Theo Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, hơn một nửa số thanh niên trả lời khảo sát (52,2%) đã hoặc đang là thành viên của một dự án quản lý rác thải; trong khi 28,2% đã từng hoạt động trong mảng tiết kiệm năng lượng. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ đối với hai lĩnh vực này nói riêng và các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính nói chung tại Việt Nam.
“Mảnh đất” nuôi dưỡng ý tưởng
Cuộc khảo sát với gần 400 thanh niên có tham gia các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu cho thấy, quản lý rác thải, sử dụng tài nguyên hợp lý là mảng hoạt động mà nhiều dự án thanh niên tập trung triển khai hiệu quả nhất, đặc biệt với các chiến dịch giảm sử dụng nhựa dùng một lần. Điểm khác biệt so với các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, đó là hoạt động trong mảng giảm nhẹ thường tập trung triển khai các giải pháp sáng tạo, sáng kiến khoa học kĩ thuật, đổi mới công nghệ. Nổi bật nhất là các dự án về năng lượng và xử lý rác thải.
Điển hình có thể nói tới “Green River Mekong” – Dự án vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” của UNESCO. Khởi động từ tháng 1/2020, nhóm bạn trẻ đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên các con sông ở Việt Nam, trước tiên là khu vực chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Dự án đang triển khai thiết lập hệ thống thùng rác thông minh trên ghe du lịch, ghe hàng, bến phà chở khách; dùng robot thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên sông kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng lối sống xanh cho các tiểu thương và các hộ dân sống trên hoặc ven sông. Các hoạt động truyền thông online đã tiếp cận 150.000 lượt người và thu hút 15.000 lượt tương tác. Hiện dự án đang mở rộng địa bàn sang Cù Lao Chàm, Quảng Nam.
Như nhiều dự án thanh niên khác, nhóm gặp thách thức khi chính quyền địa phương tuy có ủng hộ nhưng lại khó khăn trong khâu cấp giấy phép vì không có quy trình rõ ràng, thiết bị gặp trục trặc khi hoạt động và dịch bệnh Covid-19 làm chậm trễ tiến độ dự án. Bên cạnh đó, theo Nguyễn Hoàng Sơn, đồng Trưởng nhóm Dự án Green River Mekong, một trong những nút thắt chưa “tháo gỡ” được là làm sao để dự án tiếp cận được rộng rãi hơn, giới thiệu những sản phẩm tái chế và khuyến khích thói quen không sử dụng nhựa.
Có thể thấy, nhóm thanh niên khởi xướng các dự án giảm nhẹ là những bạn trẻ có nền tảng về khoa học – kỹ thuật, nên rất vững về mặt kiến thức chuyên môn. Nhưng một dự án thành công còn cần nhiều kỹ năng về truyền thông, quản lý dự án và nâng cao tính ứng dụng của mô hình. Đặc thù của các dự án giảm nhẹ, đặc biệt các dự án liên quan đến rác thải, đòi hỏi thanh niên phải thuyết phục các nhóm đối tượng khác thay đổi hành vi thì dự án mới có hiệu quả trên diện rộng. Mặc dù các nhóm thanh niên thường đạt được thành công bước đầu trong việc truyền thông đến những thanh niên khác thông qua mạng xã hội. Nhưng khi tiếp cận với các kênh truyền thông giáo dục “chính thống” để hướng tới nhiều nhóm đối tượng hơn, thanh niên gặp khó khăn do chưa tạo được niềm tin vào dự án của mình.
Ở một góc nhìn khác, trong tổng số thanh niên trả lời khảo sát, chỉ có 60 bạn tham gia dự án khởi nghiệp kinh doanh nhưng phần lớn đều thuộc lĩnh vực giảm nhẹ. Tiềm năng khá lớn nhưng với các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, việc xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp cho sản phẩm chính là vấn đề lớn nhất.
Đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động thu gom rác thải. Ảnh: MH |
Nâng đỡ các ý tưởng
Nhóm tác giả Báo cáo “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” nhận định, nhìn chung, việc thanh niên thực hiện được các nghiên cứu tầm cỡ lớn cũng là một trong những cách xây dựng niềm tin với các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương về khả năng giải quyết các vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của thanh niên.
Để đưa cơ hội nghiên cứu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến nhiều thanh niên ở các độ tuổi, điều kiện sống khác nhau, cũng như hỗ trợ các nhóm dự án được đa dạng, nhóm tác giả đề xuất, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu sẽ tạo ra các chương trình học bổng hè sáng tạo hướng đến đối tượng thanh niên quan tâm đến vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Chương trình có thể “ghép đôi” các bạn thanh niên với các phòng thí nghiệm, các dự án khoa học đang được đội ngũ giáo sư và thạc sĩ tại trường đại học thực hiện, để các bạn có thể trải nghiệm và quan sát quá trình nghiên cứu thực tế. Cơ hội này nên ưu tiên thanh niên từ các tỉnh thành, thanh niên ở lứa tuổi cấp ba và các bạn nữ – là những nhóm đối tượng thường không được tiếp xúc nhiều với môi trường sáng tạo kỹ thuật.
Mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu của Việt Nam đã được thành lập và đang phát triển Cổng thông tin về BĐKH cho thanh niên với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam. Mạng lưới có thể đứng ra hỗ trợ các đội nhóm thành viên trong việc xin quỹ và làm việc với các bên liên quan, tổ chức các chương trình nhằm tập huấn nâng cao năng lực thanh niên.