Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của quá trình trồng trọt.
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa đá, hạn hán, lũ lụt, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp nhất là trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của quá trình trồng trọt.
Tại Việt Nam, nông nghiệp là một ngành kinh tế chủ lực và tạo lượng lớn việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Thế nhưng ngành này đang phải đối mặt trực diện và chịu nhiều thiệt hại từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan…
Nông nghiệp là một ngành kinh tế chủ lực và tạo lượng lớn việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Ảnh: Internet.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng hạn mặn đang diễn ra ngày một khốc liệt. Tính đến tháng 2/2020, nước mặn đã lấn sâu 100km vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long, ở nhiều địa phương có độ mặn lên đến 4‰, có nơi lên đến 8‰, mọi con số đều vượt cột mốc trận hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2016. Điều này đã và đang khiến nhiều diện tích lúa bị khô cháy do không có nước tưới, những vườn cây ăn trái trù phú trở nên xác xơ, héo rũ vì thiếu nước ngọt, khiến giảm đáng kể năng suất cây trồng nước ta.
Cụ thể, tính đến tháng 3/2020, tổng thiệt hại do hạn mặn gây ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 39.000 ha đối với lúa vụ mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020, chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích gieo trồng; ảnh hưởng trên 30% năng suất. Trong đó, ngành nông nghiệp của 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt xâm nhập mặn mùa khô năm nay. Qua thống kê, tại tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn đã làm cho hơn 36.000 ha vườn cây ăn trái khu vực phía Nam quốc lộ 1A luôn trong tình trạng thiếu nước tưới.
Ước tính sơ bộ, diện tích lúa tại tỉnh Long An bị ảnh hưởng trong mùa khô là khoảng trên 13.500 ha. Còn tại tỉnh Bến Tre, trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa cảnh cũng đang trong cơn khát nước ngọt; tình hình nuôi thủy sản gặp khó khăn với hàng trăm ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng… Tính toán đến giữa năm 2020, ước tính giá trị thiệt hại của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre là khoảng 1.250 tỷ đồng.
Dù tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ít hơn tại các địa phương phía Bắc, song năng suất lúa vụ Đông Xuân khu vực này chỉ đạt 62,7 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha so vụ trước, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa đá ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (số liệu Tổng cục Thống kê). Bên cạnh đó, cùng với dịch bệnh phức tạp thì tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nền nhiệt năm sau cao hơn năm trước cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả đàn vật nuôi của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là hộ chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây các cơn bão có diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những “siêu bão”, tàn phá hệ thống đê điều, gây thiệt hại nặng về cây trái và mùa màng, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và miền Trung.
Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với tình trạng hạn mặn, diễn biến thời tiết cực đoan sẽ còn diễn ra và tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nước ta, năng suất một số loại cây trồng chủ lực sẽ giảm đáng kể. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050… dự báo đến năm 2100, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập gần 89,5 nghìn héc-ta, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100cm.
Trước những thiệt hại trên và để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực học hỏi các nước, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện thực tế trong nước, để hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Một trong những bước đi chiến lược đầu tiên của Việt Nam là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Đây là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.