Theo một khảo sát gần đây của UNDP, 64% người được hỏi từ Việt Nam cho rằng họ đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu, và 60% trong số họ đề xuất các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Trong đó, thanh niên là lực lượng mạnh mẽ, tác nhân thay đổi và lãnh đạo các phong trào cộng đồng về ứng phó BĐKH.
Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Thanh niên hành động vì khí hậu (còn gọi là Youth4Climate) do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng tổ chức ngày 25/2. Sự kiện đánh dấu khởi động Sáng kiến Youth4Climate ở Việt Nam.
Diễn đàn là một phần của Sáng kiến Youth4Climate trong khuôn khổ ‘Lời hứa Khí hậu’ của UNDP, một chương trình toàn cầu mà thông qua đó cam kết hỗ trợ 115 quốc gia trong việc tăng cường các Đóng góp do Quốc gia quyết định (NDC) vào năm 2020. Sáng kiến Youth4Climate nhằm tăng cường năng lực của những người đại diện thanh niên hiện nay và mạng lưới thúc đẩy các hành động về khí hậu tại các diễn đàn quốc gia và quốc tế, thông qua các nỗ lực nhất quán và có sự phối hợp cũng như tăng cường hợp tác với Chính phủ, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự trong các sáng kiến và chính sách về khí hậu trong tương lai ở Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn |
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm giảm phát thải, chung tay với thế giới ứng phó BĐKH với nhiều quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, tiếng nói của thanh niên chưa hoàn toàn đưa vào quá trình này.
Thanh niên chiếm 23% tổng dân số của Việt Nam và là lực lượng mạnh mẽ, tác nhân của sự thay đổi và có thể huy động gia đình, trường học, cộng động tham gia các phòng trào giải quyết thách thức BĐKH, giảm phát thải, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên iên quan trong ứng phó BĐKH. Họ cũng là những chủ thể quan trọng trong lộ trình vì một Việt Nam xanh, sạch hơn.
“Tuổi trẻ là nguồn sáng tạo và đổi mới đáng kinh ngạc, và có thể tạo ra những thay đổi đáng kể để đảo ngược tác động của khí hậu nếu họ được hỗ trợ và hướng dẫn bởi khoa học về biến đổi khí hậu. Bằng cách trao quyền cho thanh niên – nguồn động lực rất lớn mà chúng ta đang có, Việt Nam có thể mở ra những tiềm năng mới để thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC cho Việt Nam trong tương lai”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu NDC, cần sự quyết tâm, nỗ lực, chung tay đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế – xã hội mà trong đó, các đoàn viên, thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi hành động của các bạn đoàn viên thanh niên dù là nhỏ nhất đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực phát triển kinh tế các bon thấp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đưa ra những sáng kiến sáng tạo mới có thể thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên và tạo động lực cho thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu như một phần của nhận thức về bản thân và lối sống của họ”.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn |
Cũng tại diễn đàn này, các bạn trẻ đã trình bày những phát hiện chính của Báo cáo đặc biệt “Thanh niên hành động vì khí hậu ở Việt Nam”. Đây là báo cáo đầu tiên do 20 thanh niên xuất sắc tại Trại viết quốc gia tổ chức vào tháng 12 năm 2020. Các tác giả đã được lựa chọn dựa trên thành tích xuất sắc của họ trong ba cuộc tham vấn Youth4Climate tại 3 miền Bắc, Trung, Nam từ tháng 7 đến tháng 11/2020.
Bản báo cáo đặc biệt mô tả những trở ngại mà giới trẻ đã phải đối mặt trong việc thực hiện hành động vì khí hậu cũng như những động lực mà họ xác định để theo dõi nhanh những đóng góp của mình trong quá trình chuyển đổi sang một Việt Nam xanh hơn và các-bon thấp trong bốn chủ đề chính: Giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Giải pháp dựa vào thiên nhiên và Chính sách khí hậu.
Mai Hoàng, trưởng nhóm báo cáo chia sẻ: “Tôi hy vọng báo cáo sẽ được chia sẻ rộng rãi với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe. Hơn nữa, với các đề xuất cụ thể nhằm nâng cao năng lực của thanh niên trong việc lồng ghép các hành động đóng góp vào NDC, với sự hỗ trợ của toàn thể thanh niên cũng như Chính phủ và các tổ chức liên quan khác, tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công trong việc thực hiện Lộ trình Thanh niên hành động vì khí hậu”.