừng ở mức tới năm 2030, giảm được 1% phát thải so với hồi năm 2010.
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu cảnh báo rằng, để đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, cần giảm phát thải thêm khoảng 45% so với các mục tiêu giảm phát thải đang đặt ra hiện nay và để đạt mục tiêu 2 độ C, cần giảm thêm 25%.
Các phân tích từ Tổ chức Climate Action Tracker chỉ ra rằng trong số các nền kinh tế lớn đã đệ trình các mục tiêu mới, chỉ có Anh, các nước trong khối EU, Argentina, Chile, Na Uy, Kenya và Ukraine thay đổi mục tiêu. Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, New Zealand, Thụy Sĩ, Australia đều trình lại các mục tiêu kế hoạch mà họ đã không hoàn thành được từ năm 2015. Kế hoạch khí hậu của Brazil không có bất kỳ mục tiêu nào hướng tới cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 hay ngăn chặn tỷ lệ phá rừng đang ngày càng gia tăng. Mỹ và Trung Quốc- hai nước đóng góp tổng cộng 30% lượng khí nhà kính của toàn cầu- được kỳ vọng sẽ có những các kế hoạch cứng rắn hơn.
Trong khi giảm được 0,1% lượng khí thải CO2 từ việc sản xuất năng lượng vào năm 2019, các nước G20 lại chưa giải quyết được vấn đề khí hậu. Cuối năm ngoái, một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Khí hậu tiết lộ, khối các nước này phát thải khoảng 75% lượng khí thải toàn cầu và đã trích khoảng 30% quỹ phòng chống COVID-19 để đầu tư vào các lĩnh vực xanh, nhưng các nước như Nga, Mexico và Saudi Arabia đã đứng ngoài và không có chính sách hỗ trợ năng lượng sạch.

Biến đổi khí hậu, băng tan “gây khó” cho động vật có vú

Trong một bài báo được đăng trên tạp chí Journal of Experimental Biology, gấu Bắc Cực và kỳ lân biển đang phải sử dụng năng lượng nhiều gấp 4 lần bình thường để tồn tại do băng tan ở Bắc Cực.
Các nhà nghiên cứu cho biết, một khi đã tiến hóa hoàn hảo cho cuộc sống vùng cực, những động vật săn mồi này gặp khó khăn khi môi trường sống của chúng bị thu hẹp và những biện pháp thích nghi độc đáo mà chúng sở hữu trở nên không còn phù hợp với một Bắc Cực ngày càng ít băng.
Tiến sĩ Terrie Williams, đồng tác giả của báo cáo từ khoa sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học California, Santa Cruz, cho biết: “Đối với những loài này, thế giới Bắc Cực bây giờ khó dự đoán hơn rất nhiều so với trước đây. Với một lượng oxy hữu hạn trong cơ và máu của chúng, kỳ lân biển điều chỉnh tốc độ, độ sâu và thời gian lặn của chúng để phù hợp với sức chịu đựng của mình. Dự đoán sai lầm có thể dẫn đến chết đuối”.
Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng, Bắc Cực hiện nay có nhiều vùng hoạt động công nghiệp hơn so với trước kia, xâm phạm vào lãnh thổ của kỳ lân biển. Cá voi sát thủ, một loài động vật ăn thịt khác, đã tham gia vào hệ sinh thái biển Bắc Cực và thường tấn công và giết chết những con kỳ lân biển chậm chạp.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự suy giảm của quần thể gấu Bắc Cực và kỳ lân biển có khả năng gây ảnh hưởng đến các loài động vật có vú sống khác, dẫn đến những thay đổi nhanh chóng trong toàn bộ hệ sinh thái biển Bắc Cực. Các loài động vật có vú như cá voi Beluga, cáo Bắc Cực cũng có khả năng dễ bị tổn thương trước những thay đổi tương tự.