Dầu ở giai đoạn tách khỏi cát tại nhà máy chế biến cát hắc ín Suncor ở Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh: Reuters |
Thông báo trên đánh dấu sự thay đổi lớn so với 4 năm trước đó khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên phản đối việc đề cập đến biến đổi khí hậu như một nguy cơ toàn cầu trong các tuyên bố quốc tế.
Thông báo được công bố vào ngày 10/7 sau cuộc họp của Nhóm 20 bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ở thành phố Venice của Ý, nơi đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng. Tuyên bố trên đã đề cập đến việc định giá carbon trong một “bộ công cụ mở rộng”, trong đó các quốc gia cần phối hợp để giảm phát thải khí nhà kính.
Các công cụ đó bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và các công nghệ mới để thúc đẩy quá trình khử carbon và năng lượng sạch, trong đó hợp lý hóa và loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và nếu thích hợp, sử dụng các cơ chế định giá carbon và các ưu đãi, đồng thời hỗ trợ cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố mức thuế điều chỉnh biên giới carbon gây tranh cãi đối với hàng hóa từ các quốc gia có lượng khí thải carbon cao.
“Đây là lần đầu tiên trong một thông cáo của G20, chúng ta có thể đưa cụm từ “định giá carbon” như một giải pháp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi đã rất cố gắng để đưa cụm từ này vào một thông cáo chung của G20”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trao đổi với các phóng viên.
Việc đề cập đến giá carbon trong tuyên bố trên đánh dấu ảnh hưởng của chính quyền Biden khi trước đó đã tham gia lại thỏa thuận Paris vào tháng 1/2021 và đã đặt ra các mục tiêu giảm carbon đầy tham vọng cũng như các kế hoạch đầu tư vào năng lượng sạch và giao thông.
Bên cạnh việc ủng hộ cắt giảm khí thải, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã kêu gọi tăng cường phối hợp quốc tế về các chính sách cắt giảm carbon để tránh xung đột thương mại.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) sẽ đánh thuế đối với hàm lượng carbon của hàng hóa nhập khẩu nhằm ngăn chặn “rò rỉ carbon” và việc chuyển giao sản xuất sang các quốc gia có hạn chế phát thải ít phức tạp hơn. Những người phản đối biện pháp này lo ngại rằng nó có thể trở thành một rào cản thương mại khác nếu không làm giảm lượng khí thải.
Nguồn: Mai Đan – Báo Tài nguyên môi trường