Rừng ngập mặn là vũ khí chống biến đổi khí hậu

0
49

Ngài Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của rừng ngập mặn.

Ngài Đại sứ Gareth Ward phát biểu tại Hội thảo sáng 10/3.
Ngài Đại sứ Gareth Ward phát biểu tại Hội thảo sáng 10/3.

Tại Hội thảo “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển giải – Giải pháp giảm phát thải và phát triển kinh tế”, ngài Gareth Ward – Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đánh giá, rừng ngập mặn đặc biệt quan trọng đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Rừng ngập mặn tiết kiệm chi phí gấp 5 lần so với cơ sở hạ tầng nhân tạo trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi sóng thần và nước dâng do bão, vì chúng giảm độ cao của sóng lên đến 60% và giảm độ sâu lũ sóng thần xuống 30%”, ông Ward nói.

Trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí cacbonic tốt nhất. Chúng có thể hấp thụ lượng carbon nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền.

Ngoài ra, rừng ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn, là yếu tố đóng góp chính cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên như lọc nước, ổn định bờ biển, vật liệu xây dựng và như một nguồn năng lượng.

Đây cũng là nguồn lực quan trọng trong việc hỗ trợ nuôi trồng một số mặt hàng thủy sản chính tại Việt Nam, bao gồm cả tôm và cua. Từ hàng trăm năm nay, đây là thứ giúp người dân ven biển đảm bảo sinh kế và an ninh lương thực.

Dù có giá trị lớn, rừng ngập mặn hiện phải cạnh tranh với các mục đích sử dụng đất khác để tăng trưởng kinh tế. Trên toàn cầu, những khu rừng này đang biến mất ở mức báo động. Theo thống kê, trong vòng 40 năm qua, 35% diện tích rừng ngập mặn đã bị mất.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Nguyên nhân một phần là do có đường bờ biển dài. Đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của gần 20 triệu người, đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra như triều cường, nước biển dâng và xâm nhập mặn.

“Chính phủ Vương quốc Anh đã xác định biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong quan hệ với Việt Nam”, ông Ward nhấn mạnh. 

Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland cho rằng Việt Nam có rừng ngập mặn như một vũ khí bí mật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. “Chúng tôi không có những thứ đó ở Vương quốc Anh, và tôi mong được đến thăm một khu rừng ngập mặn ở Việt Nam trong một ngày không xa”, ông Ward chia sẻ.

Rừng ngập mặn chiếm khoảng 1% tổng diện tích rừng Việt Nam.
Rừng ngập mặn chiếm khoảng 1% tổng diện tích rừng Việt Nam.

Qua Hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland bày tỏ ấn tượng về việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống mức Net Zero vào năm 2050, tương tự Vương quốc Anh, tại COP 26.

Nhắm triển khai những cam kết thành hành động, ông Gareth Ward kêu gọi sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, trong đó có Tổng cục Lâm nghiệp. Ngài đại sứ nhận xét: “Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, nhất là trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”.

Song song với việc tăng khả năng chống chịu, rừng ngập mặn còn tạo ra sinh kế và thu nhập ngắn hạn và trung hạn cho cộng đồng địa phương. Một số cách làm hay đã được thực hiện ở Việt Nam là nuôi tôm trong rừng ngập mặn.

Theo số liệu số liệu về diễn biến tài nguyên rừng năm 2019, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ven biển là 709.013 ha thuộc địa bàn 600 xã, phường, thị trấn của 130 quận, huyện, thị xã, thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương.

Diện tích đất có rừng là 454.337 ha, trong đó diện tích rừng ven biển chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng quốc gia, còn rừng ngập mặn chiếm khoảng 1%.

Giai đoạn 2015 – 2020, cả nước thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Trong đó, bảo vệ rừng ven biển 295.164 ha; tổng diện tích trồng rừng 22.390 ha, trồng cây phân tán 4 triệu cây.

Nguồn: Bảo ThắngBáo Nông nghiệp