31 C
Hue
21/09/24
Trang chủGiáo dục BĐKH qua môn Địa lí THPTPhương pháp giáo dụcSử dụng phương pháp đàm thoại trong giáo dục biến đổi khí...

Sử dụng phương pháp đàm thoại trong giáo dục biến đổi khí hậu

Đàm thoại trong dạy học là sự trao đổi, hỏi đáp giữa giáo viên và học sinh hoặc giữa học sinh với nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhằm mục đích lĩnh hội những kiến thức mà giáo viên muốn truyền đạt. Đây là phương pháp được nhiều giáo viên sử dụng, có thể vận dụng trong mọi giai đoạn của quá trình dạy học. Tuy nhiên phương pháp đàm thoại được phân thành nhiều loại dựa theo hoạt động nhận thức của người học như: đàm thoại tái hiện kiến thức, đàm thoại giải thích – minh họa kiến thức, đàm thoại tìm tòi – phát hiện kiến thức (còn gọi là đàm thoại ơrixtic). Trong đó đàm thoại tái hiện kiến thức và đàm thoại giải thích minh họa kiến thức là cách sử dụng truyền thống của phương pháp này, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học và dễ gây nhàm chán cho học sinh. Theo quan điểm dạy học hiện đại, hướng đến sự phát triển năng lực tư duy của học sinh chúng tôi khuyến khích tăng cường sử dụng phương pháp đàm thoại tìm tòi – phát hiện kiến thức trong quá trình dạy học nói chung và giáo dục biến đổi khí hậu nói riêng. Với phương pháp này trong một thời gian ngắn, giáo viên có thể giúp HS từng bước khám phá, phát hiện ra bản chất của sự vật hiện tượng Địa lí, nên phương pháp này có ý nghĩa tích cực trong việc nhận thức và lôi cuốn sự tham gia tích cực, tự lực vào việc giải quyết vấn đề đặt ra. Hệ thống câu hỏi – lời giải đáp mang tính chất nêu vấn đề, giúp HS không những nắm vững kiến thức mà còn định hướng cả phương pháp nhận thức và cách diễn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ nói cho HS. Giáo viên cũng có thể kết hợp đàm thoại tìm tòi phát hiện cùng với những phương pháp dạy học khác như sử dụng phương tiện trực quan, dạy học tình huống, thảo luận để phát huy hiệu quả.
Đối với phương pháp đàm thoại tìm tòi – phát hiện, việc chuẩn bị hệ thống câu hỏi của giáo viên rất quan trọng, hệ thống câu hỏi của GV vừa là kim chỉ nam, vừa là bánh lái hướng tư duy của HS đi theo một logic hợp lí, kích thích tính tìm tòi, trí tò mò khoa học và sự ham muốn giải đáp của HS. Vì thế khi kết thúc đàm thoại, HS có cảm giác như tự lực tìm ra chân lí và chính khía cạnh này đã tạo ra cho người học niềm vui trong quá trình nhận thức, một tình cảm rất tốt đẹp cần phát triển ở HS. Đến cuối của quá trình đàm thoại, GV cần khéo léo kết luận vấn đề dựa vào chính câu trả lời của HS,  bổ sung thêm những kiến thức khoa học và kết luận kiến thức một cách hợp lí để HS cảm nhận được có sự đóng góp của mình trong việc làm sáng tỏ kiến thức của bài học. Đây thực sự là một phương pháp phù hợp để giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh phổ thông.
Ví dụ: Khi dạy Địa Lí lớp 12, bài 41 “Vấn đề sử dụng và cải tạo tự nhiên Đồng Bằng Sông Cửu Long”
Mục 3. Sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở ĐBSCL
– GV cho HS quan sát bản đồ và hình ảnh hạn hán ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
  Sử dụng phương pháp đàm thoại trong giáo dục biến đổi khí hậu
 Bản đồ các loại đất BĐSCL           
Hạn hán thường xuyên vào mùa khô ở ĐBSCL
Câu hỏi: Tại sao ở Đồng Bằng Sông Cửu Long nước ngọt là vấn đề quan trọng hàng đầu? Cần phải thực hiện những biện pháp gì để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô ở ĐBSCL?
Trong quá trình HS trả lời, GV dẫn dắt định hướng HS qua những câu hỏi nhỏ hơn hoặc những gợi ý để HS khám phá ra kiến thức bài học từ những kiến thức đã học, hiểu biết của HS thực tiễn.
  1. Tại sao ở Đồng Cửu Long nước ngọt là vấn đề quan trọng hàng đầu?
  • Khí hậu ở ĐBSCL là có đặc trưng nào? (Có 2 mùa mưa và mùa khô, trong đó mùa mưa gây ngập lụt nặng còn mùa khô kéo dài gây tình trạng hạn hán, thiếu nguồn nước ngọt)
  • Địa hình Đồng Bằng Sông Cửu Long có ảnh hưởng đến vấn đề này như thế nào? (ĐBSCL giáp biển, phần hạ châu thổ có độ cao rất thấp so với mực nước biển nên thường xuyên chịu tác động của thủy triều và sóng biển)
  • Biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động đến tình hình này như thế nào? (Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, mực nước biển ngày càng dâng đã làm nhiều diện tích ven biển bị ngập mặn. Chất mặn ngấm vào đất làm diện tích đất phèn mặn ở đây rất lớn) => Nên cần một lượng lớn nước ngọt để thau chua rửa mặt, cải tạo đất.
  • Nền kinh tế chính của ĐBSCL là nông nghiệp ( ĐBSCL được coi là vựa lúa lớn nhất Việt Nam) do đó đất đai và nguồn nước ngọt rất quan trọng
  1. Biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô ở Đồng Bằng Sông Cửu Long?
– Nước ngọt có thể lấy từ đâu để dự trữ? ( Gợi ý việc xây dựng những hồ chứa nước lũ từ mùa mưa)
– Giải pháp về cây trồng là gì? (Chuyển đồi cây trồng trong sản xuất, trồng hoa màu và cây ăn quả xen kẽ cây lúa nước, lựa chọn những giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao mà không đòi hỏi quá nhiều nước như cây đậu xanh)
– Quan trọng nhất là sử dụng nước ngọt hợp lý, tiết kiệm cả trong sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Sau khi các HS đã trả lời xong, GV nhận xét đánh giá và kết luận kiến thức, mở rộng thêm những thông tin về ảnh hưởng của BĐKH tác động sâu sắc đến tình hình thiếu nước ở ĐBSCL.
[1] https://baotintuc.vn/anh/dong-bang-song-cuu-long-dieu-dung-vi-han-man-20160302142100183.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT