Thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận, trong đó 5 năm vừa qua là năm nóng nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh Nam Cực vừa trở thành khu vực mới nhất trên Trái Đất lập kỷ lục về nền nhiệt cao, hai báo cáo khoa học mới nhất tiếp tục đưa ra cảnh báo con người về nguy cơ lục địa tiếp tục ấm lên, dẫn đến làm tan chảy các dòng sông băng và theo đó sẽ khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm hàng chục mét.
Theo báo cáo công bố ngày 14/2, một nhóm các nhà khoa học đã ghi nhận mức nhiệt 20,75 độ C tại trạm nghiên cứu trên đảo Seymour – một phần của một quần đảo ngoài khơi phía Bắc của Nam Cực – trong ngày 9/2. Theo nhà khoa học người Brazil Carlos Schaefer, đây là lần đầu tiên tại Nam Cực chứng kiến nền nhiệt vượt mốc 20 độ C, phá vỡ kỷ lục được thiết lập cách đó chỉ một tuần – với 18,3 độ C theo số liệu ghi nhận tại trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina tại đây.
Chia sẻ với báo giới, nhà khoa học Carlos Schaefer cho biết: ‘Chúng tôi đang chứng kiến xu hướng ấm lên ở nhiều địa điểm chúng tôi đang theo dõi. Trước đây, chúng tôi chưa từng thấy tình trạng này’.
Khu vực thuộc Nam Cực hiện là một trong những nơi có nhiệt độ tăng nhanh nhất Trái Đất, tăng 3 độ C chỉ trong vòng 50 năm qua. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ ở Nam Cực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Niño, khiến nước ở các đại dương trở nên nóng hơn. Ngoài ra, sự dịch chuyển của dòng hải lưu và việc khu vực Nam bán cầu đang trong mùa Hè cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhiệt độ trung bình tăng cao kỷ lục.
Cũng liên quan dự báo về mực nước biển trong tương lai, các nhà khoa học Australia đã nghiên cứu gian băng gần nhất của Trái Đất, giai đoạn cách đây từ 129.000 đến 116.000 năm. Sau khi đo các đồng vị từ tro núi lửa trong các mẫu băng, nhóm nghiên cứu đã xác định được một khoảng trống trong các dữ liệu về mật độ băng, trong đó cho thấy rõ mực nước biển dâng cao khi nhiệt độ ấm lên.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cũng cho rằng các tảng băng tan chảy đã đóng góp thêm 15 cm cho mực nước biển kể từ đầu thế kỷ 20 và theo đó, môi trường sống của hơn một tỷ người trên thế giới sẽ trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương.