Biến đổi khí hậu đẩy gấu Bắc Cực vào thảm kịch ăn thịt lẫn nhau

0
16
Các nhà khoa học Nga phát hiện ngày càng có nhiều trường hợp gấu Bắc Cực ăn thịt lẫn nhau, mà nguyên nhân được cho là môi trường sống bị thu hẹp dẫn tới việc thiếu hụt thức ăn.

“Việc gấu Bắc Cực ăn thịt đồng loại là thực tế đã có từ lâu, nhưng chúng tôi lo ngại rằng những trường như vậy, từng hiếm khi xảy ra trước đây, đang xuất hiện với tần suất nhiều hơn”, ông Ilya Mordvintsev, một chuyên gia về gấu Bắc Cực, chia sẻ với hãng tin Nga Interfax, theo AFP.

Ông Mordvintsev là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Severtsov về Các vấn đề Sinh thái và Tiến hóa ở Moscow.

Biến đổi khí hậu đẩy gấu Bắc Cực vào thảm kịch ăn thịt lẫn nhau

Việc gấu Bắc Cực ăn thịt đồng loại là điều từng được ghi nhận trước đây, nhưng các nhà khoa học cho rằng tình trạng này đang ngày càng tăng do chúng thiếu thức ăn vì môi trường sống bị thu hẹp. Ảnh: National Geographic.

Môi trường sống bị thu hẹp do tác động con người

“Chúng tôi cho rằng tình trạng ăn thịt lẫn nhau của gấu Bắc Cực đang gia tăng”, ông Mordvintsev nói thêm.

Phát biểu trên của chuyên gia này được đưa ra tại một hội thảo ở thành phố St. Petersburg. Ông Mordvintsev cho rằng hành vi ăn thịt lẫn nhau bắt nguồn từ tình trạng thiếu thức ăn. “Vào một số mùa khi không có đủ thức ăn, con đực lớn sẽ tấn công con cái và các con non”, ông cho biết.

Việc các trường hợp gấu Bắc Cực ăn thịt lẫn nhau gia tăng cũng có thể đến từ việc ngày càng có nhiều người đến làm việc ở khu vực nơi chúng sinh sống, dẫn tới nhiều hành vi như vậy được bắt gặp và ghi lại.

“Giờ đây chúng tôi không chỉ nhận được thông tin từ các nhà khoa học mà còn đến từ các công nhân khai thác dầu mỏ và các nhân viên của bộ quốc phòng”, ông Mordvintsev cho biết.

Mùa đông này, khu vực từ vịnh Ob đến biển Barents – nơi gấu Bắc Cực thường đi săn trên các lớp băng, trở thành tuyến đường thủy bận rộn cho các tàu chở LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), theo ông Mordvintsev.

“Vịnh Ob luôn là nơi mà gấu Bắc Cực sử dụng để tìm kiếm thức ăn. Bây giờ lớp băng ở trên đó đã bị phân mảnh quanh năm”, ông Mordvintsev giải thích sự thay đổi này liên quan đến hoạt động khai thác khí tự nhiên trên bán đảo Yamal khổng lồ giáp vịnh Ob, và việc xuất hiện nhà máy khí LNG ở Bắc Cực.

Nga – một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên lớn nhất thế giới – rất muốn phát triển tiềm năng khai thác nguồn tài nguyên LNG ở Bắc Cực. Nước này cũng đã nâng cấp đáng kể sự hiện diện quân sự ở khu vực.

Biến đổi khí hậu đẩy gấu Bắc Cực vào thảm kịch ăn thịt lẫn nhau

Nga có kế hoạch đẩy mạnh khai thác khí đốt tự nhiên ở khu vực Bắc Cực. Ảnh: Yamal LNG.

Một nhà khoa học người Nga khác, ông Vladimir Sokolov, người từng dẫn đầu nhiều cuộc thám hiểm của Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực – cơ quan có trụ sở ở St. Petersburg – cho biết năm nay gấu Bắc Cực bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nóng ấm bất thường trên đảo Spitsbergen ở phía bắc, thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy, khi không có sự xuất hiện của tuyết và băng nhỏ.

Các nhà nghiên cứu Nga ghi nhận số lượng ngày càng tăng các cá thể gấu Bắc Cực di chuyển cách xa khu vực săn mồi truyền thống khi băng tan do biến đổi khí hậu.

Gấu Bắc Cực sẽ còn suy giảm

Trong suốt một phần tư thế kỷ qua, lượng băng ở Bắc Cực vào cuối mùa hè đã giảm tới 40%, theo ông Sokolov. Ông cũng dự đoán rằng gấu Bắc Cực cuối cùng sẽ không còn có thể săn mồi trên băng, và sẽ phải đi kiếm ăn ở các khu vực bờ biển và quần đảo ở vĩ độ cao.

Cuộc khủng hoảng khí hậu khiến cho gấu Bắc Cực gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn. Khi thức ăn khan hiếm, trọng lượng trung bình của các cá thể cũng giảm đi, và khả năng sinh sản của chúng cũng bị hạn chế.

Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí khoa học của Hiệp hội Sinh thái Mỹ cho rằng việc “mất dần môi trường sống sẽ dẫn đến sự thay đổi hành vi, dinh dưỡng và khả năng sinh sản, cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụt giảm số lượng” của gấu Bắc Cực.

“Các thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra ở Bắc Cực rõ ràng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến gấu Bắc Cực”, bà Kristin Laidre, giáo sư Đại học Washington, tác giả nghiên cứu, nhận định.

Nghiên cứu đã theo dõi gấu cái trưởng thành ở khu vực gần vịnh Baffin của đảo Greenland, trong những năm 1990 và 2010. Các nhà khoa học phát hiện những con gấu đã dành thêm 30 ngày trên đất liền (thay vì trên mặt băng) từ năm 2009 đến 2015, so với con số của thập niên 1990, và nguyên nhân là diện tích băng bị thu hẹp.

Khi những con gấu ở trên đất liền, chúng không thể săn con mồi ưa thích là hải cẩu, và thay vào đó phải sử dụng lượng mỡ dự trữ trong cơ thể. Mặc dù có khả năng nhịn đói trong thời gian dài, nhưng điều đó sẽ làm chúng trở nên gầy hơn.

Càng dành nhiều thời gian trên mặt đất, những con gấu càng gầy. Nghiên cứu cho thấy trong số 352 con gấu được quan sát, chỉ có 50 con được coi là béo.

Biến đổi khí hậu đẩy gấu Bắc Cực vào thảm kịch ăn thịt lẫn nhau

Một con gấu Bắc Cực xuất hiện ở thành phố Norilsk của Nga hồi tháng 6 năm ngoái, cách môi trường sống tự nhiên của chúng hàng trăm km. Ảnh: AFP.

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng săn mồi và sinh sản của gấu Bắc Cực, điều đó còn đẩy chúng đến gần hơn với con người, gây ra lo ngại về sự an toàn của những người sinh sống gần Bắc Cực.

Người Nga sống ở các khu định cư phía trên Vòng Cực Bắc thời gian qua bắt gặp sự xuất hiện của nhiều cá thể gấu Bắc Cực xuất hiện ở nơi sinh sống của họ, đặc biệt là các bãi rác nơi chúng tìm kiếm thức ăn.

Chính phủ Nga từng cho biết nước này đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn 2,5 lần so với các khu vực khác trên thế giới.

Biến đổi khí hậu đẩy gấu Bắc Cực vào thảm kịch ăn thịt lẫn nhau

Gấu Bắc Cực gầy trơ xương trong bức ảnh của nhiếp ảnh gia Christina Mittermeier chụp trên đảo Baffin, Canada năm 2017. Ảnh: National Geographic.

 

Nguồn: Quốc Thăng (theo AFP, Guardian, và CBC)