Sử dụng phương pháp thảo luận trong giáo dục biến đổi khí hậu

0
156
Phương pháp thảo luận trong dạy học Địa lí là phương pháp trong đó giáo viên cấu tạo lại bài học (hay một phần của bài) dưới dạng các bài tập nhận thức hay một vấn đề, nêu lên để  học sinh cùng trao đổi, mạn đàm với nhau, trình bày ý kiến cá nhân hay đại diện cho một nhóm trước toàn lớp. Qua đó HS thể hiện được sự tương tác và hợp tác cùng với các HS khác và giáo viên, được tư duy sáng tạo và thể hiện ý kiến, quan điểm của bản thân về nội dung bài học. Thông qua quá trình trao đổi, HS cũng sẽ học hỏi được nhiều kiến thức và cách nhìn nhận khác nhau từ bạn bè của mình giúp HS có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề bài học nêu ra. Tục ngữ Việt Nam có câu “Học Thầy không tày học bạn”, trong một khía cạnh nào đó, đôi lúc học hỏi từ bạn bè là cũng là một phương thức tốt trong quá trình hình thành kiến thức, nhận thức và thái độ của học sinh. Phương pháp thảo luận trong dạy học đề cao khía cạnh tích cực đó.
Sử dụng phương pháp thảo luận trong giáo dục biến đổi khí hậu
Để việc sử dụng phương pháp thảo luận đạt kết quả tốt, giáo viên cần quan tâm đến 2 khâu rất quan trọng: chuẩn bị nội dung thảo luận và tổ chức việc thảo luận, Khi chuẩn bị nội dung, cần chọn những bài có những nội dung giáo dục biến đổi khí hậu thích hợp, có những vấn đề thú vị, được nhiều người quan tâm và có thể tranh luận được. Do đó, không phải bài học Địa lí nào cũng có thể sử dụng hiệu quả phương pháp này mà cần có sự lựa chọn, chuẩn bị. Để tổ chức thảo luận cho học sinh có hiệu quả giáo viên cần chia nhóm, nêu lên yêu cầu, mục đích và nội dung của vấn đề cần thảo luận. Trong quá trình học sinh thảo luận, giáo viên cũng cần có sự góp ý, định hướng, hướng dẫn để đưa cuộc thảo luận của học sinh theo định hướng giáo dục mà giáo viên mong muốn. Trong một khoảng thời gian giới hạn, các thành viên mỗi nhóm sẽ thảo luận trao đổi với nhau để hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giáo viên phân công. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp. Phương pháp dạy học thảo luận nhóm nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm; phát triển năng lực cộng tác làm việc và năng lực giao tiếp của HS. Phương pháp này rất phù hợp để giáo dục biến đổi khí hậu cho HS.
Phương pháp thảo luận nhóm được thực hiện theo các bước:
– Bước 1: GV tiến hành chia nhóm HS
Tùy theo nội dung vấn đề cần thảo luận và thời gian và phân chia nhóm theo các quy mô khác nhau. Có thể phân lớp theo dãy bàn, theo các tổ đã được lớp phân chia hoặc theo vị trí HS ngồi gần nhau.
Bước 2: Giao nhiệm vụ cho từng nhóm, yêu cầu rõ ràng cụ thể. Có thể phân cho mỗi nhóm một nhiệm vụ hoặc tất cả các nhóm đều thực hiện nhiệm vụ giống nhau
Bước 3: GV cho HS tiến hành thảo luận. Khi các thành viên trong nhóm tiến hành thảo luận, GV theo dõi quan sát, uốn nắn, điều chỉnh đúng hướng.
Bước 4: Tổng kết hoạt động thảo luận. Đại diện các nhóm trình bày trước lớp kết quả thảo luận của nhóm mình. Các nhóm khác, hoặc các thành viên trong lớp nêu các ý kiến khác với kết quả thảo luận của nhóm bạn (nếu có), hoặc đề xuất kết quả hợp lý. GV nhận xét sản phẩm hoạt động của HS, dẫn ra những kiến thức đúng, nêu ưu điểm, những hạn chế trong quá trình thảo luận.
Phương pháp thảo luận có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp khác để phát huy được hiệu quả tối đa như phương pháp đàm thoại, nêu vấn đề, sử dụng kết hợp phương tiện trực quan…
Ví dụ: Khi dạy Địa lý 12, bài 18: Đô thị hóa.
Giáo viên tổ chức cho lớp thảo luận Mục 3. Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa. Tổng thời gian cho phần này khoảng 25 phút.
  • Bước 1: Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm lớn ( có thể mỗi nhóm 2-3 bàn học gần nhau)
  • Bước 2: Giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm
+ Nhóm 1: Nghiên cứu tác động tích cực của đô thị hóa đến quá trình phát triển KT-XH
+ Nhóm 2: Nghiên cứu tác động tiêu cực của đô thị hóa đến quá trình phát triển KT-XH
+ Nhóm 3: Nghiên cứu những tác động của đô thị hóa đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Giáo viên phát cho mỗi nhóm 1 tờ phiếu học tập. Thời gian thảo luận của các nhóm là 7 phút, ghi kết quả thảo luận vào ô tương ứng của nhóm trong phiếu học tập.
 
PHIẾU HỌC TẬP
Tác động của quá trình đô thị hóa đến sự phát triển kinh tế xã hội và môi trường
 

Nhóm 1. Tác động tích cực đến KT-XH

 

Nhóm 2. Tác động tiêu cực đến KT-XH  Nhóm 3. Tác động đến môi trường và BĐKH
     
  • Bước 3: Các nhóm tiến hành thảo luận theo thời gian quy định
  • Bước 4: Tổng kết hoạt động thảo luận. Đại diện mỗi nhóm trình bày trước lớp về nội dung của nhóm mình. Các thành viên khác có thể phản đối, hay góp ý, bổ sung.
Giáo viên nhận xét và đánh giá về kết quả làm việc của các nhóm, tổng kết lại nội dung của vấn đề được thảo luận, nhấn mạnh đến những tác động của quá trình đô thị hóa đến biến đổi khí hậu.