31 C
Hue
24/11/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnBiến đổi khí hậu có thể thúc đẩy sự xuất hiện của...

Biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy sự xuất hiện của SARS-CoV-2

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học môi trường toàn cầu đã cung cấp bằng chứng đầu tiên về cơ chế mà biến đổi khí hậu có thể đóng vai trò trực tiếp trong sự xuất hiện của SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch COVID-19.

Tại sao biến đổi khí hậu lại đẩy nhanh lây truyền mầm bệnh?

Những thay đổi về khí hậu bao gồm sự gia tăng nhiệt độ, ánh sáng mặt trời và carbon dioxide trong khí quyển – ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật và cây cối – đã làm thay đổi môi trường sống tự nhiên từ vùng cây bụi nhiệt đới sang vùng thảo nguyên nhiệt đới và rừng rụng lá. Điều này đã tạo ra môi trường thích hợp cho nhiều loài dơi chủ yếu sống trong rừng. Nghiên cứu đã chỉ ra những thay đổi quy mô lớn về kiểu thảm thực vật ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, và các vùng lân cận ở Myanmar và Lào, trong thế kỷ qua.

Số lượng Coronavirus trong một khu vực có mối liên hệ chặt chẽ với số lượng các loài dơi khác nhau hiện có. Nghiên cứu cho thấy có thêm 40 loài dơi đã di chuyển vào tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc trong thế kỷ qua, chứa thêm khoảng 100 loại Coronavirus do dơi sinh ra. “Điểm nóng toàn cầu” này là khu vực mà dữ liệu di truyền cho thấy có thể đã phát sinh SARS-CoV-2.

TS. Robert Beyer, nhà nghiên cứu tại Khoa Động vật học của Đại học Cambridge và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Biến đổi khí hậu trong thế kỷ qua đã khiến môi trường sống ở tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc phù hợp với nhiều loài dơi hơn”. Ông nói thêm: “Việc hiểu được sự phân bố toàn cầu của các loài dơi đã thay đổi như thế nào do biến đổi khí hậu có thể là một bước quan trọng trong việc tái tạo lại nguồn gốc của đợt bùng phát COVID-19”.

Để có được kết quả này, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một bản đồ thảm thực vật trên thế giới như cách đây 1 thế kỷ, sử dụng các bản ghi về nhiệt độ, lượng mưa và độ che phủ của mây. Sau đó, họ sử dụng thông tin về yêu cầu thảm thực vật của các loài dơi trên thế giới để tìm ra sự phân bố toàn cầu của từng loài vào đầu những năm 1900. So sánh điều này với các phân bố hiện tại cho phép họ thấy sự phong phú về loài, số lượng các loài khác nhau, đã thay đổi như thế nào trên toàn cầu trong thế kỷ qua do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy sự xuất hiện của SARS-CoV-2

Ảnh minh hoạ ( Nguồn: Internet)

Khi biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường sống, các loài dơi rời khỏi một số khu vực và di chuyển đến những khu vực khác, mang theo virus của chúng. Điều này không chỉ làm thay đổi các khu vực có virus mà rất có thể cho phép các tương tác mới giữa động vật và virus, gây ra nhiều loại virus có hại hơn. TS. Beyer cho biết.

Mỗi loài dơi chứa trung bình 2,7 loại Coronavirus

Số lượng dơi trên thế giới mang khoảng 3.000 loại Coronavirus khác nhau, với mỗi loài dơi chứa trung bình 2,7 loại Coronavirus, hầu hết không biểu hiện triệu chứng. Sự gia tăng số lượng các loài dơi trong một khu vực cụ thể, do biến đổi khí hậu, có thể làm tăng khả năng một loại Coronavirus gây hại cho con người hiện diện, lây truyền hoặc tiến hóa ở đó.

Hầu hết các Coronavirus do dơi mang theo không thể lây sang người. Nhưng một số loại Coronavirus lây nhiễm sang người rất có thể bắt nguồn từ loài dơi, bao gồm 3 loại có thể gây tử vong cho con người: Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS) CoV-1 và CoV-2.

Khu vực được nghiên cứu xác định là điểm nóng về sự gia tăng phong phú loài dơi do khí hậu cũng là nơi cư trú của tê tê, loài vật được cho là vật chủ trung gian của SARS-CoV-2. Virus này có khả năng đã nhảy từ dơi sang những con vật này, sau đó chúng được bán tại một chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán – nơi xảy ra đợt bùng phát đầu tiên trên người.

Các nhà nghiên cứu nhắc lại lời kêu gọi nhằm thúc giục các nhà hoạch định chính sách thừa nhận vai trò của biến đổi khí hậu trong việc bùng phát các bệnh do virus và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như một phần của các chương trình phục hồi kinh tế COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại kinh tế và xã hội to lớn. Các chính phủ cần phải bắt tay hành động để giảm thiểu rủi ro sức khỏe do các bệnh truyền nhiễm bằng cách giảm thiểu biến đổi khí hậu.

GS. Camilo Mora tại Đại học Hawai’i tại Manoa, người khởi xướng dự án cho biết: Thực tế là biến đổi khí hậu có thể đẩy nhanh việc lây truyền mầm bệnh từ động vật hoang dã sang con người nên là một lời cảnh tỉnh khẩn cấp để giảm lượng khí thải toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế việc mở rộng các khu vực đô thị, đất canh tác và bãi săn vào môi trường sống tự nhiên để giảm sự tiếp xúc giữa con người và động vật mang bệnh.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trong thế kỷ qua, biến đổi khí hậu cũng đã thúc đẩy sự gia tăng số lượng loài dơi ở các khu vực xung quanh Trung Phi và các khu vực rải rác ở Trung và Nam Mỹ.

Nguồn: Lê Ngọc Anh – Báo Sức khoẻ & Đời sống

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT