31 C
Hue
04/12/24
Trang chủGiáo dục BĐKH qua môn Địa lí THPTPhương pháp giáo dụcSử dụng phương tiện trực quan trong giáo dục biến đổi khí...

Sử dụng phương tiện trực quan trong giáo dục biến đổi khí hậu qua môn Địa lí THPT

Trong dạy học địa lí nói chung và giáo dục biến đổi khí hậu nói riêng, việc sử dụng các phương tiện trực quan có một ý nghĩa rất lớn. Bởi vì, thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta vô cùng rộng lớn, HS chỉ có thể quan sát được một phần nhỏ các sự vật, hiện tượng địa lí trong tự nhiên ; còn phần lớn các sự vật, hiện tượng địa lí, HS không có điều kiện quan sát trực tiếp. Phương pháp sử dụng các phương tiện trực quan cho phép học sinh có thể hiểu biết các sự vật, hiện tượng địa lí đó bằng con đường nhận thức trên cơ sở các phương tiện trực quan như bản đồ, Át lát Địa lí, tranh ảnh, video clip, mô hình,…Đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi mà công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh, có thể ghi lại được rất nhiều quá trình của nhiều hiện tượng địa lí hoặc tạo ra rất nhiều những sản phẩm, mô hình cụ thể sống động có thể giúp học sinh hình dung một cách cụ thể và khoa học về các sự vật, hiện tượng địa lí mà HS không có điều kiện quan sát thực tế.
Trong giáo dục biến đổi khí hậu trong môn Địa Lí THPT giáo viên có thể kết sử dụng kết hợp các phương tiện trực quan cùng với các phương pháp dạy học khác để đạt hiệu quả giáo dục tối ưu như kết hợp phương tiện trực quan với mô tả trình bày giải thích, đặt câu hỏi khai thác kiến thức với các phương tiện trực quan, cho học sinh thảo luận nhóm hoặc làm các báo cáo thuyết trình về biến đổi khí hậu với các phương tiện trực quan…
Các phương tiện trực quan được sử dụng trong dạy học Địa lí nói chung và giáo dục biến đổi khí hậu trong môn Địa lí nói riêng theo 2 cách: minh họa kiến thức và khai thác kiến thức.  Trong trường hợp thời gian cho nội dung giáo dục biến đổi khí hậu ngắn, nội dung kiến thức tương đối trừu tượng khó hiểu thì giáo viên có thể sử dụng các phương tiện trực quan kết hợp để trình bày, minh họa, giải thích kiến thức. Với phương pháp này, trong một khoảng thời gian ngắn học sinh có thể hình dung và tiếp nhận kiến thức một cách tổng quát và hiệu quả.
Ví dụ 1: Khi dạy Địa lý 11, bài 3: Một số vấn đề mang tính toàn cầu. Mục II.1. Biến đổi toàn cầu. Trong đó có đề cập đến hiệu ứng nhà kính là tác nhân chính làm biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng không đề cập đến khái niệm và các nhân tố gây nên hiệu ứng nhà kính. Giáo viên có thể cho học sinh xem một số hình ảnh kết hợp lời giải thích của giáo viên để học sinh hình dung một cách cơ bản về khái niệm này.
 
       Hình 3.2.  Hiện tượng HƯNK[1]                    Hình 3.3. Các khí loại khí nhà kính[2]
Hiệu ứng nhà kính dùng để chỉ hiệu ứng xảy ra khi năng lượng bức xạ của tia sáng mặt trời, xuyên qua các cửa sổ hoặc mái nhà bằng kính, được hấp thụ và phân tán trở lại thành nhiệt lượng cho bầu không gian bên trong, dẫn đến việc sưởi ấm toàn bộ không gian bên trong chứ không phải chỉ ở những chỗ được chiếu sáng. Trong một giới hạn cho phép thì hiệu ứng nhà kính giúp mặt đất duy trì được nhiệt độ thích hợp với đời sống con người.
Trên tầm vỹ mô, Hiệu ứng nhà kính là hiệu ứng làm cho không khí của Trái đất nóng lên do bức xạ sóng ngắn của Mặt trời có thể xuyên qua tầng khí quyển chiếu xuống mặt đất; mặt đất hấp thu nóng lên lại bức xạ sóng dài vào khí quyển để CO2 hấp thu làm cho không khí nóng lên. CO2 trong khí quyển giống như một tầng kính dày bao phủ Trái đất, làm cho Trái đất không khác gì một nhà kính lớn. (Hình 1)
Những khí gây ra hiệu ứng nhà kính trong khí quyển gồm: Hơi nước chiếm tỷ lệ 36 – 72%, CO2 chiếm tỷ lệ 9 – 26%, CH4 chiếm tỷ lệ 4 – 9%, O3 chiếm tỷ lệ 3 – 7%. Trong tất cả những khí gây hiệu ứng nhà kính, CO2 chiếm tỷ trọng không phải lớn nhất nhưng đóng vai trò chủ đạo trong việc làm Trái Đất ấm lên (Hình 2)
Tuy nhiên hiện nay, do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người như: đặt phá rừng, tiêu thụ nhiều năng lượng gây phát thải lớn, chất thài từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, phương tiện giao thông và sinh hoạt ( tủ lạnh, điều hòa, khí gas…), từ các hoạt động nông nghiệp (sử dụng nhiều phân bón hóa học…)…đã làm lượng khí thải phát ra khí quyển ngày càng cao, đặc biệt là các khí nhà kính như CO2, CH4, O3, CFCs đã làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên, có hại cho con người và các sinh vật trên Trái đất, tác động và ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội – môi trường và sự phát triển bền vững.
Trường hợp 2, sử dụng các phương tiện trực quan để làm công cụ giúp học sinh khai thác kiến thức, phát triển tư duy.  Chúng tôi khuyến khích giáo viên Địa lí sử dụng phương pháp theo cách này để phát huy tính chủ động, sáng tạo và tích cực của học sinh trong quá trình giáo dục biến đổi khí hậu. Giáo viên Địa lí có thể vận dụng trình tự sau trong quá trình sử dụng các phương tiện trực quan để giáo dục biến đổi khí hậu:
– Bước 1: Giáo viên Địa lí định hướng nội dung giáo dục biến đổi khí hậu liên quan đến bài học cho HS và chuẩn bị phương tiện trực quan phù hợp.
– Bước 2: Giáo viên cho HS quan sát các phương tiện trực quan đã chuẩn bị kèm theo nhiệm vụ yêu cầu học sinh thực hiện
– Bước 3: HS thực hiện nhiệm vụ giáo viên yêu cầu trong một khoảng thời gian xác định
– Bước 4: HS trình bày kết quả
– Bước 5: GV nhận xét, đánh giá và bổ sung kiến thức.
Ví dụ 2: Khi dạy Địa lý 12, bài 8: Thiên nhiên Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển. Mục 2d. Thiên tai. Giáo viên cho HS xem một đoạn thời sự đưa tin về siêu bão số 4 tàn phá miền Bắc và Miền Trung Việt Nam.
  
