31 C
Hue
21/11/24

Gấu bắc cực

Con gấu cái Bắc Cực gầy trơ xương do băng tan nhanh ở vùng cực.
Ảnh: Kerstin Langenberger
(nguồn:metro.co.uk- ngày 24/9/2015)
Lời giới thiệu:
Hình ảnh một chú gấu trắng Bắc cực trong tình trạng gầy trơ xương mới đây khiến cộng đồng mạng đau lòng và lo lắng.
Mới đây, một nhiếp ảnh gia có tên Kerstin Langenberger đã ghi lại hình ảnh gây sốc ở Svalbard, Bắc Băng Dương. Hình ảnh là một chú gấu trắng Bắc cực trong tình trạng chỉ còn da bọc xương do hậu quả của biến đổi khí hậu nơi đây.
Kerstin Langenberger là một nhiếp ảnh gia chuyên khảo sát và ghi lại các hình ảnh về động vật vùng Bắc cực, đặc biệt khu vực quần đảo Svalbard thuộc Na Uy.
Mới đây, cô đã đăng tải trên trang cá nhân hình ảnh về một chú gấu trắng Bắc cực trong tình trạng ốm đói khiến nhiều người không khỏi xót xa. Bởi như chúng ta đã biết, loài gấu này nổi tiếng với cơ thể mập mạp, to lớn do tích trữ nhiều mỡ phục vụ mùa đông giá lạnh (giữ ấm và là nguồn năng lượng dùng dần).
Từ hình ảnh cho thấy, chú gấu này chỉ còn cơ thể gầy gò và ốm yếu. Lớp mỡ thường thấy không còn và bộ lông lưa thưa, xơ xác. Nhìn thấy cảnh này, nhiều người đã phải thốt lên đau đớn trước sự ảnh hưởng của môi trường tới các loài động vật.
“Các dòng sông băng không ngừng hình thành do bị tan chảy. Trong khi đó, nhiệt độ Trái Đất tăng cao đã khiến các núi băng biến mất một cách nhanh chóng và có thể xem là kỉ lục. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến loài gấu trắng Bắc cực bởi đây là môi trường sống của chúng.
Tôi đã thấy nhiều con gấu trắng ốm yếu và chết đói. Chúng vẫn đi dạo trên bờ biển, tìm kiếm thức ăn, cố gắng để săn tuần lộc, trứng chim, rêu và tảo biển nhưng nó không còn nhiều như xưa nữa. Có nhiều con đực đã kiếm ăn và phải bỏ mạng trên những tảng băng, còn con cái thì sinh con thiếu tháng, hoặc gấu con sinh ra là đã chết vì không đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, việc băng tan chảy nhiều cũng khiến nhiều chú gấu mắc kẹt lại những nơi ít hoặc không có thức ăn”, Kerstin Langenberger nhấn mạnh.
Gấu trắng Bắc cực được sách đỏ của tổ chức Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) liệt vào danh sách những động vật “dễ bị tổn thương”. Theo số liệu từ IUCN, hiện loài gấu này đã giảm tới 30% trong 45 năm qua, chủ yếu là do mất môi trường sống – hệ quả của nhiệt độ Trái Đất tăng cao khiến băng tan nhanh.
“Sự biến đổi khí hậu theo hướng tiêu cực khiến nhiều động vật tại vùng cực bị đe dọa, đặc biệt là gấu trắng Bắc cực. Theo dự đoán, mức độ hình thành băng, độ dày và thời gian tồn tại của băng sẽ giảm trong 50 – 100 năm tới và nó sẽ tác động rất lớn đến môi trường sống ở đây”, đại diện IUCN cho biết.
Bạn có biết?
Gấu trắng Bắc Cực có tên khoa học là Ursus maritimus, là một loài động vật có vú lớn của bộ Ăn thịt (Carnivora), họ Gấu (Ursidae). Chúng sống gần vùng địa cực tìm thấy xung quanh Bắc Băng Dương và là loài động vật ăn thịt lớn nhất trên đất liền.
Gấu Bắc Cực sinh sống trên lãnh thổ của 5 quốc gia khác nhau. Chúng có mặt ở ngoài khơi bờ biển phía bắc và tây bắc Alaska, Canada, Greenland, Svalbard (Na Uy) và Liên bang Nga. Quần thể gấu Bắc Cực ước tính khoảng 16.000 – 35.000 con, trong đó có khoảng 60% ở Canada.
Gấu Bắc Cực là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống băng giá phía bắc Trái Đất, song xét về mặt tiến hoá của sinh giới, nó là động vật xuất hiện khá muộn. Vào khoảng 50.000 đến 100.000 năm trước, một cuộc chạy đua để phát triển của loài gấu nhằm đương đầu với cuộc sống khắc nghiệt đã diễn ra trên vùng Bắc Cực. Trong quá trình này, chúng đã trải qua nhiều lần thay đổi đáng kể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT