31 C
Hue
25/11/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnTạo “miễn dịch” cho trái Đất trước “virus” biến đổi khí hậu

Tạo “miễn dịch” cho trái Đất trước “virus” biến đổi khí hậu

Những nhà máy đóng cửa, phương tiện giao thông “ngủ đông”, các hãng hàng không ngừng hoạt động, hàng tỷ người hạn chế ra ngoài…
Tạo “miễn dịch” cho trái Đất trước “virus” biến đổi khí hậu
Nguồn: The Guardian
Những điều khó tưởng tượng này diễn ra khi “cơn bão” dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 càn quét toàn cầu, được cho sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên, nhờ đó giảm ô nhiễm môi trường và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.
Tuy  nhiên, báo cáo mới của Chính phủ Mỹ cho thấy nồng độ khí thải CO2 trong khí quyển Trái Đất đã trở lại mức kỷ lục trong tháng Năm, bất chấp việc đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế ngưng trệ.
Mặc dù lượng khí thải trên toàn thế giới ước tính đã giảm tới 26% tại một số nước trong giai đoạn cao điểm áp lệnh phong tỏa do dịch COVID-19, song báo cáo trên cho thấy sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 không phải là “liều thuốc” cho vấn đề ô nhiễm khí thải toàn cầu.
Tạo “miễn dịch” cho trái Đất trước “virus” biến đổi khí hậuCảnh vắng vẻ tại San Francisco, California, Mỹ ngày 20/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Thực tế thì trong giai đoạn đầu, các biện pháp hạn chế đi lại hay ngừng hoạt động kinh tế để ngăn chặn lây lan dịch cũng có tác dụng khiến những “điểm đen” ô nhiễm trở nên trong lành hơn. Tại các quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu thế giới, lượng khí thải giảm đột ngột.
Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan  cho thấy lượng khí thải carbon của Trung Quốc đã giảm ít nhất 100 triệu tấn trong 2 tuần của tháng Hai, tương ứng gần 6% lượng khí thải toàn cầu trong cùng thời điểm năm ngoái. Mật độ tập trung khí NO2 tại các tỉnh miền Đông và Trung Trung Quốc đã giảm 10-30% so với mức bình thường được ghi nhận cùng thời điểm năm ngoái. Cư dân thủ đô New Delhi của Ấn Độ – một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới – và nhiều thành phố khác của đất nước hơn 1,3 tỷ dân này cũng được hưởng không khí trong lành hơn kể từ sau khi nhà chức trách áp đặt biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc ngày 24/3. Số liệu phân tích cho thấy trong ngày đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa, mật độ bụi mịn PM 2.5 trung bình ở nước này giảm 22% và khí NO2 – sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch – cũng giảm 15%.
Tại châu Âu, các nhà nghiên cứu ước tính mật độ NO2 trong khoảng thời gian từ ngày 14 – 25/3, sau khi một loạt quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa, giảm ít nhất 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khí thải CO2 tại châu Âu cũng giảm tới 27%. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ước tính lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 6% vì hoạt động giao thông và sản xuất năng lượng công nghiệp giảm. Đây sẽ là mức giảm mạnh nhất hằng năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Tạo “miễn dịch” cho trái Đất trước “virus” biến đổi khí hậuCảnh vắng vẻ tại Vịnh Marina, Singapore ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Những số liệu trên cho thấy hoạt động của con người tác động lớn như thế nào đến môi trường. Tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tất cả những hoạt động khác gây phát thải khí nhà kính là “thủ phạm” gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Giống như sự lây lan của virus từ người sang người, biến đổi khí hậu xảy ra với mức độ nhỏ nhưng tăng dần và dễ dàng bị “phớt lờ” cho đến khi con người đo lường được những con số cụ thể, như nhiệt độ trung bình hằng năm tăng, cường độ của các cơn bão mạnh hơn, hạn hán kéo dài hơn, cháy rừng dữ dội hơn, tốc độ tuyệt chủng của các loài động, thực vật diễn ra nhanh hơn…
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đang bộc lộ rõ hơn những tác động “tàn phá” của con người đối với môi trường. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của các dịch bệnh xuất phát từ động vật thường có liên quan tới những thay đổi về môi trường hay xáo trộn sinh thái, do hoạt động thâm canh nông nghiệp và định cư của con người, hay do tình trạng xâm lấn rừng và các môi trường sống khác. Bà Anne Larigauderie, Thư ký điều hành IPBES – ủy ban các chuyên gia về đa dạng sinh học của LHQ, cảnh báo rằng con người, thông qua hành động của mình, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus tiếp cận gần hơn với nhân loại. Mức độ thay đổi toàn cầu về tự nhiên trong 50 năm qua là “chưa từng có trong lịch sử con người” và dịch COVID-19 có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Giới chuyên gia y tế cũng cảnh báo đại dịch này báo trước nhiều mối đe dọa sức khỏe toàn cầu khi Trái Đất ngày càng nóng lên, bởi các nhà khoa học đã chứng minh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng dịch bệnh. Giám đốc phụ trách bộ phận HIV, y tế và phát triển của Chương trình Phát triển LHQ, chuyên gia Mandeep Dhaliwal cho biết nạn phá rừng và mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đều đang thúc đẩy biến đổi khí hậu và đưa con người tiếp xúc gần hơn với các loại bệnh xuất phát từ động vật hoang dã. Hiện tượng nóng lên toàn cầu, thời tiết thay đổi bất thường do biến đổi khí hậu càng tạo điều kiện để đại dịch bùng phát mạnh mẽ. Đặc biệt, khi mầm bệnh thích ứng với nhiệt độ tăng cao trong môi trường tự nhiên, chúng cũng sẽ dễ dàng thích nghi và tồn tại trong cơ thể người. Điều đó đồng nghĩa với hệ miễn dịch của con người bị suy yếu. Nồng độ CO2 đo được tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, trong tháng 5/2020 là 417/1 triệu đơn vị không khí (ppm), cao hơn mức kỷ lục 414,8 ppm vào năm ngoái. Điều đó cho thấy tình trạng giảm ô nhiễm cũng như khí thải trong thời kỳ dịch COVID-19 chỉ mang tính chất tạm thời.
WMO cho rằng dịch COVID-19 có tác động rất ít đến biến đổi khí hậu. Khi đại dịch qua đi và người dân thế giới bắt đầu trở lại “guồng quay” công việc, khí thải CO2 trong bầu khí quyển sẽ tăng trở lại, có thể bằng, thậm chí hơn mức khí thải trước giai đoạn dịch bệnh này.
Tạo “miễn dịch” cho trái Đất trước “virus” biến đổi khí hậuKhói lửa bốc lên từ đám cháy rừng Amazon tại khu vực Candeias do Jamari, gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil, ngày 24/8/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tổ chức này lưu ý kinh tế phục hồi sau các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây thường gắn với mức phát thải cao hơn trước thời kỳ khủng hoảng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên đánh giá quá cao tình trạng khí thải giảm trong một vài tháng vừa qua bởi chúng ta không thể chống lại sự biến đổi khí hậu bằng loại virus này”. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và vấn đề biến đổi khí hậu đều cần sự nỗ lực chung tay phối hợp của cộng đồng quốc tế, song hai thách thức này hoàn toàn khác nhau. Đối với COVID-19, cả cộng đồng quốc tế đều mong đợi đó chỉ là căn bệnh tạm thời và tác động của nó cũng chỉ tạm thời. Còn đối với biến đổi khí hậu thì đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua và sẽ song hành với con người trong nhiều thập niên, đòi hỏi cộng đồng cần phải có những hành động mang tính liên tục.
Tháng Năm vừa qua, thế giới cũng ghi nhận tháng nóng kỷ lục trên toàn thế giới. Nhiệt độ trong tháng 5/2020 đã tăng 0,68 độ C so với mức trung bình trong tháng Năm của giai đoạn 1981 – 2010. Nhiệt độ trung bình trong vòng 12 tháng tính đến tháng 5/2020 đã tăng gần 1,3 độ C so với mức trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra. Thậm chí nhiệt độ tại vùng đất nổi tiếng lạnh giá Siberia của Nga đã tăng 10 độ C so với mức trung bình… Kể từ năm 2002, nhiệt độ đã tăng đều đặn so với mức trung bình, trong đó 5 năm vừa qua là các năm nóng kỷ lục và thập niên vừa qua cũng là thập niên nóng kỷ lục. Trong thông điệp nhân Ngày Trái Đất (22/4) năm nay, Tổng Thư ký LHQ Guterres cho rằng các chính phủ nên sử dụng các gói kích thích kinh tế đối phó với dịch COVID-19 để chuyển từ nền kinh tế “xám sang xanh”. Các nguồn ngân sách nên được “rót” vào tương lai chứ không phải vào quá khứ, kinh phí để cứu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần được đầu tư vào những việc làm “thân thiện với môi trường” cũng như tăng trưởng bền vững.
Một số chuyên gia cho rằng đại dịch này có thể giúp “mở một lối tắt” đến tương lai xanh với mức carbon thấp nếu các chính phủ biết “biến nguy thành cơ”. Cùng với giá dầu và khí đốt giảm, giai đoạn này là một cơ hội thích hợp để điều chỉnh lại các khoản đầu tư và trợ cấp của nhà nước. Với kịch bản sáng sủa nhất, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển sang nguồn năng lượng sạch. Các bộ trưởng khí hậu và môi trường của 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đan Mạch, Áo, Đức, Pháp…, đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng “Thỏa thuận Xanh” làm lộ trình cho kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện của liên minh sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Với cương vị Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/7 tới, Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, trong thời gian 6 tháng giữ trọng trách này, các vấn đề khí hậu “sẽ được chú trọng như các vấn đề y tế trong chương trình nghị sự”.
Một dấu hiệu tích cực khác, là kết quả cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện từ ngày 1/1 – 24/3 đối với 40.000 người tại 186 quốc gia trên thế giới cho thấy biến đổi khí hậu và môi trường sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong tương lai, bên cạnh các mối quan tâm về xung đột và rủi ro sức khỏe sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. 95% số ý kiến khảo sát cũng đánh giá hợp tác quốc tế là “cần thiết” hoặc “rất quan trọng” để giải quyết các vấn đề trên.
Những thay đổi mạnh mẽ của môi trường và khí hậu thời gian qua đủ cho thấy chống biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách.Mối đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe và cả mạng sống của con người đâu chỉ là những căn bệnh như COVID-19, mà còn là không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Nếu không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu như hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C, con người cũng sẽ đối mặt với hết đại dịch này đến đại dịch khác. Đại dịch COVID-19 tới ngày 15/6 cướp đi sinh mạng của hơn 435.000 người trên thế giới có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm, cuối cùng sẽ được khống chế. Với khoa học công nghệ phát triển, các nhà nghiên cứu sớm muộn sẽ tìm ra vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nhưng không thể điều chế được loại vaccine ngừa “virus” biến đổi khí hậu. Vấn đề ở đây là tăng khả năng miễn dịch của Trái Đất.
Hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu, nhưng chính hành động của con người lại có thể tạo ra “hệ miễn dịch” cho Trái Đất trước những “virus nguy hiểm” như tình trạng nóng lên toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT