Với mong muốn bảo vệ môi trường, học sinh Trường Đồi (Spring Hill), từ mầm non 2 tuổi đến cấp hai, đã thực hiện Dự án “Enzyme – nước tẩy rửa sinh học” bằng rác thải nhà bếp.
Cuối năm 2018, một dự án nhỏ, thiết thực và phù hợp với môi trường của học sinh trường đồi, Hà Nội đã được phát động.
Ban đầu, thầy cô phát động mỗi học sinh mang đến trường một bình nhựa, sau đó được hướng dẫn làm Enzyme.
Theo các thành viên của dự án, rác thải từ nhà bếp khi vận chuyển ra nơi xử lý sẽ có mùi hôi thối, khó chịu.
Rác thải nhựa khó phân hủy và gây hại đến môi trường, sinh vật biển nói chung. Vì vậy, dự án ra đời với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng của cộng đồng để bảo vệ Trái Đất.
Cụ thể, nguyên liệu sử dụng làm Enzyme là các loại vỏ trái cây, hoa quả bỏ đi sau khi sử dụng.
Nhấn để phóng to ảnh
Hiện, mỗi ngày tại trường học này, học sinh tự phục vụ bữa ăn, phân loại rác ngay sau khi sử dụng phần ăn của mình. Xương thịt thừa sẽ cho động vật ăn, rau cỏ dùng ủ phân bón. Rác vỏ hoa quả, củ sẽ dùng làm Enzyme.
Nhấn để phóng to ảnh
Các loại rác hoa quả sau khi làm sạch, cho vào bình nhựa cùng một ít nước và đường, để tác động quá trình lên men nhanh hơn, tạo thành nước tẩy rửa sinh học.
Nước của bình lên men đầu tiên, sẽ được sử dụng để làm mồi (không cần dùng đường). Dự án không tiêu tốn nguyên liệu, tái sử dụng vỏ chai nhựa, hạn chế xả rác để bảo vệ môi trường.
Nhấn để phóng to ảnh
Thầy Hà Đình Lực, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 và giảng dạy môn Toán, Lý của nhà trường cho biết, không hạn chế thời gian ủ Enzyme nhưng thông thường, nếu quá trình ủ lâu sẽ càng tốt.
Mỗi ngày, người làm sẽ mở nắp bình 2 lần vào buổi sáng và tối để quan sát khí bay ra, quan sát áp suất bên trong làm bình phình ra, theo dõi sự chuyển biến màu sắc và mùi của nước trong bình lên men, sự chuyển biến của vỏ quả trong bình.
Nhấn để phóng to ảnh
Sau 3 đến 5 tháng ngâm, các em sẽ có sản phẩm nước enzyme được tạo ra từ rác vỏ quả phục vụ giặt quần áo, cọ sàn nhà, rửa bát. Điều quan trọng học sinh không chỉ học các môn học mà còn hình thành đạo đức, ý thức, hành vi với môi trường.
Thầy Lực chia sẻ, các dòng kênh mương của đô thị hiện nay đều đổi sang màu đen, có mùi khó chịu. Trong khi từ vài chục năm trước, chúng ta có thể tắm trên các dòng kênh mương đẹp đẽ này.
Nhấn để phóng to ảnh
“Thứ hai, ở nhà tôi hay phải đánh nhà vệ sinh. Khi dùng các nước tẩy rửa hoá chất, dù tẩy rửa nhiều lần nhưng khi bắn vào tay đều nổi mẩn ngứa, rất độc hại.
Tình cờ tôi đọc trên mạng và biết cách làm Enzyme rất đơn giản nên đã cùng hai con thực hiện”, thầy Lực cho biết.
Cũng theo giáo viên này, anh đã tiến hành làm Enzyme ở nhà và cả ở trường. Ban đầu, bố con anh tặng xung quanh mỗi người một chai dùng thử. Sau đó, các chai nhỏ Enzyme được bán ra với giá 5 nghìn đồng/chai nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp.
Nhấn để phóng to ảnh
“Tôi làm song song cùng gia đình và nhà trường. Tất cả các em đều rất tò mò và sau khi bắt tay tự làm, đều rất thích thú.
Chúng tôi chọn các loại vỏ trái cây không hư hỏng và có mùi thơm như dứa, bưởi… Hiện, nhiều người đang sử dụng loại nước này và riêng gia đình tôi, chỉ hoàn toàn sử dụng Enzyme sinh học”, thầy Lực cho biết thêm.
Ngoài việc làm nước tẩy rửa này, thầy Lực cũng phát động việc thu gom pin ở quê để giảm thiểu ô nhiễm.
Thầy Lực cũng cho hay, hiện nhóm thực hiện dự án này ở trường đồi có trên dưới 20 thành viên cốt cán là học sinh. Còn tất cả các lớp đều triển khai thực hiện.
Nhấn để phóng to ảnh
Được biết, thầy Nguyễn Đức Quang, người sáng lập Trường Đồi (Quốc Oai, Hà Nội), đòng thời cũng là tác giả của dự án.
Nhóm thực hiện dự án đã thu hoạch những mẻ Enzyme đã làm, đóng vào các chai nhựa, dán nhãn, phát cho 40 người sử dụng miễn phí.
Sau một thời gian sử sụng, nhóm sẽ tổng hợp ý kiến cảm nhận để lan tỏa dần dự án.
Tiến tới nhà tường sẽ cho học sinh thử nghiệm phun nước Enzyme lên các chuồng vật nuôi để giảm mùi hôi. Enzyme cũng đang được áp dụng để xử lý nước thải, ban đầu thử nghiệm trong chai nhựa cho thấy có kết quả tốt.
Nguồn: Mỹ Hà & Quân Đỗ – Báo Dân Trí