Biến đổi khí hậu có nhấn chìm thập kỷ mới trong chảo lửa?

0
16
Hơn 480 triệu cá thể – gần nửa tỷ, động vật đã chết do các đám cháy tại nước Úc trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong đó có 8000 chú gấu koala, loài động vật nằm trong danh sách bảo tồn của IUCN. Số lượng người thiệt mạng và chịu ảnh hưởng từ các vụ cháy dữ dội bậc nhất lịch sử nước Úc cũng không ngừng tăng lên. Một “hỏa ngục” thực sự đang lan tràn khắp nước Úc, đây hoàn toàn không phải câu chuyện thường niên ai đó có thể phớt lờ.
Pantone có lý do khi chọn xanh cổ điển làm màu chủ đạo của năm 2020 với mong ước cho một thập kỷ bình an, hòa bình và sự cân bằng lại cho thế giới. Tạp chí TIME cũng có cái lý của mình khi chọn Greta Thunberg làm Nhân vật của năm dù có những phản đối nhất định. Chỉ vài ngày đầu năm 2020 trôi qua, người ta đã chứng kiến sự bất ổn trên cả chính trường, quân sự và đặc biệt là diễn biến phức tạp của vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Việc một thập kỷ khép lại không đồng nghĩa với việc các câu chuyện thiên tai, thảm họa của thập kỷ cũ cũng đi vào quá khứ. Khi cả thế giới đang tưng bừng đón giao thừa, pháo hoa rộn ràng muôn nơi, người ta thấy mờ mờ trên bầu trời nước Úc, là ánh sáng pháo hoa hay tàn dư tro bụi của những vụ cháy rừng dữ dội?
Biến đổi khí hậu có nhấn chìm thập kỷ mới trong chảo lửa?
Sẽ không chỉ có một tác nhân gây nên thảm họa cháy rừng nghiêm trọng đi vào lịch sử nước Úc như vậy để lục địa này trở thành một màu đỏ trên bản đồ nhiệt. Sự trùng hợp có khi nào ngoạn mục đến thế khi chỉ trong vòng hơn một năm, từ đầu năm 2019 tới nay, vấn đề thảm họa môi trường lại xoay quanh quá nhiều các đám cháy, từ Bắc Cực, Bắc Mỹ, Amazon cho tới Indonesia và giờ là nước Úc.
Tuy nhiên, giữa cơn khủng hoảng cháy rừng, Scott Morrison, Thủ tướng Úc đã lên tiếng nói rằng không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa vấn đề khí thải nhà kính của nước Úc và tình trạng cháy rừng thảm khốc trên toàn quốc. Trả lời tờ ABC, ông cho biết không có “chứng cứ khoa học uy tín” nào nói rằng cắt giảm khí thải có thể giảm nguy cơ cháy rừng.
“Biến đổi khí hậu là một hiện tượng toàn cầu và chúng ta đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này – chúng ta đã có những hành động thiết thực”, ông cho biết. “Tuy nhiên, nước Úc chỉ phát thải 1,3% lượng khí nhà kính, việc cho rằng cắt giảm ít hay nhiều sẽ làm giảm tình trạng trầm trọng của vấn đề không dựa trên những chứng cứ khoa học thực tế”.
Biến đổi khí hậu có nhấn chìm thập kỷ mới trong chảo lửa?
Nước Úc chỉ chiếm 1,3% lượng phát thải toàn cầu nhưng trên thực tế, theo nghiên cứu bởi Viện chính sách và khoa học Climate Analytics, nước Úc sản xuất ra khoảng 3,6% lượng phát thải toàn cầu với sản lượng xuất khẩu than, dầu và khí đốt cộng lại. Một nghiên cứu mới nhất vào tháng 7 năm nay cho biết con số này thực chất lên tới gần 5%. Bên cạnh đó, nếu tính toán dựa trên dân số của nước Úc – chỉ chiếm 0,3% dân số toàn cầu, tỷ lệ này mất cân xứng một cách khá lớn. Theo Peter Thorne, một chuyên gia về biến đổi khí hậu tại đại học Maynooth, Ireland, việc chỉ tập trung vào con số 1,3% đã lờ đi việc nước Úc là một trong những quốc gia phát thải trên đầu người lớn nhất thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, dù nhiều chính trị gia vẫn tiếp tục tránh né vấn đề biến đổi khí hậu, đây là vấn đề cả thế giới cần quan tâm nếu không muốn 10 năm tới sẽ là một chảo lửa khác nhấn chìm không chỉ mỗi khu vực mà khắp hành tinh.

Thảm họa cháy rừng nước Úc và câu chuyện biến đổi khí hậu

Trên Facebook tràn ngập những bức ảnh về chú Koala người khô héo, cơ thể đầy vết cháy xém vì lửa, ảnh người dân đang tưới nước không phải cho cây cối mà là vài con chuột túi, quay quắt trong cơn nắng hạn. Sự tàn khốc của cháy rừng tại nước Úc là không thể phủ nhận. Tình trạng nắng nóng còn làm nguyên nhân gây nên cái chết cho nhiều quần thể san hô thuộc Great Barrier Reef, dù điều này còn ít người biết tới. Từ năm 2016-2018, một nửa quần thể rạn san hô thuộc Great Barrier Reef đã chết vì nước biển nóng lên. Không chỉ mặt đất, cả vùng biển nước Úc đang nóng lên kéo theo cái chết của hàng triệu loài động, thực vật. Bầu trời đỏ ậc của nước Úc tại các vùng gần tâm đám cháy như ngày tận thế. Trên bờ biển New Zealand, người ta cũng thấy những đám mây đầy khói bụi lan đến.
Biến đổi khí hậu có nhấn chìm thập kỷ mới trong chảo lửa?
Năm ngoái, nước Úc đạt kỷ lục về nắng nóng khô hạn với nhiệt độ trung bình năm tăng cao hơn khoảng 1,5 độ C, theo trung tâm khí tượng thủy văn Úc. Trong tháng 12, nhiệt độ tại nước Úc đã có lúc đỉnh điểm lên tới 49,9 độ C. Việc giảm lượng mưa cũng thấy rõ rệt tại nhiều khu vực, dù chưa thể khái quát thành một hình thái đặc trưng. Nhiệt độ trung bình tăng cao hàng năm có thể do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, sự tăng cao đột biến trong những năm gần đây trên quy mô toàn cầu được các nhà khoa học cho rằng có liên quan tới biến đổi khí hậu.
Các đám cháy có thể do tác nhân con người hay sét đánh gây nên các đám cháy nhỏ nhưng sự khô hanh và nhiệt độ tăng cao là chất xúc tác để những đám cháy bùng phát và dễ lây lan; việc dập tắt dường như không dễ dàng. Theo các chuyên gia, mùa cháy rừng tại nước Úc cũng kéo dài lâu hơn từ 2-4 tháng, bắt đầu sớm ở những vùng phía đông và nam Úc. Theo ông David Karoly, người đứng đầu trung tâm biến đổi khí hậu thuộc Chương trình khoa học môi trường quốc gia Úc, cho biết thông thường, mùa cao điểm cháy rừng tại Úc là vào cuối hè và hiện tại vẫn mới ở giữa đợt nắng nóng.
Biến đổi khí hậu có nhấn chìm thập kỷ mới trong chảo lửa?
Thế giới đã chứng kiến một năm 2019 với nhiều vụ cháy rừng thảm khốc, đặc biệt là câu chuyện của Amazon vào mùa hè năm ngoái. Theo ước tính, có ít nhất 74.155 vụ cháy rừng ở Brazil từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2019. Cũng như nhiều đám cháy rừng khác, nguyên nhân chính tại rừng rậm Amazon là do các hoạt động canh tác của con người, đốt rừng để lấy đất làm nông nghiệp. Tuy nhiên, những vụ cháy rừng trở nên thảm khốc do có sự “nhúng tay” của biến đổi khí hậu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những vụ cháy rừng như một vòng luẩn quẩn. Các nhà khoa học từng lo sợ rằng, nếu tình trạng mất rừng tại Amazon xảy ra tới mức cực đoan như vậy, “điểm bùng phát” (tipping point) sẽ xảy ra khi toàn bộ khu vực sẽ bước vào giai đoạn biến đổi từ rừng nhiệt đới thành rừng xavan (chỉ gồm cỏ, cây bụi và rất ít cây lớn). Giới chuyên gia từng tin rằng, điểm bùng phát sẽ xảy ra khi tỷ lệ cháy rừng rơi vào khoảng 40%. Tuy nhiên, tình trạng nhiệt độ trái đất tăng lên trong những năm trở lại đây đã đẩy nhanh hơn số lượng các vụ cháy rừng. Chuyên gia Carlos Nobre, nhà khoa học khí hậu Brazil, cho biết điểm bùng phát có thể xảy ra tới khi tỷ lệ mất rừng ở Amazon là 20-25%.
Lượng khí thải CO2 thải vào trong không khí càng cao đẩy tình trạng biến đổi khí hậu càng tồi tệ và nguy cơ cháy rừng càng lớn. Khi các khu rừng nhiệt đới chuyển thành xavan cây bụi, cỏ khô, nguy cơ bùng phát cháy rừng càng lớn hơn. Người ta từng nghĩ rừng mưa ẩm nhiệt đới như Brazil làm sao có thể cháy dữ dội như vậy được? Với điều kiện và tình trạng khô hạn như nước Úc, tình trạng cháy rừng có thể xảy ra trầm trọng hơn trong nhiều năm tới nếu xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu có nhấn chìm thập kỷ mới trong chảo lửa?

Mùa Đông không lạnh ở Matxcova và cái lạnh kỷ lục ở Ấn Độ

Sẽ đến lúc, người ta không chỉ “Pray for Australia” hay “Save Amazon” mà “Pray for Earth-pray for us” khi cả thế giới phải oằn mình đón nhận thiên tai và thảm họa tự nhiên. Biến đổi khí hậu không “đánh du kích”, sự trút giận của mẹ thiên nhiên diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đẩy những hình thái thời tiết lên mức cực đoan. Những mùa đông lạnh buốt hơn, các đám cháy rừng mạnh mẽ và tình trạng khô hạn kéo dài hơn bao giờ hết là các vấn đề chung toàn thế giới.
Ở bắc bán cầu, mùa Đông đang đến trên hầu hết các quốc gia; cảnh tượng tuyết rơi vốn là điều được đón chờ trong dịp năm mới. Thế nhưng tại Nga, mùa đông ấm áp nhất hơn 100 năm qua, kể từ năm 1891, đang diễn ra trước tác động của sự ấm lên toàn cầu. Không có tuyết, chính phủ Nga đã phải chở một xe chở tuyết nhân tạo để trang trí tại trung tâm thành phố Mát-cơ-va trong dịp năm mới. Nhiệt độ tại thủ đô Mát-cơ-va vào ngày 18/12 ghi nhận được là 5,4 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 12 từng có vào năm 1886.
Mùa đông ấm một cách lạ thường kéo theo nhiều thay đổi tại nước Nga; động vật trong sở thú không chịu ngủ đông, hoa nở sớm hơn, các khu trượt tuyết phải đóng cửa vì không có tuyết. Tuy nhiên, đáng buồn thay khi nhiều nhà chính trị tại Nga vẫn cho rằng, biến đổi khí hậu không xuất phát từ lượng phát thải CO2 khổng lồ khi nước này có thể thu được những nguồn lợi khổng lồ hơn từ việc băng tan.
Xuống tới Nam Á, New Delhi – thủ đô Ấn Độ đang trải qua những ngày đông lạnh giá nhất trong hơn 100 năm qua, kể từ năm 1901, khi nhiệt độ giảm xuống còn 2,4 độ C. Cũng như tại nhiều thành phố châu Á, nhiệt độ giảm cùng tình trạng sương mù dày đặc, độ ẩm cao, tốc độ gió thấp đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường. Cơ quan khí tượng Ấn Độ cho biết nhiệt độ trong những ngày tới có thể sẽ giảm thêm đi cùng với những cơn mưa. Thủ đô New Delhi đã trải qua đợt lạnh dài tới 15 ngày từ trung tuần tháng 12 và đây được coi là một trong những đợt lạnh kéo dài nhất mùa đông kể từ tháng 12/1997.
Cùng trong bức tranh toàn cầu đó, thủ đô Jakarta cũng phải oằn mình chống lũ lụt ngay những ngày đầu năm mới. Báo cáo cho biết có ít nhất 16 người thiệt mạng, hàng nghìn người phải sơ tán trong trận lụt tồi tệ nhất tại Jakarta kể từ năm 2013. Việc chính phủ nước này đang cân nhắc việc di dời thủ đô cũng có lý do của mình: Khu vực thành phố Jakarta những năm qua đang chìm dưới mực nước biển với tốc độ nhanh do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, Jakarta sụt lún thêm 25cm, khiến thành phố 30 triệu dân này dễ bị tổn thương vì lũ lụt.
Rõ ràng, nước Úc không đơn phương độc mã trong hành trình chống chọi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự đồng hành một cách toàn cầu này không phải một điều gì đáng tự hào.
***
Quay lại với câu chuyện nước Úc như là tâm điểm của những ngày vừa qua, một bài viết trên tờ The Atlantic có tựa đề “Nước Úc sẽ thua trận trước biến đổi khí hậu”. Nếu có một trận chiến, không chỉ nước Úc thua mà nhiều quốc gia khác cũng đang phải oằn mình chịu trận. Người dân Úc đang trở thành người tị nạn vì vấn đề môi trường ngay trên đất nước của chính mình khi hàng đoàn người và xe lũ lượt rời khỏi các thành phố, thị trấn bị ảnh hưởng bởi cháy rừng. Con số nhà cửa bị thiêu rụi cứ gia tăng mỗi ngày khi có tới hơn 1000 ngôi nhà bị phá hủy, những hình ảnh đau thương và lời chúc tràn đầy trên mạng xã hội. Một chú koala đớn đau như gợi lên những khó khăn cả nước Úc đang phải gồng mình vượt qua.
Biến đổi khí hậu có nhấn chìm thập kỷ mới trong chảo lửa?
Theo nhà khoa học thời tiết Nerilie Abram từ trường đại học quốc gia Úc, mùa cháy rừng cực đoan này tại nước Úc đã được dự đoán trước. Câu hỏi được đặt ra chỉ là chúng ta sẽ để nó tồi tệ hơn ra sao? Đây mới chỉ là hậu quả khi sự ấm lên toàn cầu chạm ngưỡng 1 độ C. Chúng ta có thực sự muốn nhìn thấy viễn cảnh khi trái đất ấm lên 3 độ C và hơn thế hay không, vì đây chính là quỹ đạo và con đường mà chúng ta đang tiến tới trong những thập kỷ sau này. Biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể nhấn chìm thập kỷ tới trong “chảo lửa”; một ngày nào đó, có thể hình ảnh chú koala hay chú chuột túi kia sẽ được thay thế bằng một đứa trẻ hay con người.
Đó là thảm cảnh cùng cực không ai dám nghĩ tới.
Nguồn: Theo Tri thức trẻ
Link gốc: http://ttvn.vn/gioi-tre/hoa-nguc-nuoc-uc-tiep-noi-mua-dong-khong-lanh-o-matxcova-bien-doi-khi-hau-co-nhan-chim-thap-ky-moi-trong-chao-lua-220206119221726.htm