Báo cáo đánh giá cho thấy, năm 2019, công tác chỉ đạo ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) được thực hiện nghiêm túc. Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều phối, các bộ, ngành, địa phương điều động hơn 207.000 lượt người, hơn 7.000 lượt phương tiện tổ chức ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn với 3.505 vụ.
Qua đó, đã cứu được 5.143 người và 252 phương tiện, trong đó có 51 vụ/225 người/16 phương tiện có yếu tố nước ngoài; thông báo, kêu gọi cho 510.000 lượt phương tiện, với gần 2,4 triệu lượt người hoạt động trên biển biết tình hình thời tiết nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn; hoàn thiện, thể chế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực ứng phó thiên tai thảm họa, TKCN.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải rất nỗ lực, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm để khắc phục có hiệu quả. Thiệt hại do thiên tai còn lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng của người dân khi xảy ra mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Công tác giáo dục, tuyên truyền về ứng phó sự cố, thiên tai trong thời gian qua tuy đã được quan tâm, chú trọng hơn, song nhận thức tại một số chính quyền cơ sở và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện chủ quan, đơn giản. Công tác phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Công tác quản lý tàu cá hoạt động đánh bắt trên biển, công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển – chưa được chặt chẽ. Công tác dự phòng trang bị, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu. Phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho ứng cứu, TKCN sự cố, công trình ngầm, xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy nhà cao tầng còn thiếu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng-Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: Năm 2020, tình hình khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy cần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN các cấp; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố thiên tai. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn.