Một sinh vật có thể chịu đựng được những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới, nhưng tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài thì khác.
Dù “bất tử” vẫn đang là giấc mơ của loài người, nhưng trên Trái đất này thực ra có một sinh vật tiệm cận được đến điều đó. Đó là tardigrade, còn gọi là bọ gấu nước.
Bọ gấu nước gần như không thể bị hủy hoại. Chúng sống được ở mọi môi trường, từ đáy đại dương đến đỉnh Everest. Dù có bị “luộc” trong nước sôi 150 độ, hay bị đóng băng ở “độ 0 tuyệt đối”, chúng vẫn sống. Thậm chí vứt chúng ra ngoài vũ trụ – nơi có thể giết chết con người trong vòng 1 phút, chúng vẫn cứ thoải mái… đẻ con, không vấn đề gì.
Nêu vậy để thấy sức chống chịu của bọ gấu nước là đỉnh cao thế nào. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, chính những sinh vật tưởng như bất tử này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau một thời gian dài chịu đựng nhiệt độ toàn cầu gia tăng vì biến đổi khí hậu.
Để hiểu được câu chuyện này, chúng ta cần biết cơ chế “bất tử” của bọ gấu nước. Loài vật này khi đối mặt với môi trường khắc nghiệt sẽ chuyển sang dạng Cryptobiosis – cơ chế cho phép hệ tuần hoàn và chuyển hóa tối giản toàn bộ, cơ thể gần như khô đét lại. Trong trạng thái này, chúng có thể chịu đựng được môi trường ít oxy, độc tố cao… rồi đợi đến lúc thích hợp mới hồi sinh trở lại.
Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nhiệt độ cao liên tục trong thời gian dài có thể chính là điểm yếu của loài vật này. Quả thật chúng có thể chịu đựng nhiệt độ lên tới 151°C tới hơn 30 phút, nhưng việc tiếp xúc với nhiệt độ hơn 80°C trong thời gian dài hơn sẽ khiến chúng dễ chết hơn rất nhiều.
Bọ gấu nước cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, dù chúng gần như bất tử
Giờ đến nghiên cứu mới! Các chuyên gia từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch) đã thử đánh giá khả năng chịu đựng nhiệt độ của một số mẫu bọ gấu nước. Theo đó, các mẫu bọ vốn đang quen ở môi trường ẩm ướt, khi gặp nhiệt độ cao sẽ tạm chuyển sang trạng thái “ngủ” giống như lúc nước khan hiếm. Trong trạng thái này, chúng có thể chịu đựng được nhiệt độ cao hơn bình thường, nhưng lại nhạy cảm hơn về mặt thời gian.
“Chúng ta có thể kết luận những con bọ gấu nước trong trạng thái bình thường nhạy cảm với nhiệt độ cao, dù chúng vẫn có khả năng thích nghi để tăng ngưỡng chịu đựng. Những con bọ trong trạng thái “ngủ” thì chịu đựng tốt hơn, nhưng thời gian tiếp xúc sẽ làm giảm khả năng ấy đi,” – trích lời Ricardo Neves, tác giả nghiên cứu.
“Cấu tạo gene cho phép bọ gấu nước tồn tại được ở những môi trường khắc nghiệt nhất, thậm chí tồn tại được cả trên Mặt trăng, nhưng nhiệt độ cao sẽ khiến chúng khó làm được điều đó hơn, nhất là khi chúng không đủ thời gian để thích nghi với môi trường mới.”
“Trái đất nóng lên đã gây ra nhiều hiệu ứng xấu cho nhiều môi trường sống trên thế giới, vậy nên chúng ta cần phải tìm hiểu xem nhiệt độ gây ảnh hưởng như thế nào với cuộc sống của các loài vật.”
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Report.
Nguồn: Tham khảo từ IFL Science