31 C
Hue
21/09/24
Trang chủNgoại khóa giáo dục BĐKHTuyên truyềnThanh niên Việt Nam hoạt động về môi trường giải quyết ô...

Thanh niên Việt Nam hoạt động về môi trường giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa tại sông Mê Kông

Thanh thiếu niên trên toàn cầu ngày nay nhận thức rõ hơn về biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường hơn bao giờ hết, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với phong trào chống biến đổi khí hậu cho hành tinh của chúng ta. Bằng cách hợp tác với trẻ em và thanh thiếu niên, UNICEF có thể trao quyền cho họ để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.
Bức ảnh về Sơn
Mai Đức Huy Sơn – Một thành viên của UNICEF Viet Nam

 

Là một thanh niên, Sơn có nhiều mối quan tâm đến các vấn đề xã hội ở Việt Nam, trong đó biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách nhất cần được giải quyết. “Tôi yêu môi trường và những dòng sông xanh, vì vậy tôi muốn trở thành một phần của những giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa tại chợ nổi Cái Răng trên sông Cần Thơ”, Sơn (21 tuổi), sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết. Sơn sinh ra và lớn lên tại tỉnh Kiên Giang ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi đã chứng kiến những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Hành trình thực hiện dự án ‘Dòng sông xanh’ bắt đầu khi Sơn tham gia Sáng kiến Thủ lĩnh Khí hậu Việt Nam do UNICEF, Saigon Innovation Hub và CHANGE phối hợp triển khai, và được hỗ trợ bởi chương trình Sức mạnh cho Thanh thiếu niên của nhà tài trợ ING. Sáng kiến này nhằm trang bị cho người tham gia kiến thức về biến đổi khí hậu, kỹ năng thế kỷ 21,  và thúc đẩy tinh thần công dân tích cực thông qua bốn giai đoạn: Truyền thông tại cộng đồng, Đào tạo kỹ năng thiết kế dự án lấy con người làm trung tâm, Ươm tạo và Vận động chính sách về chống biến đổi khí hậu. Sau giai đoạn truyền thông về chương trình, các bạn thanh thiếu niên được mời gọi thành lập nhóm (4-5 thành viên) và gửi ý tưởng của họ để giải quyết một vấn đề trong cộng đồng, bao gồm phân tích vấn đề và đề xuất các giải pháp.

Sơn đã kết hợp với bốn bạn trẻ khác đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thành 1 nhóm dựa trên niềm đam mê chung của họ đối với các vấn đề môi trường. Các thành viên còn lại trong nhóm là: Mỹ Nhật (25 tuổi), Ngọc Bào (26 tuổi); Thanh Tâm (22 tuổi), Long Hải (23 tuổi), Sơn tuy trẻ nhất nhưng là nhóm trưởng.

Mười hai nhóm đã được chọn để tham gia vào giai đoạn tiếp theo của Sáng kiến Thủ lĩnh Khí hậu – một hội thảo đào tạo thiết kế dự án lấy con người làm trung tâm trong bốn ngày bao gồm phát triển và quản lý dự án. Nhóm của Sơn nằm trong số mười hai nhóm này – với sự hỗ trợ kỹ thuật và vốn ươm tạo từ UNICEF và các đối tác – đã thiết kế một giải pháp để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.

Sơn và các bạn thanh niên khác trong một buổi đào tạo của Sáng kiến Thủ Lĩnh Khí hậu Việt Nam (VCLI)
Sơn và các bạn thanh niên khác trong một buổi đào tạo của Sáng kiến Thủ Lĩnh Khí hậu Việt Nam (VCLI).

“Chúng mình hướng đến các tiểu thương hoạt động trên chợ nổi Cái Răng để giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần. Cùng với với việc nâng cao nhận thức cho họ, nhóm mình cung cấp cho họ thùng rác, để họ không vứt rác xuống sông. Đối với các thùng rác, chúng mình thu thập các thùng sơn cũ và sơn vẽ các thông điệp về bảo vệ môi trường lên đó. Trong giai đoạn ươm tạo, chúng mình đã thiết kế và phát triển máy thu gom rác hoạt động trên sông”, Sơn cho biết thêm.

Sau nhiều tháng lên kế hoạch và triển khai, Sơn và nhóm ‘Dòng sông xanh’ đã đạt được những kết quả đáng kể, trong đó có giải thưởng là 1 trong 8 dự án sáng tạo vì một đại dương không nhựa do UNESCO bình chọn. Dự án cũng được đón nhận và hỗ trợ bởi các tiểu thương và hộ gia đình hoạt động trên chợ nổi Cái Răng.

Sơn và các bạn thanh niên nhận được giấy chứng nhận từ Ban Tổ chức sau giai đoạn ươm tạo các dự án.
Sơn và các bạn thanh niên nhận được giấy chứng nhận từ Ban Tổ chức sau giai đoạn ươm tạo các dự án.

Nhóm của Sơn đã gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi tìm cách thức phù hợp để chạy động cơ máy thu gom rác trên sông. Trong khi động cơ chạy xăng hoạt động mạnh mẽ, các bạn muốn một giải pháp thân thiện hơn với môi trường. Sau khi thử nghiệm và xem xét nhiều, nhóm đã chọn động cơ điện sử dụng pin chạy bằng năng lượng mặt trời với thời lượng 2 giờ.

Mô hình máy thu gom rác đã hoạt động tốt nhưng Sơn và nhóm của mình đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các giảng viên khoa công nghệ tại Đại học Cần Thơ để cải tiến mô hình hơn nữa, bao gồm cả việc tháo lắp mô hình để dễ dàng vận chuyển và lưu kho.

“Nhóm của chúng mình đã trải qua những khó khăn khi có các xung đột trong nội bộ nhóm. Chúng mình đã cố gắng nhiều nhất trong việc tìm ra các mục tiêu chung khi bắt đầu dự án. Sau đó, chúng mình đã trao đổi thẳng thắn để hiểu từng mục tiêu cá nhân rồi hài hóa với các mục tiêu chung của dự án. Bây giờ chúng mình là một đội nhóm khá hoàn chỉnh,’ Sơn nói.

Nhóm dự án “Dòng sông xanh” có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu và triển khai mô hình máy thu gom rác trên khắp các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho các dòng sông xanh hơn và môi trường sạch hơn ở Việt Nam. Về lâu dài, họ có kế hoạch thành lập các diễn đàn hành động về khí hậu của thanh niên, tổ chức các tour du lịch sinh thái trên sông Cửu Long với các tiểu thương địa phương và tăng cường các hoạt động môi trường tại địa phương với thanh thiếu niên. Cá nhân Sơn mong muốn tiếp tục tham gia các  phong trào vì môi trường với các tổ chức do thanh niên lãnh đạo để đóng góp tiếng nói của mình. Đồng thời, Sơn đang học tập chăm chỉ để tốt nghiệp đại học vào đầu năm 2022 và tìm kiếm cơ hội du học để lấy bằng thạc sĩ.

“Với chương trình này, mình đã phát triển bản nhân rất nhiều, dám đề xuất ý tưởng và hành động. Thông qua việc làm việc theo nhóm, mình phát hiện ra rằng chúng ta không nên triệt tiêu ý tưởng của bất kỳ ai. Chúng ta hãy cùng hỗ trợ nhau phát triển và lan tỏa đến cộng đồng vì một hành tinh xanh hơn”, Sơn kết luận.

Nguồn: Phạm Thái Hồng Vân – Unicef Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT