Biến đổi khí hậu có thể “kéo giãn” mùa hè đến 6 tháng

0
12
Tờ Science Daily cho biết theo một nghiên cứu khoa học mới, nếu con người không nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, dự báo mùa hè sẽ kéo dài gần sáu tháng vào năm 2100 ở Bắc bán cầu.

Theo các tác giả nghiên cứu, sự thay đổi này có thể sẽ có những tác động rất lớn đến nông nghiệp, sức khỏe con người và môi trường.

Từ những năm 1950, chu kỳ 4 mùa tại Bắc bán cầu luôn diễn ra khá đồng đều. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đã dẫn đến những thay đổi bất thường về độ dài từng mùa. Các chuyên gia nhận định điều này sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn trong tương lai.

Theo Nhà hải dương học Yuping Guan (tác giả chính của một nghiên cứu mới trên tạp chí Geophysical Research Letters): “Do tác động của biến đổi khí hậu, mùa hè đang dài và nóng hơn trong khi mùa đông trở nên ngắn và ấm hơn”.

Trong quá trình nghiên cứu, ông Guan cùng các cộng sự đã dựa vào dữ liệu từ năm 1952 đến năm 2011 để đo lường sự thay đổi về độ dài từng mùa tại Bắc bán cầu. Mùa hè sẽ được tính từ ngày có nhiệt độ cao hơn khoảng 25% so với các ngày còn lại. Ngược lại, mùa đông bắt đầu khi nhiệt độ giảm xuống thấp nhất 25%.

Dựa vào những mô hình biến đổi khí hậu được thiết lập sẵn, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra dự đoán về sự thay đổi các mùa trong tương lai. Trước đó, từ năm 1952 đến năm 2011, mùa hè tăng từ 78 đến 95 ngày, trong khi mùa đông giảm từ 76 xuống 73 ngày. Mùa xuân giảm từ 124 đến 115 ngày và mùa thu từ 87 xuống 82 ngày. Địa Trung Hải và Cao nguyên Tây Tạng là 2 khu vực trải qua những sự biến đổi lớn nhất về chu kỳ mùa.

Theo các nhà khoa học, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn mà không có bất cứ nỗ lực nào nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, vào năm 2100, mùa đông sẽ kéo dài ít hơn 2 tháng. Cùng với đó, độ dài của mùa xuân và mùa thu cũng rút ngắn lại.

Điều này sẽ gây ra hậu quả nặng nề với môi trường và sức khỏe con người. “Các loài chim đang thay đổi mô hình di cư của chúng, thực vật nảy mầm và phát triển trái mùa. Những thay đổi này sẽ làm mất sự cân bằng giữa động vật và nguồn thức ăn của chúng, từ đó phá vỡ hệ sinh thái” – ông Guan cảnh báo.

Chu kỳ mùa thay đổi cũng có những tác động nhất định đối với nông nghiệp. Ví dụ, nếu mùa xuân bắt đầu sớm trong khi mùa đông chưa kết thúc, bão tuyết sẽ xuất hiện và tàn phá sự sinh sôi nảy nở của các cây non.

Các nhà khoa học dự báo, hiện tượng các mùa thay đổi sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong tương lai, kèm theo đó là những hậu quả khủng khiếp. Do chu kỳ mùa bị đảo lộn, mùa hè dài và nóng sẽ làm nhiệt độ thường xuyên tăng cao, gây nguy cơ nắng nóng và cháy rừng diện rộng. Ngược lại, mùa đông bị rút ngắn và ấm hơn khiến nước dâng cao kèm theo các trận bão tuyết.

Tuy nhiên, đây chỉ là điểm khởi đầu trong quá trình nghiên cứu về những tác động của sự biến đổi mùa. Scott Sheridan (nhà nghiên cứu khí hậu tại Đại học Kent State – Mỹ) cho rằng: “Thật khó để cảm nhận nếu nhiệt độ tăng trung bình từ 2-5 độ C. Nhưng tôi tin rằng, việc đưa ra dự báo về tác động của sự thay đổi chu kỳ mùa sẽ giúp con người có nhận thức rõ ràng hơn về những hậu quả mà biến đổi khí hậu mang lại”.

Nguồn: Minh Anh – Báo Lao động (THEO SCIENCE DAILY)