Mỹ và Trung Quốc tranh đấu quyết liệt với nhau trong chống biến đổi khí hậu

0
15
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc mở rộng sang cả lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Hai bên xung khắc với nhau trong cách xử lý vấn đề này.

Mỹ công kích Trung Quốc về cách xử lý vấn đề môi trường

Những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Biden đã khiển trách Trung Quốc. Ông Biden nói rằng quyết định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ qua hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26, đang diễn ra vào đầu tháng 11/2021) là một “sai lầm lớn” bởi vì điều đó sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trung Quốc sau đó đã phản công lại sự chỉ trích này của Mỹ.

Các tranh cãi trên cho thấy ngay cả trong các vấn đề đòi hỏi hợp tác quốc tế như biến đổi khí hậu, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sôi sùng sục.

Các nhà lãnh đạo và các nhà đàm phán hàng đầu thế giới hiện đang tụ họp ở Glasgow, Scotland, nơi họ đưa ra các tuyên bố về khí hậu và thảo luận về các quy tắc thực hiện thỏa thuận toàn cầu Paris về khí hậu.

Tổng thống Biden dự hội nghị trong 2 ngày và gửi tới cả một phái đoàn đông đảo các bộ trưởng trong nội các của mình. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có một phái đoàn nhưng ông Tập Cận Bình quyết định không dự.

Tổng thống Biden mới đây nói đầy ám chỉ: “Sao Trung Quốc, trong khi muốn xác lập vai trò lãnh đạo thế giới, lại không xuất hiện? Điều quan trọng duy nhất thu hút sự chú ý của thế giới là khí hậu. Đó là vấn đề lớn và họ đã bỏ đi”.

Trung Quốc tuyên bố cần chú ý đến hành động thực chất

Trung Quốc liền phản kích. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, tuyên bố: “Hành động có sức nặng hơn lời nói”.

“Cái chúng ta cần để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu là hành động cụ thể thay vì những lời nói suông. Hành động của Trung Quốc trước biến đối khí hậu là có thật”.

Tuy nhiên, với việc có mặt trực tiếp tại hội nghị trên, Tổng thống Biden có lẽ đã để lại được một ấn tượng tích cực về cam kết của Mỹ đối với tình trạng biến đổi khí hậu, trong khi Chủ tịch Tập đã bỏ lỡ một cơ hội để tương tác trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, Tổng thống Biden cũng làm chủ tọa một phiên họp về sáng kiến Build Back Better World (tạm dịch là Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn) – một sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu do ông phát động cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác và được xem như một phiên bản thân thiện với khí hậu thay thế cho “Vành đai và Con đường” – sáng kiến của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Jennifer Turner – Giám đốc Diễn đàn Môi trường Trung Quốc của Trung tâm Wilson, cho hay, mặc dù ông Tập không có mặt tại đó, thì Trung Quốc “vẫn ngồi trong ghế của tài xế”.

Turner nhận định, “thế giới phải tương tác với Trung Quốc”. Theo bà này, Trung Quốc là quốc gia phát thải khí lớn nhất thế giới.

Bà Turner bổ sung thêm rằng đây cũng là cơ hội để chính quyền Biden “hồi sinh tất cả các mối quan hệ về năng lượng sạch” từng bị tổn thương dưới thời chính quyền Tổng thống Trump tiền nhiệm.

Morgan Bazilian – cựu đại diện của EU trong các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc, nhận định: “Ông Biden phải xuất hiện tại sự kiện COP năm nay để chứng tỏ rằng Mỹ đã quay trở lại bàn đàm phán”.

Vấn đề toàn cầu

Charles Kupchan – người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, cho rằng việc thiếu vắng cả Trung Quốc và Nga tại các hội nghị G-20 và COP26 có thể là một dấu hiệu cảnh báo.

Kupchan cho rằng, việc cả Nga và Trung Quốc đều không xuất hiện tại hội nghị G-20 và COP26 cho thấy quản trị toàn cầu đang có vấn đề và cần sự hợp tác vượt qua các chia rẽ về hệ tư tưởng, thế giới vẫn chưa đạt tới trình độ đó và việc có đạt được trình độ đó hay không vẫn là câu hỏi mở.

Giới chức Mỹ thường xuyên coi các hành động của Trung Quốc trong chống biến đổi khí hậu là chưa đầy đủ. Trung Quốc đặt mục tiêu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức cao nhất vào năm 2030 và hạ mức này xuống 0 vào năm 2060. Tại một cuộc họp trực tuyến của Nhà Trắng, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ giảm sử dụng than đá, bắt đầu từ năm 2026 và “hạn chế nghiêm ngặt” việc tăng sử dụng than đá cho đến thời điểm đó.

Mục tiêu 2060 nằm sau mục tiêu của Mỹ và nhiều nước phát triển khác tới một thập kỷ. Ủy ban Liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu cũng nói rằng, để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu xuống mức 1,5 độ C, thế giới cần đạt mức phát thải là 0 vào năm 2050. Theo cơ quan này, việc giới hạn xuống cấp độ này sẽ giúp thế giới tránh được các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Lý lẽ của Trung Quốc về việc cần thêm thời gian để phát triển

Nhưng Trung Quốc phản biện lại bằng cách tuyên bố rằng Mỹ đã có nhiều thời gian hơn để phát triển, trong khi Trung Quốc vẫn đang phát triển và do đó xứng đáng có thêm thời gian để “từ bỏ dần” các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Một nhóm các nước, trong đó có Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố khẳng định rằng chiến dịch toàn cầu giảm phát thải xuống 0 vào năm 2050 sẽ nới rộng bất bình đẳng.

Trong khi đó, Mỹ và EU gần đây đã đặt Trung Quốc vào thế bất lợi thương mại khi họ nhắm vào vấn đề thép “bẩn”. Mỹ và EU đã công bố một mối thỏa thuận đối tác nhằm đàm phán về xử lý “năng lực dư thừa toàn cầu” trong sản xuất thép và nhôm.

Tổng thống Mỹ Biden đã vạch ra một chiến lược đối ngoại rộng lớn nhằm vào Trung Quốc, trong đó Mỹ xoay sở giành thắng lợi trong cạnh tranh với Trung Quốc mà vẫn tránh được xung đột.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trên nhiều mặt trận, bao gồm các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở gần đảo Đài Loan. Vào đầu năm 2021, chính quyền Biden cấm nhập các vật liệu pin mặt trời từ một công ty Trung Quốc mà giới chức Mỹ cho là có liên quan đến lao động cưỡng ép./.