Hình 3.4 và 3.5. Video thời sự của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin về cơn bão số 4[3]
Yêu cầu HS cho biết những thiệt hại do cơn bão gây ra và đề xuất các biện pháp phòng tránh. Sau khi HS đưa ra các câu trả lời, GV tổng kết lại. Lưu ý học sinh: tần suất và cường độ hoạt động ngày càng nhiều của các cơn bão, đặc biệt là các cơn bão trái mùa, dị thường chính là hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Cung cấp thêm cho HS một số các biện pháp mà các em có thể tự thực hiện để bảo vệ bản thân và giúp gia đình khi đối mặt với cơn bão sắp xảy ra như chằng chống nhà cửa, kiểm tra nguồn điện trong nhà, dự trữ nước sạch, bảo vệ tài sản, dự trữ lương thực, không ra khỏi nhà khi trời mưa bão lớn,…
Trong các loại phương tiện trực quan nêu trên, bản đồ được xem là loại phương tiện đặc trưng của môn Địa lí, được sử dụng nhiều nhất và mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi khuyến khích giáo viên sử dụng các loại bản đồ chuyên đề phù hợp trong quá trình giáo dục biến đổi khí hậu, vừa có thể rèn luyện thêm những kĩ năng Địa lí cho học sinh, vừa có thể khai thác những nguồn thông tin, kiến thức quan trọng và khoa học. Bản đồ hiện nay rất phong phú đa dạng, ngoài những bản đồ mà giáo viên Địa lí thường hay sử dụng (bản đồ trong sách giáo khoa, Atlat Địa lí, bản đồ treo tường khổ lớn), thì còn có rất nhiều các loại bản đồ số hiện đại theo từng chủ đề liên tục được cập nhật mới do các quốc gia, tổ chức, cá nhân trên thế giới và trong nước thực hiện. Trong đó nhiều loại bản đồ liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu được phát hành và sử dụng miễn phí trên Internet. Giáo viên Địa lí nên tận dụng những lợi thế đó để lựa chọn loại bản đồ phù hợp với nội dung giáo dục biến đổi khí hậu sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Ví dụ 3: Khi học Địa lí 12, bài 41. Vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Mục II. Các thế mạnh và hạn chế.
 
Hình 3.6. Bản đồ các loại đất chính ĐBSCL [4]    Hình 3.7. Kịch bản nước biển dâng ĐBSCL năm 2100[5]
Giáo viên cho học sinh xem bản đồ và nêu ra các câu hỏi để học sinh suy nghĩ và trả lời:
  1. Đồng Bằng Cửu Long bao gồm những tình nào?
  2. Thế mạnh về tự nhiên của ĐBSCL là gì?
  3. Tự nhiên ĐBSCL có những hạn chế nào?
  4. Yếu tố nào hiện nay tác động lớn đến tự nhiên ĐBSCL?
  5. Biến đổi khí hậu đã tác động đến ĐBSCL ra sao?
Tóm lại, các phương tiện trực quan hầu như có thể sử dụng cho tất cả các bài Địa lí và giáo dục biến đổi khí hậu. Tuy nhiên giáo viên Địa lí cần lưu ý lựa chọn những phương tiện phù hợp với nội dung,  chất lượng tốt, có khả năng mô tả kiến thức và ý đồ giáo dục cao, có nguồn gốc đảm bảo về mặt khoa học và tính xác thực, ưu tiên những phương tiện có tính cập nhật…
[1] https://phatgiao.org.vn/nhung-van-de-xay-ra-khi-tam-khien-bao-ve-trai-dat-bi-suy-yeu-nhiet-do-tang-d25824.html
[2] https://vndoc.com/hien-tuong-hieu-ung-nha-kinh-la-gi/download
[3] https://m.youtube.com/watch?v=VA0Ck9J9ChQ
[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Sách giáo khoa Địa lí lớp 12. Tr 188. NXB Giáo dục Việt Nam.
[5] http://moitruong24h.vn/cap-nhat-hoan-thien-kich-ban-bien-doi-khi-hau-va-nuoc-bien-dang-nam-2016.html
Nguyễn Thị Hiển

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT