Những năm gần đây, khi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ rệt, cộng đồng quốc tế càng nói nhiều hơn về “sống xanh”. Sống xanh được coi là một trong những con đường đưa con người quay trở về với thiên nhiên và giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Trào lưu sống xanh đang hiện hữu trong nhiều mặt của đời sống thường ngày, từ cách ăn uống, mua sắm, sinh hoạt cho đến hoạch định chính sách. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) định nghĩa, sống xanh có nghĩa là đưa ra lựa chọn bền vững về những thứ chúng ta ăn, về cách chúng ta di chuyển, về những món đồ chúng ta mua cũng như cách sử dụng và loại bỏ chúng. Chúng ta có thể sống xanh tại nơi làm việc hoặc ngay tại ngôi nhà của mình và sống xanh sẽ duy trì một môi trường lành mạnh. Cách định nghĩa của EPA đã chỉ ra tính kết nối giữa lối sống của con người và sự phát triển bền vững thông qua lựa chọn sống xanh.
Những sáng kiến sống xanh nổi bật
Luôn đứng trong tốp đầu bảng xếp hạng về chỉ số thịnh vượng và phát triển xanh, Na Uy là quốc gia tiên phong trong việc khởi xướng hàng loạt sáng kiến bảo vệ môi trường, trong đó phải kể đến sáng kiến sử dụng ô-tô điện và mục tiêu đầy tham vọng là cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Na Uy dường như không muốn lạm dụng lợi thế của một trong những quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn trên thế giới. Na Uy là nước có tỷ lệ tiêu thụ ô-tô điện bình quân đầu người lớn nhất toàn cầu, với 1/3 tổng doanh số xe hơi bán ra trong năm 2018 của nước này là xe điện.
Dù cơ quan chức năng Na Uy chưa đề cập đến việc cấm hoàn toàn ô-tô chạy bằng diesel hay xăng, dầu, nhưng những năm gần đây, thủ đô Oslo nổi tiếng là thành phố sở hữu lượng xe điện đời mới thân thiện môi trường nhiều nhất thế giới. Gần như tất cả dòng ô-tô điện của các hãng xe tên tuổi toàn cầu đều quy tụ về thành phố này.
Các mục tiêu phát triển xanh và bền vững mà Oslo đề ra đã và đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều người sẵn sàng gia nhập trào lưu sống xanh để góp phần bảo vệ môi trường thành phố với niềm tin chính họ sẽ hưởng lợi từ môi trường sống trong lành.
Dựa vào các chỉ số về giảm phát thải CO2, cải thiện chất lượng không khí, nguồn nước, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển xanh, đa dạng sinh học, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông công cộng, Ủy ban châu Âu đã vinh danh Olso là “Thủ đô xanh của châu Âu năm 2019”.
Sáng kiến của Olso đã truyền cảm hứng bảo vệ môi trường không chỉ cho các địa phương trong nước mà còn lan rộng sang những nước châu Âu khác như Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Phần Lan, Thụy Điển, Đức,… từ đó biến “lục địa già” trở thành điểm sáng về sống xanh.
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng ô-tô điện, Bồ Đào Nha cũng đang đầu tư vào hệ thống sạc cho ô-tô điện ở mức độ cao nhất có thể. Ở thủ đô Lisbon, xe đạp không được sử dụng nhiều như tại các thủ đô khác của châu Âu, nhưng người dân nơi đây đã sáng tạo những phương tiện di chuyển bền vững khác như xe scooter (loại xe hai bánh có chỗ đứng cho một chân, chân còn lại dùng để đẩy) chạy bằng điện. Ngoài ra, tái chế đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, thùng rác chuyên dụng, đặc biệt là thùng chứa pin, có mặt tại tất cả khu dân cư. Nền giáo dục của Bồ Đào Nha cũng góp phần đắc lực bảo vệ môi trường. Mọi trường học đều tổ chức các lớp về môi trường và các em học sinh – thế hệ tương lai của đất nước, thường xuyên được học trong công viên để thêm yêu thiên nhiên.
Trào lưu sống xanh không chỉ thịnh hành trong phạm vi những nước phát triển, mà nó đã lan sang các quốc gia châu Phi thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan và đang đối mặt với những tác động ban đầu của biến đổi khí hậu như Kenya. Trong bối cảnh các nhà khoa học của Liên hợp quốc cảnh báo, từ nay đến năm 2040, nhiệt độ Trái đất tăng có thể gây ra các đợt lũ lụt, hạn hán, cháy rừng nghiêm trọng, kéo theo tình trạng thiếu lương thực, Kenya đã thể hiện quyết tâm bảo vệ nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp của mình thông qua Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH và cam kết giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Không những vậy, Kenya còn ban hành lệnh cấm dùng túi nilon để cứu những tuyến đường thủy và bảo vệ môi trường. Tính đến nay, Kenya đã cấm túi nhựa được hơn hai năm và thậm chí phạt tù những người vi phạm. Hành vi nhập khẩu hoặc bán túi nilon tại Kenya có thể khiến người vi phạm bị phạt lên tới 40 nghìn USD hoặc ngồi tù lên tới bốn năm. Sử dụng túi nilon bị cấm cũng khiến người vi phạm bị phạt hơn 500 USD hoặc ngồi tù một năm.
Làm thế nào để sống xanh mỗi ngày?
Các quốc gia đã và đang đồng loạt triển khai hàng loạt sáng kiến sống xanh ở tầm vĩ mô. Còn ở cấp độ cá nhân, mỗi người cần làm gì để theo đuổi lối sống xanh? Các nhà khoa học cho rằng sống xanh thật ra rất gần gũi và đơn giản, nó bắt nguồn từ những thói quen nhỏ nhặt của chúng ta trong sinh hoạt thường ngày. Dưới đây là chín cách thiết thực giúp cuộc sống thêm xanh mỗi ngày: