COP26, cơ hội cuối cùng cứu Trái đất?

0
14
Đại sứ Anh tại Việt Nam GAETH WARD, khi trao đổi về Hội nghị về Công ước khung của Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26)sẽ diễn ra trong tháng 11 tại Glasgow (Anh) đã nhận định: “Chúng ta đang có cơ hội duy nhất trong một thế hệ để tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh hơn, tạo ra những việc làm thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng không khí, đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học”

Nhiều người đếm ngược đến sự kiện COP26, nơi bàn chính sách để cứu Trái đất – Ảnh: Getty

Ngày 2-10, tại phiên họp trù bị với đại diện nhiều nước ở Ý trước thềm Hội nghị COP26, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry bày tỏ lạc quan rằng hội nghị này có thể đạt được “tiến bộ to lớn” và “đây là thập niên mang tính quyết định”.

Đây là hội nghị quan trọng đặt ra các mục tiêu mang tính quyết định về tương lai lâu dài của thế giới trước những đe dọa của khí hậu và biến đổi khí hậu do con người gây ra.
* Nước Anh muốn đạt mục tiêu tham vọng như thế nào tại COP26 sắp tới?
– Với vai trò nước chủ nhà của COP26, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục thúc đẩy bốn mục tiêu chính: đảm bảo phát thải ròng toàn cầu bằng 0 vào giữa thế kỷ 21 và giữ nhiệt độ Trái đất tăng lên không quá 1,5°C; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống; huy động tài chính; hợp tác để mang lại thành công cho COP26 vì con người và hành tinh.
Thập niên 2020 là thời điểm quyết định để đưa thế giới đi đúng hướng, ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ. Do đó, chính phủ các nước phải đưa ra các quyết định lớn về chính sách cần thiết, bao gồm chấm dứt điện than, đẩy nhanh triển khai xe điện và giải quyết nạn phá rừng.
Chính phủ các nước phải huy động cả tài chính từ khối công và tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có phát thải ròng bằng 0 và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các nước phát triển cần cung cấp nguồn tài chính mới, công bố kế hoạch rõ ràng để thực hiện mục tiêu 100 tỉ USD từ nay đến năm 2025. Các nước đang phát triển nên tận dụng tối đa nguồn tài chính hiện có để hỗ trợ các hành động về khí hậu, đặc biệt là cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
* Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế, theo ông đã là “tham vọng” chưa?
– Với tiềm năng vô cùng lớn về năng lượng sạch cùng một nền kinh tế năng động và các đề xuất hỗ trợ tài chính sẵn có từ các đối tác quốc tế, tôi tin rằng Việt Nam có thể tiến xa hơn nhiều so với mức 9%.
Tôi đặc biệt vui sau khi nghe phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than” tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do tổng thống Mỹ chủ trì vào tháng 4 vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra những cam kết về phòng, chống biến đổi khí hậu trong chuyến thăm Hà Nội gần đây của Chủ tịch COP26 Alok Sharma và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Trước thềm COP26, Vương quốc Anh hy vọng Việt Nam sẽ công bố đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Anh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để hướng tới mục tiêu này.
*Anh có những hỗ trợ gì đối với Việt Nam để ứng phó kịp thời với vấn đề biến đổi khí hậu?
– Ngành năng lượng chiếm gần 70% tổng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam và đây là một mảng hợp tác trọng tâm mà Anh muốn hướng tới. Chúng tôi đang làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Hỗ trợ dài hạn của chúng tôi có ba mạch công việc chính, bao gồm: chuyển dịch khỏi than; thúc đẩy tài chính cho quá trình chuyển đổi; cải thiện lưới điện.
Với tiềm năng lớn về năng lượng sạch, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ thông qua Quy hoạch điện mới (Quy hoạch điện VIII) đầy tham vọng để tương xứng với tiềm năng này.
Các nước lớn phải hành động nhiều hơn

Tại hội nghị trù bị cho COP26 hôm 2-10 ở Ý, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry kêu gọi các nền kinh tế lớn trên thế giới phải hành động nhiều hơn nữa tại COP26 để cho thấy họ nghiêm túc muốn giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ông Kerry cho biết các quốc gia chiếm 55% GDP thế giới – trong đó có Anh, Canada, Nhật Bản, Mỹ và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu – đã trình các kế hoạch để đạt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5OC, bằng cách giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, ông Kerry cũng lưu ý dựa trên phân tích tổng cộng 191 cam kết được các nước đệ trình hiện nay trước thềm COP26, lượng khí thải sẽ tăng 16% từ nay đến năm 2030. Chỉ có 89 cam kết sẽ giúp giảm 12% lượng khí thải.

Nguồn: HỒNG VÂN – Báo Tuổi trẻ