31 C
Hue
29/03/24
Trang chủGiáo dục BĐKH qua môn Địa lí THPTPhương pháp giáo dụcSử dụng phương pháp dạy học theo tình huống trong giáo dục...

Sử dụng phương pháp dạy học theo tình huống trong giáo dục biến đổi khí hậu

Phương pháp tình huống là phương pháp dạy học dựa vào các sự kiện, sự việc đã hoặc đang diễn ra trong thực tế. Phương pháp này dựa trên cơ sở lý thuyết kiến tạo và hướng tới mục tiêu: giáo dục là sự chuẩn bị cho việc giải quyết các tình huống thực tiễn xảy ra trong cuộc sống. Học tập thông qua giải quyết các tình huống giúp HS tiếp nhận tri thức một cách chủ động, có chiến lược, có thể vận dụng linh hoạt những kiến thức và kĩ năng đã học, phát triển khả năng giải quyết vấn đề. ( Đặng Văn Đức, 2012)[1]
Kết quả hình ảnh cho phương pháp  dạy học theo tình huống
(Hinh minh họa)
Đây là một phương pháp dạy học tích cực, có khả năng làm tăng hứng thú học tập, phát huy năng lực tư duy của HS và gắn kiến thức lí thuyết với thực tiễn. Phương pháp này rất thích hợp cho giáo dục biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay bởi mỗi ngày, mỗi khoảng thời gian luôn có rất nhiều các sự kiện, hiện tượng, sự việc nổi bật ở nhiều quốc gia trên Thế giới và Việt Nam liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường, nhắc nhở mọi người đến sự hiện diện không thể chối cãi của một hệ khí hậu đang bị biến đổi đe dọa đến tương lai của bản thân mỗi người và nhân loại. Đặt học sinh vào các tình huống đó vừa giúp HS cập nhật được những vấn đề thực tiễn liên quan đến biến đổi khí hậu, gợi cho HS trách nhiệm và cùng suy nghĩ giải pháp giải quyết các vấn đề đó.
Trong phương pháp này, vai trò của giáo viên là người hướng dẫn, còn học sinh tiếp nhận thông tin, vận dụng kiến thức, kĩ năng thông qua làm việc nhóm hoặc tự đặt mình vào tình huống thực tế để giải quyết vấn đề.
Trong phương pháp tình huống, điều đầu tiên và quan trọng nhất là tìm được tình huống tốt và có khả năng cao trong giáo dục biến đổi khí hậu. Có nhiều yêu cầu đối với một tình huống tốt, nhưng để đảm bảo phát triển tư duy cho HS thì một tình huống phải đảm bảo các yêu cầu sau:
  • Tình huống phải làm cho người học có nhu cầu tư duy: Phân tích, đánh giá, liên tưởng và nêu lên ý tưởng của mình, từ đó HS chiếm lĩnh tri thức hoặc vận dụng kiến thức vào thực tế. Vì tư duy chỉ phát triển khi gặp tình huống có vấn đề để các em phát huy năng lực giải quyết vấn đề.
  • Tình huống mang tính thời sự, sát với thực tế để tạo hứng thú và mang tính giáo dục cho HS. Nội dung kiến thức trong mỗi tình huống nên vừa đủ để kích thích HS suy nghĩ, tìm hiểu.
  • Tình huống nên có nhiều giải pháp để sinh viên phân tích, đánh giá và tìm ra giải pháp tối ưu. Cách thể hiện tình huống rõ ràng, dễ hiểu để HS không tư duy sai hướng. Câu chuyện trong tình huống tương đối hoàn chỉnh để không phải tìm hiểu thêm quá nhiều thông tin.
Nguồn thông tin để lấy ý tưởng cho tình huống rất đa dạng: có thể từ các phương tiện đại chúng như bào, đài phát thanh, ti vi, qua các website trên Internet; Có thể từ chính thực tiễn cuộc sống đang xảy ra ở địa phương; có thể từ những điều bất thường trái với quy luật; có thể từ chính trải nghiệm của giáo viên…
Có thể thực hiện phương pháp tình huống trong giáo dục biến đổi khí hậu theo quy trình sau:
  • Bước 1: Xác định mục tiêu giáo dục
  • Bước 2: Lựa chọn tình huống
  • Bước 3: Thực hiện phương pháp tình huống trong bài học giáo dục biến đổi khí hậu. Giáo viên đưa ra tình huống, xác định vấn đề cần giải quyết, HS giải quyết và trình bày vấn đề.
  • Bước 4: Tổng kết đánh giá
Phương pháp tình huống thường được kết hợp sử dụng với nhiều phương pháp dạy học khác để phát huy tính tích cực của HS như thảo luận, làm việc nhóm, đóng vai, dự án. Khi xây dựng các tình huống cần phải đảm bảo mục tiêu chung của bài học và mục tiêu giáo dục biến đổi khí hậu. Giáo viên có thể kết hợp phương pháp này với các phương tiện trực quan như bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh, video clip… để nâng cao hiệu quả.
 Ví dụ 1: Khi học Địa lí lớp 10, bài 57. Môi trường và sự phát triển bền vững
Giáo viên Địa lí sử dụng phương pháp tình huống trong Mục III. Vấn đề môi trường và phát triển ở các nước phát triển
Bước 1: Xác định mục tiêu
  • Cho học sinh thấy những vấn đề nổi bật về môi trường và biến đổi khí hậu ở các nước phát triển, những mặt trái của các nền kinh tế phát triển trên Thế giới
  • Có quan điểm đúng đắn về mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu
  • Có trách nhiệm, biết đấu tranh và lên án những hành động hủy hoại môi trường và biến đổi khí hậu
Bước 2: Lựa chọn tình huống
Giáo viên cho HS xem 1 đoạn clip dài khoảng 5 phút về một bài phát biểu của cô bé tự kỉ 16 tuổi tên là Greta Thunberg người Thụy Điển tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu Liên Hợp Quốc ngày 23/9/2019. Đây là một tin tức rất nóng hổi và gây tranh cãi trên toàn Thế giới, trong đó cô bé đã tố cáo những nhà lãnh đạo, những nguyên thủ hàng đầu của các quốc gia trên Thế giới bằng những lời lẽ rất đanh thép với tựa đề “How dare you”.
 Video bài phát biểu của Greta Thunberg tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu Liên Hợp Quốc[2]
 
Yêu cầu học sinh xem là ghi chú những điều cần lưu ý. Sau khi HS xem xong giáo viên dẫn dắt câu chuyện liên quan:
Đây là một cô gái Thụy Điển 16 tuổi bị mắc chứng bệnh tự kỉ và đã trở thành nhà hoạt động môi trường. Bài phát biểu của cô gái gây ra tranh cãi dữ dội với 2 luồng ý kiến khác nhau: có rất nhiều người đồng tình với cô bé và khen ngợi sự can đảm của cô bé khi dám đứng lên tố cáo những hành động hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến tương lai phát triển bền vững của thế hệ trẻ. Song cũng có rất nhiều người không đồng tình với cô bé lắm, trong đó có cả tổng thống Mỹ, thủ tướng Nga… cho rằng hiểu biết của cô bé còn rất non nớt và thiếu thực tế, bị người lớn lợi dụng chứ em chưa thực sự nhận thức được vấn đề, và thái độ của em khi phát biểu có phần hỗn láo…
Giáo viên đặt ra yêu cầu HS thảo luận theo bàn và trả lời câu hỏi:
Vậy các em suy nghĩ như thế nào về bài phát biểu của cô gái (ngang tuổi với HS lớp 10)? Các em đồng tình hay phản đối? Vì sao? Ở tuổi các em có thể làm được gì để bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH?
  • Bước 3: HS xem, nghe yêu cầu của giáo viên và suy nghĩ, thảo luận
  • Bước 4: Giáo viên chỉ định một số đại diện HS trả lời câu hỏi. Các HS khác có thể góp ý, bổ sung hoặc phản đổi lại.
Sau đó giáo viên nhận xét về cách giải quyết vấn đề của HS và kết luận nội dung giáo dục, nhấn mạnh đến việc mỗi HS cũng cần là những nhà môi trường, tự mình tham gia và tuyên truyền cho mọi người ngăn chặn biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.
Ví dụ 2: Khi học Địa lí 12, bài 15. Bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai
Giáo viên sử dụng phương pháp tình huống trong mục 1, bảo vệ môi trường
  • Bước 1: Mục tiêu giáo dục
+ Giúp HS nhận thức được hậu quả do rác thải đặc biệt là rác thải nhựa gây ra đối với môi trường
+ Truyền cảm hứng từ mô hình được đưa ra, tác động tích cực đến nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của HS
+ Hướng HS đến việc đưa ra các giải pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng rác thải nhựa hiện nay
  • Bước 2: Đưa ra tình huống
Ngày 13/05/2019, trên bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng – Việt Nam) xuất hiện một mô hình cá Bống ăn rác thải nhựa, với thông điệp “Feed Bống Plastic And Not Ocean” (Hãy cho cá Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương)
Sử dụng phương pháp dạy học theo tình huống trong giáo dục biến đổi khí hậu
Mô hình cá bống ăn rác trên bãi biển Mỹ Khê ( Đà Nẵng)[3]
Đây là mô hình thu gom rác thải nhựa do một nhóm tình nguyện viên thực hiện để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường biển. Một mô hình cá bống khổng lồ được làm bằng vật liệu tre nứa, lá dừa và vật liệu tái chế vừa được hoàn thành lắp đặt tại bãi biển Mỹ Khê, thành phố Đà Nẵng để người dân và du khách có thể bỏ rác thải nhựa vào trong miệng cá.
GV đưa ra câu hỏi thảo luận theo bàn học:
Các em thấy mô hình này như thế nào? Có ưu và nhược điểm gì? HS phổ thông có thể làm gì để hạn chế rác thải nhựa?
  • Bước 3: HS suy nghĩ câu trả lời và cách giải quyết vấn đề
  • Bước 4: Giáo viên nhận xét các câu trả lời của HS và kết luận nội dung kiến thức.
Giáo viên lưu ý nhấn mạnh đến tác hại của các loại rác thải nhựa và sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng, bao gồm của HS phổ thông trong việc giảm thải rác thải nhựa. Cung cấp thêm cho học sinh một số tin tức liên quan về: tình hình sử dụng nhựa của người dân Việt Nam hiện nay, những quy định về quản lý chất thải trong Luật Môi trường của Việt Nam, chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” do Liên Hợp Quốc phát động.
[1] Đặng Văn Đức, Lí luận dạy học địa lí, phần đại cương, NXB Đại học Sư phạm, 2012.
[2] https://m.youtube.com/watch?v=kzY9ptaNet4
[3] https://moitruong.net.vn/khach-du-lich-an-tuong-voi-ca-bong-goby-an-rac-thai-nhua-tren-bai-bien-da-nang/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT